Truy tố Bị can trước Toà án là một trong những hình thức thực hiện chức năng thực hành quyền công tố của VKS trong xét xử vụ án hình sự. Theo quy định của Điều 180, Điều 191 BLTTHS và các Điều 13; 17 luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất có quyền truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử.
Để thực hiện việc truy tố, thông qua nghiên cứu hồ sơ nếu xác định có đầy đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Bị can, Kiểm sát viên phải làm quyết định truy tố bằng Bản cáo trạng. Căn cứ Điều 142 Bộ luật tố tụng hình sự thì Cáo trạng trước hết là một văn bản áp dụng pháp luật do Viện kiểm sát nhân dân thực hiện và các Kiểm sát viên giữ quyền công tố công bố tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Như vậy, Kể từ khi VKS ra quyết định truy tố và chuyển hồ sơ vụ án cùng quyết định truy tố đến Toà án thì quyền và nghĩa vụ Toà án được xác lập.
Trước hết chúng tôi khẳng định rằng quyết định truy tố là hình thức thực hiện chức năng cơ bản nhất của thực hành quyền công tố là cơ sở để Kiểm sát viên giữ quyền công tố tham gia phiên toà và bảo vệ sự buộc tội trước phiên toà sơ thẩm.
Bản cáo trạng là văn bản pháp lý để Viện kiểm sát thực hiện quyền truy tố bị can ra trước Toà án, đồng thời là cơ sở pháp lý để Toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản Cáo trạng còn là cơ sở pháp lý để bị cáo, người tham gia tố tụng khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bản Cáo trạng phải được lập theo đúng nội dung quy định taị Điều 143 BLTTHS.
Nội dung bản Cáo trạng phân tích và tổng hợp những tình tiết, những tài liệu chứng cứ nói lên bản chất của vụ án, nêu thời gian và địa điểm xẩy ra tội phạm, thủ đoạn, mục đích, hậu quả của tội phạm và những tình tiết liên quan khác, những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, nhân thân của các bị can và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Cáo trạng ghi rõ tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.
Từ việc xem xét Cáo trạng ở các góc độ trên đây, có thể nêu khái niệm về bản Cáo trạng như sau :
" Cáo trạng là văn bản áp dụng pháp luật do Viện kiểm sát thực hiện nhằm nêu ra những chứng cứ thực tế, phân tích và tổng hợp những nội dung có bản nói lên bản chất của vụ án, làm cơ sở cho việc nghiên cứu trách nhiệm hình sự, quyết định truy tố kẻ phạm tội ra trước Toà án nhân dân để xét xử theo tội danh và điều khoản được quy định trong Bộ luật hình sự ”. [14, 12 ]
Từ khái niệm cho thấy bản Cáo trạng (Quyết định truy tố) là một văn bản áp dụng pháp luật, Cáo trạng có nội dung tổng hợp những vấn đề, những chứng cứ, những tình tiết tạo nên bản chất của bản cáo trạng, thể hiện những nét cơ bản của nội dung vụ án làm cơ sở cho việc truy tố bị can ra trước Toà án nhân dân để xét xử theo pháp luật.
Bản Cáo trạng gồm các nội dung sau : [7, 307]
Thời gian, địa điểm phạm tội của bị can: Đây là những tình tiết bắt buộc phải được chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Việc xác định rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm thực hiện tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng, nó đảm bảo cho việc phản ánh diễn biến thực tế của vụ án có căn cứ và khách quan.
Các tình tiết, diễn biến của hành vi phạm tội tập trung làm rõ những hành vi cụ thể của bị can, phương pháp, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm; Xác định lỗi, động cơ, mục đích phạm tội. Hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; Các chứng cứ buộc tội và gỡ tội đối với bị can; Các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can...
Phần kết luận của bản Cáo trạng phải xác định: Bị can hoặc những bị can đã phạm tội gì, ở đâu vào thời điểm nào; Lý lịch tư pháp của bị can; Hành vi phạm tội của bị can và đồng bọn (nếu có) đã phạm vào điều khoản nào của Bộ luật hình sự và quyết định truy tố phải ghi rõ tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.
Vai trò của Quyết định truy tố trong thực hiện chức năng của Viện kiểm sát
Theo Điều 138 và Điều 142 Bộ luật tố tụng hình sự, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, nếu xét thấy có đủ cơ sở, Viện kiểm sát nhân dân ra quyết định truy tố bị can bằng bản cáo trạng. Như vậy, Cáo trạng là một trong những quyết định bắt buộc, có vị trí, vai trò rất quan trọng
đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự. Hay nói cách khác là xác định vai trò của Viện kiểm sát nhân dân (Cơ quan lập Cáo trạng) trong xét xử vụ án hình sự. Tính chất quan trọng thể hiện trên các phương diện sau đây:
Sau khi kết thúc điều tra thì bản Cáo trạng là văn bản tổng hợp đầy đủ về những diễn biến của hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra và về các tình tiết, chứng cứ nói lên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và các tình tiết khác có ý nghĩa xác định sự thật của vụ án.
Về vai trò của bản Cáo trạng chúng tôi đồng ý với quan điểm của tiến sỹ luật học Nguyễn Thái Phúc cho rằng: “ Cáo trạng do VKS truy tố bị can trước Toà án không chỉ là lý do hình thức của xét xử sơ thẩm, mà còn là đối tượng trung tâm chi phối hoạt động diễn ra trong giai đoạn này ”. [ 29, 28 ]
Cáo trạng xác định giới hạn của việc xét xử .
Điều 170 BLTTHS quy định :" Toà án chỉ xét xử những Bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử "
Như vậy, các Toà án không có quyền xét xử những người và hành vi chưa được VKS truy tố. Trước khi mở phiên toà, nếu xét thấy cần phải truy tố thêm người, thêm tội hoặc cần xét xử Bị cáo theo tội danh khác nặng hơn, thì Toá án trả hồ sơ để VKS điều tra bổ sung và thay đổi bản Cáo trạng. Trong thường hợp qua xét xử tại phiên toà mới phát hiện được tội phạm mới hoặc người phạm tội mới thì Toà án ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho VKS điều tra bổ sung. Trường hợp Toà án đề nghị VKS thay đổi tội danh nặng hơn và đã trao đổi mà VKS không nhất trí thì cả hai bên phải báo cáo ngay với cấp trên của mình .Thủ trưởng hai cơ quan cấp trên cần trao đổi ngay để nếu thống nhất ý kiến thì hướng dẫn cấp dưới thi hành, nếu vẫn không thống nhất ý kiến thì Toà án cấp dưới phải xét xử theo tội danh mà VKS đã truy tố, không được tuyên là Bị cáo không phạm tội mà VKS đã truy tố, nếu xét thấy cần xét xử Bị cáo theo tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà VKS đã truy tố hoặc áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn khung hình phạt mà VKS đã đề nghị, thì Toà án không phải báo trước cho VKS và những người tham gia tố tụng.
Bên cạnh đó Cáo trạng còn là cơ sở để bị cáo, những người tham gia tố tụng tại phiên toà thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ.Và cuối cùng việc trình bày bản cáo trạng tại phiên toà sơ thẩm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc mở đầu chức năng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Với vai trò như trên, nếu khi xây dựng cáo trạng, một vấn đề mang tính nguyên tắc là phải xác định những căn cứ làm phát sinh cáo trạng . Cáo trạng đưa ra dựa trên những quy định của các văn bản pháp luật nào? Căn cứ vào các quyết định tố tụng nào? Đó là các quyết định tố tụng liên quan đối với vụ án hình sự như: Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, phục hồi điều tra, kết luận điều tra .v.v...
Bên cạnh hình thức thực hiện chức năng truy tố Bị can ra trước Toà án để xét xử. Bộ luật TTHS quy định thẩm quyền rút quyết định truy tố cho VKS cụ thể như sau:
Nội dung của hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong xét xử các vụ án hình sự là việc kiểm tra quyết định truy tố của mình, nếu có căn cứ quy định ở Điều 98 BLTTHS hoặc có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo thì VKS rút quyết định truy tố của mình trước khi mở phiên Toà và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án.
Điều 156 Bộ luật TTHS quy định: “ Nếu xét thấy có những căn cứ quy định tại Điều 98 Bộ luật này hoặc khi có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, VKS rút quyết định truy tố trước lhi mở phiên Toà và đề nghị Toà đình chỉ vụ án”.
Theo chúng tôi hiểu tinh thần của Điều luật này là ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, Viện kiểm sát chỉ có quyền rút toàn bộ quyết định truy tố mà không có quyền rút một phần quyết định truy tố. Bởi lẽ việc rút quyết định truy tố trong điều luật này dẫn đến Toà đình chỉ vụ án.
Tuy nhiên, Thông tư Liên ngành số 01/LN ngày 08/12/1998 của Toà án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao tại điểm 1 mục 3 thì đã phản ánh rõ hơn: “ Trước khi mở phiên toà, nếu Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ vụ án, nếu rút một phần thì HĐXX chỉ xét xử phần không bị rút truy tố ”.
Như vậy theo tinh thần của Thông tư Liên ngành nêu trên các trường hợp rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát ở giai đoạn chuẩn bị xét xử giống như tại phiên toà sơ thẩm đó là:
Rút một phần quyết định truy tố. Rút toàn bộ quyết định truy tố.
Khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố thì HĐXX đình chỉ vụ án. Còn khi rút một phần quyết định truy tố thì HĐXX chỉ xét xử phần không bị rút quyết định truy tố.
Hiện nay còn vấn đề có nhiều nhận thức khác nhau đó là: Thế nào là rút một phần Quyết định truy tố? vấn đề này có thể dựa trên công văn 328/NCPL ngày22/6/1993 của Toà án Nhân dân Tối cao về việc rút quyết định truy tố. Công văn này dựa trên sự thống nhất của Viện kiểm sát Tối cao tại công văn số 869/VKH ngày 14/6/1993 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thì rút một phần quyết định truy tố tại phiên toà là: “ Kiểm sát viên chỉ rút quyết định truy tố đối với một tội hoặc một số tội và giữ nguyên quyết định truy tố đối với một tội khác hay Kiểm sát viên chỉ rút quyết định truy tố đối với một hoặc một số bị cáo và giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo hoặc các bị cáo còn lại”.
Việc giải thích như vậy theo chúng tôi là chưa đầy đủ, chưa bao hàm hết bởi lẽ trong trường hợp rút một số hành vi của một tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
Chúng tôi thấy quy định của Điều 156 BLTTHS và thông tư liên ngành số 01, hướng dẫn số 328/NCPL nêu trên là chưa cụ thể rõ ràng. Vì vậy chúng tôi đề nghị sửa đổi các quy định của Bộ luật TTHS về quyền hạn rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát ở quá trình chuẩn bị xét xử cho thật cụ thể rõ ràng hơn với tinh thần là ở quá trình này Viện kiểm sát có quyền quyết định rút toàn bộ, một phần quyết định truy tố. Khi Viện kiểm sát thực hiện rút quyết định truy tố hoặc thay đổi quyết định truy tố thì vấn đề giải quyết đối với từng trường hợp đó cần được quy định cụ thể. Ví dụ như đã quy định khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố thì HĐXX đình chỉ vụ án. Mặt khác cũng cần quy định đầy đủ hơn nữa trường hợp rút một phần quyết định truy tố.
Các Toà án không có quyền xét xử những người và hành vi chưa được Viện kiểm sát truy tố. Trước khi mở phiên toà, nếu thấy cần phải truy tố thêm người, thêm tội hoặc cần xét xử bị cáo theo tội danh khác nặng hơn, thì Toà án trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung và thay đổi cáo trạng. Trường hợp qua xét xử tại phiên toà mới phát hiện được tội phạm mới hoặc người phạm tội mới thì Toà án ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Trường hợp Toà án đề nghị Viện kiểm sát đổi tội danh nặng hơn và đã trao đổi mà Viện kiểm sát không nhất trí thì cả hai bên đều phải báo cáo ngay với cấp trên của mình. Thủ trưởng hai cơ quan cấp trên cần trao đổi ngay để nếu thống nhất ý kiến thì hướng dẫn cấp dưới thi hành, nếu vẫn không thống nhất ý kiến thì Toà án cấp dưới phải xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, không được tuyên là “bị cáo không phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”. Nếu xét thấy cần xét xử bị cáo theo tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, hoặc áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn khung hình phạt mà Viện kiểm sát đã đề nghị, thì toà án không phải báo trước cho Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng.