Kiểm sát việc ra bản án, quyết định tố tụng

Một phần của tài liệu Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Trang 56)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2.Kiểm sát việc ra bản án, quyết định tố tụng

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Toà án ban hành bản án, quyết định về giải quyết và bản án, quyết định đó khoa học pháp lý gọi là văn bản áp dụng pháp luật. Để đảm bảo việc ra bản án, quyết định của Tòa án trong quá trình giải

quyết vụ việc dân sự có căn cứ và đúng pháp luật, BLTTDS quy định các văn bản áp dụng pháp luật do Tòa án ban hành để giải quyết vụ việc dân sự (quyết định, bản án) phải được gửi kịp thời cho VKS để thực hiện chức năng KSVTTPL, gồm các loại văn bản sau đây:

- Quyết định nhập hoặc tách vụ án dân sự phải được gửi ngay cho VKS cùng cấp (khoản 3 Điều 38 BLTTDS). Với việc quy định nhập và tách vụ án dân sự tại khoản 1 và khoản 2 Điều 38 BLTTDS, Tòa án có thể nhập hai hay nhiều vụ án đã thụ lý thành một vụ án hoặc tách một vụ án có nhiều yêu cầu khác nhau thành hai hay nhiều vụ án dân sự để giải quyết, nếu việc nhập hoặc tách vụ án với việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật. VKSND có trách nhiệm kiểm sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định tách hoặc nhập vụ án.

- Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời gửi ngay cho VKS sau khi ra quyết định (khoản 2 Điều 123 BLTTDS).

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, theo yêu cầu của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, Tòa án có thể quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp cần thiết (biện pháp khẩn cấp tạm thời) để giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng hoặc để bảo đảm thi hành án án. Tòa án có thể tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 119 BLTTDS. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 BLTTDS, gồm: (1) Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; (2) Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; (3) Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm; (4) Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động; (5) Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động; (6) Kê biên tài sản đang tranh chấp; (7) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; (8) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; (9) Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác; (10) Phong toả tài

khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước, phong toả tài sản ở nơi gửi giữ; (11) Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ; (12) Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định; (13) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định. Khi xét thấy biện pháp khẩn cấp tạm thời đang áp dụng không còn phù hợp mà cần phải thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện pháp khác thì theo yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định thay đổi, bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nếu lý do của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn thì Tòa án quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng theo quy định tại Điều 122 BLTTDS.

Ngay sau khi ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án có trách nhiệm gửi ngay các quyết định đó cho VKS cùng cấp để kiểm sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định.

Trước đây, theo quy định tại Điều 41 PLTTGQCVADS và Điều 21 Luật Tổ chức VKSND năm 2002, thì VKSND có quyền yêu cầu TAND cùng cấp áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, để bảo vệ bằng chứng hoặc để đảm bảo thi hành án. Đó là quy định mang tính tích cực đảm bảo cho VKSND được chủ động yêu cầu khi phát hiện những hành vi xâm hại đến lợi ích của đương sự. Nhưng BLTTDS năm 2004 đã bỏ thẩm quyền này của VKSND.

- Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự phải gửi cho VKS cùng cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định (khoản 1 Điều 187 BLTTDS).

Theo quy định tại Điều 180 BLTTDS, thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được quy định tại Điều 181, 182 BLTTDS. Hòa giải là một thủ tục tố tụng do Tòa án tiến hành, nhằm giúp đỡ cho các đương sự thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án cho phù hợp với pháp luật.

Khi tiến hành hòa giải, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản

này chưa có giá trị pháp lý, mà mới chỉ là văn bản xác đinh sự kiện các đương sự thỏa thuận và là cơ sở để Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. BLTTDS quy định dành cho các đương sự thời gian cần thiết để họ suy nghĩ, cân nhắc lại những nội dung đã thỏa thuận. Hết thời hạn đó mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì Tòa án mới ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Theo quy định tại khoản 1 Điều 187 BLTTDS, thì hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. VKS có trách nhiệm kiểm sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Kiểm sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được thể hiện ở chỗ VKS kiểm tra, xác định xem các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết một phần hay toàn bộ vụ án (vì Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án); nội dung thỏa thuận có thuộc trường hợp không được hòa giải không; Sự thỏa thuận có do đương sự bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội không...Do quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay, nên thông qua hoạt động kiểm sát, nếu phát hiện quyết định đó là trái pháp luật thì VKS chỉ có thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trước đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 44 PLTTGQCVADS năm 1989, thì Tòa án có trách nhiệm gửi bản sao biên bản hòa giải thành cho VKS cùng cấp. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản, VKS có quyền phản đối việc thỏa thuận của các đương sự nếu thấy sự thỏa thuận là không tự nguyện, trái pháp luật và trong trường hợp này việc hòa giải được coi là không thành. Chính quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho VKS kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm trong việc hoà giải, trong việc thoả thuận của các đương sự. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2004 đã loại bỏ quy định Tòa án có trách nhiệm gửi bản sao biên bản hòa giải thành cho VKS và chính sự loại bỏ đó đã gây khó khăn cho hoạt động của VKS trong việc phát hiện vi

phạm về nội dung của quyết công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, bởi vì biên bản hoà giải thành thể hiện toàn bộ hoạt động hoà giải của Toà án và sự thoả thuận của các bên đương sự và là nguồn quan trọng để xác định vi phạm.

- Quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phải được gửi cho VKS cùng cấp trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định (khoản 2 Điều 194 BLTTDS).

Trong quá trình chuẩn bị xét xử, nếu có căn cứ do pháp luật quy định tạm ngừng việc giải quyết vụ án dân sự quy định tại Điều 189 BLTTDS hoặc có căn cứ để ngừng việc giải quyết vụ án dân sự quy định tại Điều 192 BLTTDS thì Tòa án ra quyết tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hoặc quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. VKS có trách nhiệm kiểm sát quyết định tạm đình chỉ và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án.

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho VKS cùng cấp ngay sau khi ra quyết định (khoản 2 Điều 195).

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, nếu không có căn cứ tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự và việc hòa giải không thành, thì Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và quyết định này sẽ không chỉ là quyết định kết thúc giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm mà còn bắt đầu cho một giai đoạn tố tụng mới - giai đoạn xét xử tại phiên tòa. Quyết định đưa vụ án ra xét xử được gửi cho VKS để thực hiện kiểm sát thời hạn ra quyết định và nội dung quyết định.

- Quyết định hoãn phiên toà sơ thẩm phải được gửi cho VKS cùng cấp (Điều 208 BLTTDS).

- Bản án sơ thẩm phải được gửi cho VKS cùng cấp trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án (khoản 2 Điều 241).

Bản án của Tòa án là văn bản áp dụng pháp luật, phản ánh kết quả giải quyết vụ án dân sự của Tòa án. VKS có trách nhiệm kiểm sát để bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp của bản án. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại như quy định hiện hành về kiểm sát bản án (VKSND chỉ đọc bản án của Tòa án mà không được tiếp cận hồ sơ hoặc không tiếp cận được biên bản phiên tòa, trừ những trường hợp tham gia phiên

tòa theo quy định của pháp luật TTDS), thì rất khó phát hiện vi phạm pháp luật của Tòa án trong việc giải quyết vụ án.

- Quyết định giải quyết việc dân sự phải được gửi cho VKS cùng cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Các quy định trên đây của BLTTDS khẳng định kiểm sát bản án, quyết định là một trong những phương thức KSVTTPL trong TTDS của VKSND để góp phần đảm bảo các quyết định, bản án của Tòa án có căn cứ và đúng pháp luật. Trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật, VKSND thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của BLTTDS (VKS thực hiện quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định giải quyết việc dân sự; các quyết định khác VKS thực hiện quyền kiến nghị). Tuy nhiên, với việc quy định kiểm sát quyết định, bản án của Toà án như hiện hành thì hoạt động kiểm sát của VKS gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện vi phạm, nhất là vi phạm trong việc ban hành quyết định tố tụng. Nếu pháp luật TTDS không có những quy định khác bảo đảm cho VKS phát hiện vi phạm của Toà án trong việc ra bản án, quyết định (như quyền được tiếp cận hồ sơ vụ việc dân sự) thì nhiều quy định của BLTTDS về kiểm sát bản án, quyết định của Toà án chỉ mang tính hình thức.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Trang 56)