Về nhận thức:

Một phần của tài liệu Vai trò của Viện kiểm sát trong xét xử vụ án hình sự (Trang 65)

b. Kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm:

2.3.2.Về nhận thức:

Bên cạnh nguyên nhân từ những quy định của pháp luật, những hạn chế vướng mắc còn có nguyên nhân từ chủ thể thực hiện đó là đội ngũ KSV đại diện VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong xét xử vụ án hình sự.

Trước hết theo đánh giá của VKSNDTC trong Báo cáo tổng kết năm 2001 và Báo cáo kiểm điểm công tác xây dựng ngành Kiểm sát trong thời kỳ đổi mới của VKSND tối cao, thì đội ngũ cán bộ KSV vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng tính đến hết năm 2001 biên chế của ngành kiểm sát có 9422 người, trong đó: 72 người có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ chiếm 1,09 % biên chế; 2088 người có trình độ Cử nhân luật chiếm 31,98 %, như vậy còn có 6614 người chiếm 66,93 biên chế chưa tốt nghiệp đại học. [ 44,4 ] Với trình độ chuyên môn như vậy, thì tất yếu chưa thể phúc đáp được vai trò to lớn là đảm bảo pháp chế trong xét xử thông qua thực hiện chức năng thực hành quyền Công tố và Kiểm sát hoạt động tư pháp.

Quá trình thực hiện chức năng của ngành trong hoạt động xét xử vụ án hình sự thời gian qua có thể đánh giá một cách tổng thể là đa số KSV có năng

lực chưa tương xứng, xứng đáng với vai trò vị trí của mình. Nhiều KSV giữ quyền công tố trước khi mở phiên toà còn có tư tưởng ỷ lại, chủ quan. Mặt khác tại phiên toà thường có thái độ xem thường bên gỡ tội, không tôn trọng luật sư bào chữa, không chú tâm đến lời bào chữa của luật sư, tranh luận với luật sư không sắc bén, thiếu sức thuyết phục. Xem nhẹ, coi thường lời bào chữa của Bị cáo , nếu Bị cáo tranh luận một cách có tính chất bào chữa thì đánh giá là ngoan cố, không thật thà khai báo. Do đó, làm cho phiên toà không khách quan, dẫn đến suy giảm vai trò KSV trong xét xử vụ án hình sự. Theo chúng tôi, biểu hiện của thực trạng này là tư tưởng ẫu trĩ, cửa quyền. Do đó, cần phải xác lập lại mối quan hệ bình đẳng giữa KSV, Bị cáo và luật sư bào chữa cho Bị cáo trong tranh luận như: Bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, yêu cầu. Có như vậy, mới có một phiên Toà thực sự dân chủ, đảm bảo được pháp chế trong tố tụng hình sự. Một số KSV trình độ, kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ còn yếu, trình độ đánh giá chứng cứ hạn chế, một số chủ quan đơn giản chỉ tập trung vào những tài liệu chứng cứ chủ yếu, bỏ qua những tài liệu, những phần có tính chất thủ tục.

Kiểm sát viên tham gia xét xử chưa tìm tòi nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan đến vụ án, không chú trọng đến việc xây dựng đề cương tham gia xét hỏi tại phiên toà, nếu có thì cũng thiếu khoa học, không sát với thực tế vụ án, không dự kiến được những vấn đề phát sinh. Công tác chuẩn bị cho đề cương luận tội chưa chu đáo, thường là sao chép lại hành vi phạm tội của bị cáo. Luận tội chưa phúc đáp được yêu cầu về nội dung, cũng như mục đích, ý nghĩa của bản Luận tội.

Tại phiên toà một số KSV vẫn còn có tư tưởng đến phiên toà chỉ để đọc cáo trạng và luận tội còn việc xét hỏi là của HĐXX nên đã không chủ động, tích cực tham gia thẩm vấn, tranh luận tại phiên toà. Số khác đã không thấy được ý nghĩa, vai trò của luật sư, lời bào chữa của bị cáo trong TTHS. Do đó xem nhẹ lời bào chữa của họ dẫn đến không thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của KSV tại phiên toà và hệ quả là không khẳng định được vai trò của đại diện VKS tham gia xét xử.

Tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, KSV trực tiếp thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong xét xử vụ án hình sự chưa được đề cao, còn có biểu hiện hữu khuynh trước những sai phạm của Toà án, của HĐXX, hoặc là bỏ qua, thiếu kiên quyết, thiếu trách nhiệm, sợ mất quan hệ giữa VKS và Toà án nên có những vi phạm được phát hiện nhưng không quyết định kháng nghị.

Một số KSV giảm sút ý chí chiến đấu, thoái hoá biến chất về đạo đức, lối sống lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, vi phạm pháp luật và kỷ luật nghiệp vụ của ngành. Hàng năm toàn ngành có trên 1% cán bộ bị xử lý kỷ luật, [ 44,4 ] trong đó có một số bị truy tố trước pháp luật.

Một phần của tài liệu Vai trò của Viện kiểm sát trong xét xử vụ án hình sự (Trang 65)