Kháng nghị bản án, quyết định của Toà án là hình thức thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong xét xử vụ án hình sự.
Theo từ điển tiếng Việt – Uỷ ban khoa học xã hội – 1985, thì: “ Kháng nghị là bày tỏ bằng văn bản chính thức ý kiến phản đối ”
Theo từ điển luật học, nhà xuất bản từ điển Bách khoa, Hà nội 1999 thì: “ Kháng nghị là việc người có thẩm quyền bằng văn bản của mình gửi đến toà án có thẩm quyền, làm ngừng hiệu lực phán quyết của Toà án trong bản án hoặc quyết định để xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giám đối thẩm hoặc Tái thẩm nhằm làm cho vụ án được xét xử chính xác, khách quan và đúng pháp luật ”.
Kháng nghị gồm có kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm và kháng nghị tái thẩm. Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được quy định tại các Điều 206, 207, 208, 210, 211, 212, 213 –Bộ luật TTHS . Kháng nghị theo thủ tục giám đối thẩm được quy định tại các Điều 242, 244, 245, 246, 247 Bộ luật TTHS . Kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại các Điều 261, 263, 264, và Điều 265 Bộ luật TTHS .
Đối tượng kháng nghị là Bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật đối với kháng nghị phúc thẩm. Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đối với giám đối thẩm, và tái thẩm.
Căn cứ quy định BLTTHS về thẩm quyền kháng nghị, thì VKS là cơ quan có quyền kháng nghị ở tất cả các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Kháng nghị của VKS được hiểu: “ là văn bản pháp lý thể hiện ý kiến phản đối của VKS về những vấn đề mà Toà án đã phán quyết trong Bản án hoặc trong các quyết định của Toà án, nhằm đảm bảo cho Bản án và quyết định của Toà án có căn cứ và đúng pháp luật ”.
Kháng nghị của VKS không những là quyền mà còn là hình thức thực hiện chức năng Kiểm sát hoạt động Tư pháp vì đối tượng của các quyết định kháng nghị là các bản án và quyết định vi phạm pháp luật. Kháng nghị thể hiện vai trò, trách nhiệm của VKS đối với việc bảo vệ pháp chế trong xét xử vụ án hình sự, kháng nghị nhằm yêu cầu Toà án trên một cấp xem xét lại bản án, quyết định mà theo VKS bản án, quyết định đó không có căn cứ hoặc trái pháp luật. Kháng nghị của VKS là cơ sở pháp lý cho toà án có thẩm quyền xét xử theo các thủ tục: Phúc thẩm, Giám đốc thẩm và Tái thẩm. Từ đó yêu cầu của kháng nghị phải đạt được là :
- Xác định chính xác những vi phạm pháp luật của bản án hoặc quyết định làm căn cứ để kháng nghị .
- Đề xuất cụ thể, chính xác đường lối giải quyết vụ án theo đúng pháp luật và hình thức của kháng nghị phải theo mẫu hướng dẫn.
Các thủ tục kháng nghị gồm có:
Kháng nghị của VKS theo thủ tục phúc thẩm .
Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp kháng nghị những bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm cấp huyện chưa có hiệu lực pháp luật khi phát hiện có vi phạm pháp luật.
Các Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm thực hiện kháng nghị đối với bản án và ác quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của cấp tỉnh.
Căn cứ kháng nghị:
- Có những tình tiết qua cuộc điều tra, xét xử tại phiên toà không đầy đủ, chưa rõ ràng.
- Kết luận của bản án hoặc quyết định sơ thẩm không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.
- Có những vi phạm trong áp dụng BLHS và BLTTHS .
Như vậy hiệu quả kháng nghị của VKS theo thủ tục phúc thẩm là nhằm giúp Toà án ra những bản án, quyết định phúc thẩm có căn cứ, đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ngăn ngừa hậu quả do bản án sơ thẩm có vi phạm mang lại.
Để phát huy được kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm VKS phải thực hiện tốt các công tác sau đây:
Kiểm tra các bản án, quyết định là kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của bản án, quyết định sơ thẩm. Tính có căn cứ là kết luận trong bản án phải phù hợp với sự thật khách quan của vụ án, tức là hành vi phạm tội củ bị cáo có xảy ra trong thực tế, có đủ các yếu tố cấu thành phạm tội, được chứng minh ró ràng bằng các chứng cứ khách quan. Tính hợp pháp là bản án hoặc quyết định đó phải phù hợp với những quy định của BLHS về mặt nội dung và những quy định của BLTTHS về mặt hình thức.
Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ phải nắm vững các căn cứ Pháp luật hình sự và Tố tụng hình sự, các nguyên tắc đánh giá chứng cứ để đối chiếu vào từng hoạt động cụ thể của Toà án, từng nội dung của bản án để phát hiện những Vi phạm pháp luật của Toà án, để làm căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Kháng nghị của VKS theo thủ tục giám đốc thẩm:
Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là hành vi tố tụng quan trọng của VKS thể hiện công tác kiểm sát tính hợp pháp và căn cứ của các bản án và quyết định của Toà án đã có HLPL. Đây là một trong các hình thức thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Bởi vì, nếu bản án, quyết định đã có
hiệu lực pháp luật nhưng có vi phạm mà không được kháng nghị để cải sửa thành bản án, quyết định có căn cứ và hợp pháp thì sẽ không bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, không bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, và quyền lợi hợp pháp của đương sự .
Kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm là thực hiện quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát để yêu cầu Toà án có thẩm quyền đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm nhằm khắc phục những vi phạm pháp luật của các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Điều đó có nghĩa kháng nghị giám đốc thẩm là văn bản tố tụng và là căn cứ pháp lý làm phát sinh thủ tục xét xử giám đốc thẩm .
Đối với Viện kiểm sát thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm quy định tại Điều 224 BLTTHS . Nội dung kháng nghị giám đốc thẩm đó là theo các nội dung quy định tại điều 242 BLTTHS . Để kháng nghị có sức thuyết phục cao thì việc phân tích các tình tiết, chứng cứ của vụ án và căn cứ pháp luật để làm rõ vi phạm của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lục pháp luật và hậu quả của các vi phạm đó là rất cần thiết .
Thực tiễn cho thấy việc xác định vi phạm pháp luật trong các bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật không đơn giản, nhất là các vụ án đã qua hai cấp xét xử (Sơ thẩm, phúc thẩm), hoặc đã được xét xử giám đốc thẩm. Vì vậy việc kháng nghị giám đốc thẩm đòi hỏi phải có căn cứ chính xác, mặt khác để bảo đảm tính ổn định của bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật .
Phạm vi kháng nghị Giám đốc thẩm tuỳ theo vi phạm pháp luật đã phát hiện để kháng nghị đó là kháng nghị toàn bộ hoặc một phần bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật .
Việc yêu cầu khắc phục những vi phạm của bản án hoặc quyết định bị kháng nghị: Căn cứ vào thẩm quyền quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng giám đốc thẩm quy định tại các Điều 254, 255, 256, 257 BLTTHS và tuỳ theo mức độ vi phạm của bản án, quyết định bị kháng nghị có thể ra một trong những yêu cầu sau :
- Huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và đình chỉ vụ án. - Huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại .
- Huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm .
- Sửa bản án theo hướng có lợi cho bị cáo .
Kháng nghị của VKS theo thủ tục tái thẩm :
Bản án hoặc quyết định của Toà án bị kháng nghị theo thủ tục Tái thẩm khi có những tình tiết có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của Bản án mà Toà án khi ra bản án hoặc quyết định không biết được. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục Tái thẩm được quy định tại Điều 261 BLTTHS .
Kháng nghị tái thẩm là quyết định của người có thẩm quyền đối với một phần hoặc toàn bộ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để toà án có quyền xét xử tái thẩm.
Quyết định kháng nghị tái thẩm là một văn bản pháp lý làm phát sinh một trình tự xét xử đặc biệt. Trình tự tái thẩm hay còn gọi là thủ tục tái thẩm [ 28,4 ].
Kháng nghị tái thẩm khác kháng nghị giám đốc thẩm và các kháng nghị khác ở chỗ: kháng nghị tái thẩm về thẩm quyền chỉ do Viện trưởng Viện kiểm sát thực hiện.
Kháng nghị theo thủ tục tái thẩm cũng là hoạt động giám đốc việc xét xử của toà án cấp trên đối với toà án cấp dưới và là hoạt động kiểm sát công tác điều tra, truy tố, xét xử cuả Viện kiểm sát đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Những người có quyền kháng nghị tái thẩm
Theo quy định tại Điều 263 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ những người sau đây mới có quyền kháng nghị tái thẩm:
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các quân khu.
Theo quy định tại đoạn 3 Điều 263 Bộ luật tố tụng hình sự thì bản kháng nghị phải được gửi cho người bị kết án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị. Mặc dù điều luật này không quy định bản kháng nghị phải gửi cho toà án xử tái thẩm, nhưng căn cứ vào khoản 2 Điều 262 Bộ luật tố tụng hình sự thì nếu Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị tái thẩm thì chuyển hồ sơ cho toà án có thẩm quyền. Do đó, việc gửi bản kháng nghị tái thẩm cho toà án có thẩm quyền tái thẩm là việc bắt buộc đối với người có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm.
Các quyết định tái thẩm
Do tính chất của tái thẩm, nên các quyết định tái thẩm không hoàn toàn giống với các quyết định giám đốc thẩm. Nếu ở giám đốc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm có thể sửa bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án cấp phúc thẩm và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án cấp sơ thẩm, thì ở trình tự tái thẩm hội đồng tái thẩm không có quyền ra các quyết định đó, mà các Quyết định của Hội đồng tái thẩm quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự.