1. Khái niệm.
Khoa giáo là tên gọi tắt các hoạt động trên lĩnh vực khoa học, giáo dục và xã hội nói chung. Các lĩnh vực khoa giáo bao gồm: khoa học - công nghệ, kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, dạy nghề và các vấn đề xã hội liên quan đến việc bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người bao gồm vấn đề sức khỏe, dân số, gia đình, trẻ em, thể dục - thể thao, việc làm, môi trường, bảo hiểm và các tệ nạn xã hội. Công tác khoa giáo là hoạt động lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng về các lĩnh vực khoa giáo. Công tác khoa giáo ở cơ sở là hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ (chi bộ) cơ sở về các lĩnh vực khoa giáo.
Hệ thống tổ chức công tác khoa giáo của Đảng bao gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương; ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; ban tuyên giáo huyện ủy, thành ủy, quận ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và Tuyên giáo
đảng ủy xã, phường, thị trấn. Về quản lý Nhà nước, các lĩnh vực khoa giáo do một cơ quan Trung ương đảm tránh, có các tổ chức tương ứng ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở.
2. Vai trò của công tác khoa giáo.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX xác định: Phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh của người Việt Nam, coi phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp...". Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: Phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm.
Công tác khoa giáo tập trung chăm lo phát triển nhân tố con người, khoa học - công nghệ, phát triển nguồn lực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hoá và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đảng ta xác định các lĩnh vực khoa giáo có vị trí quan trọng hàng đầu trong hệ thống chính sách và nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp, là đòn bẩy chủ yếu, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với phát triển khoa học - công nghệ là một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.
Công tác khoa giáo ở cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục & đào tạo; tuyên truyền, vận động lao động nông thôn tham gia học nghề; tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới vào lao động, sản xuất, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động; giáo dục, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân; chuẩn bị tốt nguồn lực thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.