b. Kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm:
2.4.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật
Để tạo điều kiện và bảo đảm cho Kiểm sát viên thực hiện tốt chức năng, khẳng định được vai trò của Viện kiểm sát trong xét xử vụ án hình sự, đặc biệt là tại phiên toà có hiệu quả, trước hết cần phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của BLTTHS như sau:
Vấn đề quan trọng nhất là hoàn thiện quan niệm thống nhất về khái niệm quyền Công tố và thực hành quyền Công tố, cũng như phân biệt cụ thể với kiểm sát hoạt động tư pháp trong xét xử và xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức năng. Theo đó cần phải sửa đổi Điều 23 BLTTHS bằng cách tách các cụm từ : “ Thực hành quyền công tố ” và " Kiểm sát tư pháp " thành một Điều với 2 khoản riêng biệt. Nội dung của từng khoản của Điều luật này theo chúng tôi là các nhiệm vụ quyền hạn của VKS trong hoạt động điều tra của cơ quan điều tra và trong hoạt động xét xử của Toà án:
Về thuật ngữ Kiểm sát viên theo chúng tôi đổi thành Công tố viên, bởi lẽ, trong xét xử vụ án hình sự KSV thực hiện đồng thời hai chức năng: Thực hành quyền công tố và Kiểm sát tuân theo pháp luật tố tụng hình sự, nhưng khi Kiểm sát viên tham gia phiên toà với mục đích lớn hơn và quan trọng hơn là nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự kẻ phạm tội , nhằm buộc tội người đó ( Đây là nội dung cơ bản của quyền công tố ) . Như vậy có thể nói rằng khi Kiểm sát viên tham gia phiên toà với mục đích chính là thực hành quyền công tố .
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy Viện kiểm sát nhân dân của nước ta được tổ chức về cơ bản tương tự giống như Nhà nước Xô viết . Trong tố tụng hình sự Công hoà Liên Bang Nga, Điều 248 có quy định :" Trong giai đoạn chuẩn bị
xét xử Toà án xem xét giải quyết vấn đề tham gia của Công tố viên trong phiên toà " Điều 295:" Toà án quyết định thứ tự tham gia tranh luận của Công tố viên và người buộc tội xã hội " [ 26, 48 ]. Như vậy , trong giai đoạn xét xử , Luật tố tụng hình sự Liên Bang Nga không sử dụng thuật ngữ " Kiểm sát viên " mà dùng thuật ngữ " Công tố viên " để chỉ người thực hành quyền công tố Nhà nước tại phiên toà . Mặt khác theo luật của nhiều nước khác trên thế giới chỉ có khái niệm " Công tố viên " mà không có khái niệm " Kiểm sát viên " như nước ta. [ 31, 52 ]. Do vậy dùng khái niệm " Công tố viên " để chỉ cán bộ kiểm sát thực hành (duy trì) quyền công tố tại phiên toà vừa không trái với bản chất Nhà nước , chức năng của Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội giao phó mà còn giúp chúng ta tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
Nếu thay đổi từ khái niệm "Kiểm sát viên" thành khái niệm "Công tố viên" còn có tác dụng giúp cho những cán bộ làm công tác này nhận thức sâu sắc hơn về chức năng của mình , từ đó dẫn tới thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, theo chúng tôi thay thuật ngữ Kiểm sát viên bằng Công tố viên và theo đó luật Tổ chức VKSND có tên gọi mới là “ Luật về tổ chức và hoạt động của Viên Công tố ”
Về vấn đề giới hạn của việc xét xử: Hiện nay trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn áp dụng có nhiều ý kiến khác nhau về Điều 170 của Bộ luật này . Điều 170 BLTTHS quy định " Toà án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát và Toà án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử ". Theo quy định của điều luật, nếu những bị cáo và hành vi không theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử thì Toà án không được xét xử
Với quy định như trên có nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng. Nhưng có vấn đề mà ít ai đề cập tới, đó là mối quan hệ giữa Điều 170 BLTTHS và các điều luật khác (liên quan đến việc thực hiện chức năng của Viện kiểm sát trong xét xử vụ án hình sự) cụ thể theo Điều 169 Bộ luật tố tụng hình sự , thì khi Kiểm sát viên tham gia phiên toà ( sau phần xét hỏi ) có thể kết luận về tội danh nhẹ hơn. khái niệm " Tội danh nhẹ hơn " rõ ràng khác với tội danh mà Viện kiểm sát nhân dân truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử . Vậy thì khi Kiểm sát viên thay đổi tội danh như vậy thì Toà án có quyền xét xử nữa hay không ? Nếu thể hiện theo câu chữ của điều luật , khi Kiểm sát viên rút quyết định truy tố thì Toà án không có thẩm quyền xét xử . Vậy quy định cho Kiểm sát viên thay đổi tội danh nhẹ hơn không có tác dụng .
Hoặc theo nội dung Điều 191 và Điều 195, trong phần tranh luận tại phiên toà Kiểm sát viên có quyền đề nghị kết tội Bị cáo toàn bộ hay một phần nội dung Cáo trạng hoặc kết luận về tội danh nhẹ hơn hoặc tút quyết định truy tố.
Như vậy nếu theo câu chữ của Điều 170, nó mâu thuẫn với nội dung các điều trên .
Theo chúng tôi, để đảm bảo đúng tinh thần của luật nên sửa đổi điều 170 BLTTHS như sau :" Toà án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố hoặc buộc tội trước phiên toà ".
Bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự điều luật quy định về quyền kiểm sát việc chấp hành thủ tục tố tụng xét xử vụ án hình sự. Để Viện kiểm sát thực hiện được quyền đó cần bổ sung quy định việc Toà án phải gửi các quyết định cho Viện kiểm sát gồm các quyết định ở phần chuẩn bị xét xử và tại phiên toà sơ thẩm cho Viện Kiểm Sát.
Cần phân định rõ quyền lãnh đạo của Viện trưởng với quyền năng pháp lý của Kiểm sát viên, quyền năng pháp lý của Viện trưởng với quyền năng pháp lý của Kiểm sát viên theo hướng mở rộng quyền hạn cho Kiểm sát viên như quy định cho Kiểm sát viên quyền rút quyết định truy tố ( toàn bộ, hay một phần ) trước phiên toà. Như vậy Điều 156 BLTTHS cần được sửa theo hướng quy định Kiểm sát viên có quyền rút quyết định truy tố trước khi mở phiên toà và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án . Quy định cụ thể quyền của Kiểm sát viên đối với những vi phạm thủ tục tố tụng của Hội đồng xét xủ như : Quyền yêu cầu HĐXX hoãn phiên toà trong những trường hợp nhất định. Ví dụ, trường hợp thành phần HĐXX phải có 2 Thẩm phán 3 Hội thẩm nhân dân nhưng Toà án không chấp hành đúng quy định đó thì Kiểm sát viên có quyền yêu cầu HĐXX hoãn phiên toà; Quyền yêu cầu HĐXX khắc phục ngay những vi phạm tại phiên toà; Quyền được xem biên bản phiên toà và yêu cầu ghi những sửa đổi bổ sung vào biên bản phiên toà .
Về vấn đề tranh tụng tại phiên toà: Theo quy định của BLTTHS hiện hành thì việc xét hỏi tại phiên toà tập trung chủ yếu vào HĐXX , vai trò Công tố của Kiểm sát viên, vai trò bào chữa của bị cáo hoặc người bào chữa chưa rõ nét, còn những người tham gia tố tụng khác thì không được tự mình hỏi mà phải thông qua chủ tọa phiên toà. Điều này được thể hiện rõ tại Điều 181 BLTTHS quy định trình tự xét hỏi : “ Chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến các Hội thẩm nhân dân, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa . Những người tham gia phiên toà có quyền đề nghị chủ tọa phiên toà hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ ”. Còn các quy định cụ thể ở các Điều 183, 184, 185 BLTTHS về hỏi bị cáo, hỏi người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, hỏi người làm chứng thì hầu như BLTTHS chỉ đề cập đến HĐXX.
Như vậy, phần lớn thời gian tiến hành xét xử là hoạt động của Hội đồng xét xử, trong đó chủ yếu là Thẩm phán chủ toạ phiên toà, trong khi thời gian dành cho tranh luận rất hạn hẹp (Theo tìm hiểu thời lượng dành cho giai đoạn tranh luận tại các phiên toà sơ thẩm hình sự chỉ chiếm không quá 10 % thời gian xét xử của toàn bộ phiên toà). Việc quy định như hiện nay cho thấy chưa phát huy được tính chủ động , tích cực của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác vào việc xét hỏi tại phiên toà. Mặt khác ảnh hưởng nguyên tắc dân chủ, công bằng trong Tố tụng hình sự nói chung, trong xét xử án hình sự nói riêng.
Để thực hiện có hiệu quả chức năng xét xử của Toà án, phát huy tính chủ động tích cực của bên buộc tội và bên bào chữa khi tham gia vào quá trình tranh luận, góp phần làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án. BLTTHS cần sửa đổi theo hướng giao trách nhiệm xét hỏi cho cho bên buộc tội và bên bào chữa, còn HĐXX chỉ điều kiển và giữ trật tự phiên toà , làm cho phiên toà thực sự là nơi tranh tụng giữa các bên. Tạo điều kiện cho HĐXX tập trung theo dõi, giám sát và hướng cho quá trình tranh luận tại phiên toà tập trung vào việc làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án Mặt khác cho những người tham gia tố tụng được trực tiếp tham gia trong phần xét hỏi cũng là đảm bảo cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo chúng tôi để Hội đồng xét xử có điều kiện làm tròn bổn phận, trả lại cho Toà án vị trí vốn có của nó là một quan toà khách quan, thay vì Toà án đang làm nhiệm vụ của Cơ quan điều tra và Công tố như quy định trong hệ thống các quy phạm pháp luật về tố tụng hiện nay. Nên quy định hoạt động xét hỏi, tranh luận tại phiên toà theo hướng nâng cao vai trò và chất lượng tranh tụng của Công tố và luật sư, dành thời lượng chủ yếu của phiên toà cho hoạt động tranh tụng giữa luật sư và Công tố đưa Toà án trở về đúng vai trò đích thực của nó là quan toà khách quan và công bằng, các phán quyết của Toà án phải được hình thành chủ yếu từ kết quả tranh tụng tại phiên toà, như Nghị quyết 08 của Bộ chính trị đã chỉ rõ " Việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bán án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục ". Do vậy theo chúng tôi trước mắt cần sửa đổi các quy định của BLTTHS về trình tự xét hỏi và việc hỏi từng người cụ thể theo hướng mở rộng cho những người tham gia tố tụng được thực hiện nhiệm vụ tố tụng của mình và phát huy tính chủ động , tích cực của các bên trong quá trình xét hỏi .
Cụ thể theo chúng tôi cần sửa đổi, bổ sung một số Điều, Khoản của Bộ luật tố tụng hình sự như sau :
Điều 181 : Trình tự xét hỏi
Khoản 2. Khi xét hỏi từng người, Chủ tọa phiên toà hỏi trước sau đến kiểm sát viên và người bào chữa , những người tham gia phiên toà có quyền hỏi thêm về các vấn đề cần làm sáng tỏ sau khi được phép của chủ tọa phiên toà. Các thành viên của HĐXX có thể hỏi bất kỳ thời điểm nào khi thấy cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết vụ án . Người giám định được hỏi về những vấn đề liên quan đến phần giám định .
Điều 183: Hỏi Bị cáo
Khoản 1. Điều 183 BLTTHS cần được sửa đổi như sau: Thay đoạn “ Hội đồng xét xử phải hỏi riêng từng bị cáo ” bằng cụm từ “ Các bị cáo được hỏi riêng từng người ”; Thay cụm từ “ Hội đồng xét xử ” bằng cụm từ “ Kiểm sát viên, người bào chữa ”.
Ở khoản 2 Điều 183 thêm cụm từ “ Chủ toạ phiên toà yêu cầu ” vào trước câu “ Bị cáo trình bày ” … và bỏ cụm từ “ Hội đồng xét xử vẫn ”.
Như vậy nội dung Điều 183 BLTTHS mới như sau :
1. Các bị cáo được hỏi riêng từng người. Nếu lời khai của bị cáo này có ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ tọa phiên toà phải cách ly họ .Trong trường hợp này bị cáo được cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.
2. Chủ tọa phiên toà yêu cầu bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án . Kiểm sát viên, Người bào chữa hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.
3. Nếu bị cáo không trả lời, các câu hỏi thì tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng .
Điều 185: BLTTHS cần được bổ sung mới như sau :
1. Người làm chứng được hỏi riêng từng người và không để cho những người làm chứng khác biết được noọi dung xét hỏi đó.
2. Khi hỏi người làm chứng, Chủ tọa phiên toà phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án . Chủ toạ phiên toà yêu cầu họ trình bày những tình tiết vụ án mà họ đã biết , sau đó Kiểm sát viên, người bào chữa hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn .
3. người làm chứng là người chưa thành niên thì chủ tọa phiên toà có thể yêu cầu cha, mẹ , người đỡ đầu hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi .
4. Sau khi đã trình bày song, người làm chứng ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm .