Thực trạng sản xuất giống cá tra tại An Giang

Một phần của tài liệu Hiện trạng kỹ thuật sản xuất giống cá tra Pangasianodon Hypopthalmus (Sauvage, 1878) tại tỉnh An Giang (Trang 36)

Nghề sản xuất cá tra bột ở An Giang được hình thành vào khoảng năm 1998. Quy mô trung bình của các trại là 14.984 m2, tổng diện tích ao nuôi cá bố mẹ khoảng 4.177,3 m2 với trữ lượng cá bố mẹ là 10,8 tấn và có khoảng 70% cơ sở sản xuất giống có ao ương với diện tích 3.718,9 m2 [17].

(Nguồn: NGTK tỉnh An Giang, 2012 )

Theo điều tra năm 2013, toàn tỉnh hiện có khoảng 19 cơ sở sản xuất cá tra bột và hơn 1.650 hộ sản xuất giống thủy sản các loại, với diện tích ương nuôi là 691 ha, trong đó có 1.356 hộ sản xuất giống cá tra (611 ha). Mỗi năm có thể sản xuất 4,5 - 5 tỷ cá tra bột, hơn 830 triệu con giống các loại (riêng giống cá tra là 452 triệu con). So với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, con giống sản xuất tại An Giang có chất lượng tốt, đặc biệt là cá tra và đã có “thương hiệu” nhất định nên con giống sản xuất ra được tiêu thụ mạnh với số lượng lớn. Trước năm 1999, do trình độ sản xuất giống cá tra còn thấp, hiệu quả sản xuất không cao nên phần nhiều phải sử dụng nguồn giống vớt từ ngoài tự nhiên để nuôi thương phẩm, đến trước năm 2004 tình hình có cải thiện song lượng giống ngoài tự nhiên vẫn còn chiếm trên 50%. Từ năm 2004, lượng giống cung cấp cho nuôi thương phẩm mới chủ động được từ nguồn sản xuất nhân tạo. Hiện nay, sản xuất giống cá tra đang phát triển theo quy luật cung - cầu và quy luật giá trị, nhưng chưa được quản lý chặt chẽ mà mang tính tự phát, vì lợi nhuận trước mắt. Khi cá nguyên liệu tiêu thụ được giá, diện tích nuôi tăng lên, giống trở nên khan hiếm sẽ bị đẩy giá lên cao. Khi đó xảy ra tình trạng sản xuất giống chạy theo số lượng mà không chú ý đến chất lượng. Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như tăng giá giống, xuất bán giống cỡ nhỏ, buôn bán dịch vụ giống lòng vòng làm cho con giống yếu đi không đảm bảo chất lượng. Nhiều cơ sở ương dưỡng, dịch vụ giống mới được hình thành một cách vội vàng không đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định. Khi cá nguyên liệu bị hạ giá, khó tiêu thụ thì các trại sinh sản cá bột thường không chú ý tới nuôi dưỡng đàn cá bố mẹ, cho ăn cầm chừng, thậm chí cắt giảm lượng thức ăn, cá phát dục kém. Nhưng nếu ngay sau đó cá nguyên liệu tiêu thụ được giá cao, nhu cầu giống tăng lên thì đàn cá bố mẹ bị bỏ đói đó lại được sử dụng ngay để sinh sản, lạm dụng thuốc kích dục tố liều cao để ép cho cá đẻ nhiều lần trong năm, trứng non, nhỏ, phát triển không đều nên cá bột rất yếu, tỷ lệ ương lên giống đạt rất thấp [4].

Đối với các trại sinh sản cá bột, phần lớn sử dụng đàn bố mẹ tuyển chọn từ cá thịt, phẩm giống đã thoái hoá, cỡ cá nhỏ. Trước đây, cá giống lấy từ môi trường tự nhiên nuôi từ 2,5 đến 3 năm tuổi, khối lượng 4 - 5 kg mới bắt đầu thành thục. Hiện nay cá nuôi mới 5 - 6 tháng tuổi, khối lượng 0,5 - 1,0 kg đã thành thục nên chất lượng cá bột thấp. Để giảm chi phí mà vẫn thu được sản lượng cá bột cao, nhiều trại giống đã giảm khối lượng đàn cá bố mẹ, giảm lượng thức ăn nuôi dưỡng nhưng tăng cường độ sinh sản 5 - 6 lứa/năm.

Khảo sát về tình hình sản xuất giống cá tra tại tỉnh An Giang, hiện nay cho thấy có 03 mô hình sản xuất giống chủ yếu như sau:

(1) Trại sinh sản cá bột cung cấp cho các cơ sở ương giống là chính; (2) Trại sinh sản cá bột sau đó ương thành cá giống bán cho người nuôi và (3) Cơ sở ương chỉ mua cá bột ương thành cá giống và dịch vụ giống.

Nghề sản xuất cá tra giống đã có tại An Giang từ năm 1985 và không ngừng phát triển do hội đủ các lợi thế về khí hậu, đất đai, nguồn nước, môi trường. Sản xuất cá tra ở An Giang với tổng số cơ sở sản xuất giống là 19 cơ sở. Trong đó, Trung tâm giống Thủy sản An Giang là được nhà nước đầu tư đồng bộ về hạ tầng cơ sở (hệ thống điện, đường giao thông, hệ thống thoát nước thải) do đó cơ sở này rất thuận tiện trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Còn lại là phát triển tự do; các cơ sở xây dựng không theo quy hoạch, không có hạ tầng cơ sở, nhà nước không đầu tư một hạng mục công trình; cơ sở sản xuất giống còn nằm xen kẽ lẫn trong nhà dân; sản xuất và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Bảng 1.9: Tình hình sản xuất và sản lượng cá tra bột tỉnh An Giang giai đoạn (2011 – 2013)

Năm 2011 2012 2013

Số lượng cơ sở 30 23 19

Sản lượng (triệu con) 22,5 4.295,0 2.400,0

(Nguồn: Báo cáo Chi cục Thủy sản An Giang, 2013)

Số liệu ở bảng 1.9 thể hiện, trong năm 2011 toàn tỉnh có 30 cơ sở sản xuất; đến năm 2013, chỉ còn 19 cơ sở sản xuất, sản lượng đạt 2,4 tỷ cá bột. Như vậy, so với các năm trước đó số lượng cơ sở sản xuất và sản lượng cá bột tại An Giang trong năm 2013 đang giảm. Theo tổng hợp của Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, hàng năm cần khoảng từ 1,5 - 2 tỷ cá bột, nhưng trong tỉnh đã sản xuất hơn nhu cầu thực tế và đã cung cấp cho các tỉnh lân cận. Việc chủ động về con giống cung cấp trong tỉnh cũng là yếu tố ảnh hưởng tới số lượng mà còn ảnh hưởng tới chất lượng giống do công tác quản lý gặp khó khăn.

Một phần của tài liệu Hiện trạng kỹ thuật sản xuất giống cá tra Pangasianodon Hypopthalmus (Sauvage, 1878) tại tỉnh An Giang (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)