1. Quá trình hình thành dư luận xã hội.
Quá trình hình thành dư luận xã hội gồm 4 giai đoạn: - Giai đoạn tiếp nhận thông tin;
- Giai đoạn hình thành các ý kiến cá nhân; - Giai đoạn trao đổi ý kiến giữa các cá nhân; - Giai đoạn hình thành dư luận chung.
Giai đoạn 1: Các cá nhân, các nhóm xã hội…tiếp xúc, chứng kiến, thu nhận thông tin từ sự kiện, vấn đề… hiện hữu.
Giai đoạn 2: Tạo nên cảm giác ban đầu thông qua những thông tin về các hiện tượng của sự kiện, vấn đề đó.
Giai đoạn 3: Trao đổi, bàn luận, tranh luận về các cảm nghĩ, các ý kiến xung quanh đối tượng của dư luận.
Giai đoạn 4: Các ý kiến cá nhân khác nhau được thống nhất trên cơ sở những quan điểm cơ bản để hình thành sự đánh giá chung về các sự kiện, vấn đề. Và từ việc đánh giá dẫn đến sự phán xét về hành động.
2. Cơ sở tâm lý, xã hội của việc hình thành dư luận xã hội.
2.1. Cơ sở nhận thức:
Nội dung và sắc thái dư luận xã hội thường được quy định trực tiếp bởi trình độ hiểu biết của công chúng, nhóm xã hội. Sự hiểu biết nhiều hay ít của công
chúng, nhóm xã hội quyết định sự đánh giá đúng hay sai đối với vấn đề, sự kiện, hiện tượng hiện hữu.
Một trong những yếu tố tâm lý có ảnh hưởng lớn đến quá trình nhận thức, tiếp nhận thông tin và đưa ra ý kiến của cá nhân, của nhóm xã hội là khuôn mẫu tư duy của cá nhân, của nhóm xã hội đó.
2.2. Cơ sở xã hội:
Một trong những căn cứ xã hội của dư luận xã hội là yếu tố lợi ích nhóm, giai cấp. Các nhóm xã hội có lợi ích giống nhau, thì tư tưởng của họ về những vấn đề, sự kiện, hiện tượng…có liên quan đến lợi ích đó cũng thường giống nhau. Trong xã hội có nhiều giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội với các lợi ích khác nhau, nếu các sự kiện, hiện tượng xảy ra không mang lại lợi ích chung, phổ quát mà là lợi ích riêng, đặc thù của mối giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội thì dư luận của các nhóm, tầng lớp, giai cấp có thể xung đột gay gắt với nhau.
Mặc dù có những lợi ích rất khác nhau, nhưng giữa các nhóm, tầng lớp, giai cấp cũng có những lợi ích chung. Lợi ích chung không mâu thuẫn với lợi ích riêng, đặc thù chính đáng của mỗi nhóm, tầng lớp, giai cấp trong xã hội mà lợi ích chung chính là nền tảng, chỗ dựa giúp mỗi nhóm, tầng lớp, giai cấp đạt lấy những lợi ích riêng, đặc thù chính đáng của mình.
Cần phân biệt lợi ích đặc thù chính đáng với lợi ích đặc thù, cực đoan. Lợi ích đặc thù cực đoan bao giờ cũng đối lập, đi ngược lại lợi ích chung. Vì vậy, trong phân tích dư luận xã hội, phải biết nó xuất phát từ lợi ích của giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội nào; lợi ích đó có chính đáng không, có phù hợp với lợi ích chung hay không.
2.3. Dự báo tình hình tư tưởng dư luận xã hội:
Trên cơ sở phân tích căn nguyên nhận thức và căn nguyên xã hội của dư luận xã hội, chúng ta có thể đưa ra những dự báo tin cậy về tình hình tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân.
- Mức độ phổ biến, tính bền vững của các khuôn mẫu tư duy xã hội phản ánh qua dư luận xã hội là cơ sở dự đoán mức độ đồng tình hay phản đối của dư luận xã hội đối với sự việc sắp diễn ra.
- Trên cơ sở phân tích các mối quan hệ về lợi ích giữa các nhóm xã hội, tình trạng dân trí và tình trạng thông tin, có thể đưa ra các dự đoán về xu thế biến đổi của dư luận xã hội trong những giai đoạn nhất định.