Mối quan hệ với nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự

Một phần của tài liệu Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Trang 39)

7. Kết cấu của luận văn

1.3.4.Mối quan hệ với nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự

Theo quy định của pháp luật, khi quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm, thì chủ thể có thể áp dụng biện pháp tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo thủ tục TTDS. Việc đương sự thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ trong TTDS có ý nghĩa rất quan trọng, bởi thông qua đó đương sự mới chứng minh để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án. Ngoài ra, việc đương sự thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ trong TTDS còn tạo điều kiện cho Tòa án giải quyết vụ việc dân sự nhanh chóng và đúng pháp luật. Vì vậy, bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự được pháp luật TTDS quy định là một nguyên tắc cơ bản và nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 9 BLTTDS với nội dung: “Đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư hay người khác có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Toà án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ của họ”.

Yêu cầu của nguyên tắc này là trong quá trình TTDS, phải bảo đảm cho các đương sự tự mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của họ; bảo đảm cho đương sự được nhờ Luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của của họ; Tòa án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tạo điều kiện cho đương sự hoặc Luật sư, hay người khác (nếu đương sự nhờ) bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ trong qua trình tố tụng. Nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự chỉ có thể được thực hiện trên thực tế chỉ khi Tòa án thực sự tôn trọng và bảo đảm cho đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ; đồng thời chính đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải thực hiện đầy đủ và đúng quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Hay nói cách khác, nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự chỉ có thể thực hiện trên thực tế khi các chủ thể của TTDS (trong đó có Tòa án và đương sự hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự) tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm quyềnbảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng giải quyết vụ việc dân sự.

KSVTTPL trong TTDS có đối tượng là hoạt động TTDS của cơ quan, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình tố tụng giải quyết vụ việc dân sự và có nhiệm vụ là bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự nhanh chóng, đúng pháp luật. Do vậy, trong mối quan hệ với nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự, việc thực hiện nguyên tắc KSVTTPL trong TTDS là phương thức bảo đảm thực hiện trên thực tế nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự và bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự là mục đích thực hiện nguyên tắc KSVTTPL trong TTDS. Đặc biệt, trong điều kiện trình độ dân trí chưa cao, nhận thức pháp luật của nhân dân còn hạn chế, các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa phát triển và số lượng Luật sư còn quá ít nên người dân còn gặp khó khăn trong việc thu thập, cung cấp chứng cứ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, thì việc thực hiện nguyên tắc KSVTTPL trong TTDS với việc sử dụng những quyền năng cụ thể do pháp luật quy định cho VKSNDsẽ là biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đặc biệt là người yếu thế, người hiểu biết về pháp luật kém.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Trang 39)