Nhà nước cần phải duy trì và tăng cường phát triển nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, du lịch. Với sự phát triển của các ngành kinh tế này sẽ là những điều kiện thuận lợi cho phát triển Ngành hàng không nói chung và chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không, làm tăng lưu lượng vận chuyển hàng hoá từ và tới Việt Nam, góp phần đáng kể tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, tăng vốn đầu tư cho ngành hàng không.
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế bằng đường hàng không, khuyến khích chủ hàng nghiên cứu và lựa chọn hàng không để thực hiện tốt các hợp đồng buôn bán với nước ngoài.
Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với sự phát triển của ngành hàng không về vốn ngân sách, sử dụng viện trợ Chính phủ (ODA); miễn giảm thuế, thu ngân sách ban đầu để ngành hàng không có vốn đầu tư ban đầu và đầu tư lại có điều kiện đổi mới máy bay, trang thiết bị, đào tạo nhân lực để dần dần
ngành hàng không tự mình đứng vững, có khả năng cạnh tranh tự do, không nhất thiết phải duy trì sự độc tôn như hiện nay nữa.
Nhà nước cần ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản luật pháp liên quan tới vận tải hàng không nói chung, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không và quản lý hàng không để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động hàng không dân dụng phát triển.
Một vấn đề quan trọng là Nhà nước Việt Nam cần phải tích cực tham gia vào các tổ chức thế giới đặc biệt là các tổ chức có liên quan tới hàng không quốc tế như: ICAO, IATA, cũng như tham gia, ký kết hay chính thức thừa nhận các văn bản quốc tế về hàng không, như công ước Warsaw 1929, các nghị định thư Hague 1955, Montreal 1975 ...