Xu thế phát triển của hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường hàng không Việt Nam trong xu thế hội nhập

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trong xu thế hội nhập (Trang 31)

không Việt Nam trong xu thế hội nhập

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, thị trường Hàng không Việt Nam phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân lên đến trên 30% năm. Kể từ năm 2000 (trừ năm 2001 và 2003) đến nay, thị trường hàng không Việt Nam luôn đạt được mức tăng trưởng từ 10-15%[1;tr3]. Theo Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải Hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 08/01/2009, với chỉ tiêu phát triển:

Tổng thị trường vận tải hành khách: 17,3% giai đoạn 2007 – 2010; 16% giai đoạn 2010 – 2015; 14% giai đoạn 2015-2020 và 7,5% giai đoạn đến năm 2030;

Tổng thị trường vận tải hàng hóa: 17,5% giai đoạn 2007-2010; 16% giai đoạn 2010-2015; 18% giai đoạn 2015-2020 và 14% giai đoạn đến năm 2030;

Phục vụ hành khách tại cảng hàng không (CHK): 18,3% giai đoạn 2007 – 2010; 15% giai đoạn 2010-2015; 13,6% giai đoạn 2025-2020 và 7,7% giai đoạn đến năm 2030;

Phục vụ hàng hóa tại CHK: 16% giai đoạn 2007-2010; 17% giai đoạn 2010-2015; 17% giai đoạn 2015-2020 và 14% giai đoạn đến năm 2030;

Điều hành bay: 8,5% giai đoạn 2007 – 2010; 5,6% giai đoạn 2010-2015; 5,6% giai đoạn 2015-2020 và 5% giai đoạn đến năm 2030;

Như vậy, có thể thấy Việt Nam hứa hẹn là một thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng nêu trên, hàng không Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong trung hạn và dài hạn như:

Xu thế toàn cầu hoá các hoạt động hàng không dân dụng đã hình thành và tiến triển mạnh mẽ. Xu thế này chịu sự chi phối của xu thế liên kết kinh tế - chính trị theo khu vực và xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Hiện nay xu thế này đang diễn ra mạnh mẽ nhất giữa các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU) và khu vực Bắc Mỹ.

Tự do hoá và thương mại hoá các hoạt động hàng không dân dụng là xu thế chủ yếu, cơ bản, xuyên suốt và không thể tránh khỏi của hàng không dân dụng thế giới. Xu thế này ảnh hưởng không những trên bình diện tổng thể mà còn tác động mạnh mẽ từ chính sách vĩ mô đến chiến lược, sách lược phát triển trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực cụ thể.

Xu thế giảm thiểu sự bảo hộ, kiểm soát của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không thông qua việc tư nhân hoá, cổ phần hoá các hãng hàng không và thậm chí là toàn bộ một lĩnh vực nhất định.

Xu thế liên kết, liên minh giữa các hãng hàng không lớn với mục đích tận dụng các lợi thế của nhau về thị trường, mạng dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành. Bên cạnh đó, việc thành lập mới các hãng hàng không nhỏ, chi phí thấp cũng đang diễn ra rất phổ biến tại nhiều quốc gia.

Xu thế tạo lập và cạnh tranh giữa các hãng hàng không trung chuyển lớn diễn ra ở tất cả các khu vực: châu Âu (Paris, London, Amsterdam, Franfurt); Bắc Á (Tokyo, Osaka, Seoul, Đài Loan, Hồng Kông); Đông Nam Á (Bankok, Singapore)...

Bên cạnh những thách thức nằm trong xu hướng của thời đại trong trung hạn và dài hạn, Ngành hàng không Việt Nam sẽ phải thực hiện những cam kết cơ bản với WTO như sau:

Các hãng hàng không nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ bán và tiếp thị sản phẩm hàng không tại Việt Nam thông qua văn phòng bán vé của mình hoặc các đại lý tại Việt Nam.

Đối với dịch vụ đặt, giữ chỗ bằng máy tính, Việt Nam không hạn chế, ngoại trừ nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải sử dụng mạng viễn thông công cộng dưới sự quản lý của nhà chức trách viễn thông Việt Nam.

Đối với dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay, kể từ khi gia nhập, Việt Nam cho phép thành lập liên doanh, trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51%. Sau 5 năm kể từ khi gia nhập (2012), cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài[9].

Ngoài ra, những khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung và thị trường hàng không thế giới nói riêng hiện nay, ngành hàng không Việt Nam cũng phải chịu ảnh hưởng không nhỏ như:

Các hãng hàng không toàn cầu có sự sụt giảm về doanh số (thua lỗ tới hơn 5 tỷ USD) trong năm 2008 do ảnh hưởng của việc tăng giá dầu và nhu cầu sụt giảm[9]. Dự báo trong năm 2009 còn giảm sút mạnh hơn do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới

- Đã có nhiều hãng hàng không đi đến bờ vực phá sản hoặc buộc phải sáp nhập. Delta Airlines (Mỹ) đã mua lại Northwest Airlines; hãng hàng không Anh British Airways (BA) đang cùng một lúc đàm phán những vụ sáp nhập và hợp tác với những hãng hàng không hàng đầu thế giới, gồm Qantas (Australia), Iberia (Tây Ban Nha) và American Airlines (Mỹ); Lufthansa, hãng hàng không nổi tiếng của Đức, đang cạnh tranh với liên minh Air France (Pháp) và KLM (Hà Lan) để đạt được thỏa thuận hợp tác với Alitalia (Italia).

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trong xu thế hội nhập (Trang 31)