f) Vấn đề truyền giáo
2.4 Vấn đề quan hệ Công giáo với dân tộc
Ngay khi đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công giáo Miền Nam đã ra Thông cáo 1975 và Thư chung 1976 thể hiện rõ tinh thần thích nghi của Giáo hội Công giáo trước tình hình mới của đất nước. Các giám mục miền Nam cho rằng, đã đến lúc giáo hội phải có sứ mạng và khả năng đi vào các thực tại trần thế như “men trong bột”, đem niềm tin của mình phục vụ cho dân giàu, nước mạnh.
Thư chung 1976 còn nêu đường hướng mục vụ thích hợp của giáo hội lúc này là mọi thành phần Dân Chúa phải tích cực sống đạo bằng cách dấn thân và phục vụ giữa lòng dân tộc. Vì cộng đồng Kitô hữu Việt Nam không thể đứng ngoài những thay đổi diễn ra trong lòng dân tộc. Các giám mục đã dần công khai nêu ra một vấn đề nan giải là: Làm sao chấp nhận Chủ nghĩa xã hội trên cơ sở duy vật vô thần? Đức tin Kitô và Chủ nghĩa Mác - Lênin có điểm khác nhau cơ bản nhưng không vì thế mà không thể đối thoại và cộng tác chân thành giữa những người có cùng một mong muốn, một mục đích là phục vụ con người trong sứ mạng cá nhân và xã hội.
Có thể coi những tư tưởng trong Thư chung 1976 là tiền đề cho sự ra đời Thư chung 1980. Với sự chọn lựa đường hướng mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong thời kỳ đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
Từ ngày 24.4 đến ngày 1.5.1980, tại thủ đô Hà Nội, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã họp và vạch ra đường hướng mục vụ để cho Hội thánh “phải là Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam”. [39]
Trên tinh thần canh tân của Công đồng Vatican II, giáo hội đã nhìn nhận thẳng vào sự thật và đặt ra nhiệm vụ: “Đã đến lúc giáo hội phải có nhận định sâu xa phải suy ngẫm và Mầu nhiệm của mình”, “phải không ngừng hoán cải lương tâm và thay đổi cách sống của mỗi cá nhân cũng như của mỗi cộng đoàn Dân Chúa trong Hội thánh ở Việt Nam sao cho phù hợp với Phúc Âm hơn”. [39, 4-9] Và nhắc nhở: “đối với người tín hữu sao nhãng bổn phận trần thế là xao nhãng bổn phận đối với tha nhân”. Trong cộng đồng dân tộc có nhiều tín ngưỡng tôn giáo cũng có những người vô thần và hữu thần: “dù tin hay không tin, mọi người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý, vì họ cùng chung sống trong thế giới này”. Thư chung nêu đường hướng hành đạo: “gắn bó với dân tộc và đất nước”, “gắn bó với vận mệnh quê hương”, “noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước”, “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” đồng thời cũng nêu hai nhiệm vụ cụ thể cho tín đồ Công giáo thực hiện:
- Một là: “tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”. - Hai là: “xây dựng trong Hội thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”.
Đồng thời xác định: “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm”. Người Công giáo phải “vun trồng lòng yêu nước, nhưng lòng yêu nước ấy không mơ hồ, trừu tượng mà phải thiết thực: “nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải biết đường lối chính sách pháp luật của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, tự do, hạnh phúc”. [39]
Thư chung 1980 được xem là một mốc quan trọng trong đường hướng mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống Giáo hội.
Đường hướng mục vụ của giáo hội tiếp tục được khẳng định trong Thư chung 2001, 2004 của Hội đồng Giám mục với chủ trương “yêu thương và phục vụ”. Trong đó, Thư chung 2001 đã khẳng định: “để yêu thương và phục vụ trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành cùng với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người. Nhưng ta không nhìn vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết, hầu cho mọi người được
sống và sống dồi dào. Ta không thể thờ ơ với những chương trình phát triển như tình trạng nghèo đói và các tệ nạn xã hội, bởi ta là thành viên của cộng đồng dân tộc, với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ”. [40]
Ngay sau giải phóng, với Thư chung 1976 Giáo hội Công giáo đã bắt đầu nhập cuộc vào đời sống xã hội. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Kim Điền đã có những hoạt động tích cực như: kêu gọi giáo dân, giáo sĩ tham gia cộng tác với chính quyền, hiến các cơ sở kinh tế, xã hội, đồng ý để Nhà nước sử dụng các trường tư thục của Công giáo. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của chính quyền, mặt trận Tổ quốc, Giáo hội Công giáo miền Nam dần tiến về nguồn, đến với người nghèo, với nhân dân. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã cùng các linh mục, tu sĩ nam nữ tham gia lao động công ích, đào mương, đắp đê, làm thủy lợi, xây dựng vùng kinh tế mới, số lượng tín đồ tham gia vào các hợp tác xã ngày càng đông. Quan hệ Công giáo – dân tộc cho tới thời điểm này đã được cải tiến một bước căn bản.
Sau Thư chung 1980, người Công giáo đã dũng cảm đánh giá, nhìn nhận lại mình, từ đó nguyện dấn thân phục vụ giữa lòng dân tộc, trở thành một bộ phận trong cộng đồng dân tộc. Với niềm tự hào: “Trước khi là người Công giáo, tôi là người Việt Nam”. Bên cạnh đó, với chính sách đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân của Đảng và Nhà nước và sự vận động của các giáo sĩ tiến bộ, đồng bào Công giáo dần có những chuyển biến theo tinh thần gắn bó, đoàn kết hòa nhập với cộng đồng dân tộc. Quần chúng giáo dân đều hăng hái tham gia các hợp tác xã, lao động sản xuất tích cực, nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước. Các linh mục, giám mục trở thành thành viên lao động tích cực trong các xí nghiệp, trở thành nhân viên Nhà nước trên các mặt văn hóa, giáo dục. Từ năm 1980, Giáo hội Công giáo Việt Nam dần dần mở rộng giao lưu quốc tế với Tòa Thánh La Mã, Hội đồng Giám mục Pháp, Hội đồng Giám mục Mỹ, các linh mục, tu sĩ được đi tu nghiệp, trao đổi với các dòng tu và giáo hội ngoại quốc.
Năm 1983, Ủy ban đoàn kết Công giáo yêu nước Việt Nam được thành lập kế tục truyền thống của giới Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình được thành lập năm 1955 và trở thành một bộ phận trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Với bề dày lịch sử, Ủy ban đoàn kết Công giáo đã có những đóng góp to lớn trong việc đưa tinh thần của Thư chung 1980 vào cuộc sống.
Tháng 12 năm 1986, Đại hội đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI họp, mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng ta. Từ năm 1986 đến nay, nhờ thành tựu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đời sống quần chúng nhân dân trong đó có đồng bào Công giáo dần được cải thiện. Với tinh thần không
ngừng đổi mới tư duy lý luận nhằm đáp ứng nhu cầu của tình hình mới, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trở nên thoáng mở, đời sống tín ngưỡng tôn giáo ngày càng được đảm bảo hơn.
Từ sau Nghị quyết 24 – NQ24/TW Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình
hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết chỉ thị chỉ đạo việc hoạt động
trong công tác tôn giáo.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng ta về tôn giáo: “tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Chống mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, đồng thời chống lại việc lợi dụng tự do tôn giáo để làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân”. [19]
Các nghị quyết TW 5 về văn hóa (1998, Khoá VIII), Nghị quyết TW 7 (Nghị quyết 25) năm 2003 về Tôn giáo… là những sự kiện quan trọng đánh dấu chặng đường đổi mới hơn hai mươi năm qua về vấn đề tôn giáo.
Ngay trong chương I, điều 1 của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2004)
cũng khẳng định:
“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.
Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau.” [76]
Đại hội XI cũng nhắc nhở: cần phải tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo, trong đó, phải coi việc hoàn thiện luật pháp tôn giáo là điểm nhấn quan trọng thể hiện sự đổi mới liên tục trong cả nhận thức và hành động về vấn đề tôn giáo để đáp ứng nhu cầu thời đại.
Với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các tôn giáo ở Việt Nam đều được tạo điều kiện phát triển thuận lợi. Trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, Công giáo cũng như các tôn giáo khác được Nhà nước bảo vệ, tôn trọng và đối xử bình đẳng. Trong thành phần đại biểu quốc hội có những đại biểu là người đứng đầu Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác; người Công giáo hay người ngoài Công giáo được tự do thể hiện niềm tin tôn giáo của mình.
Đây là những điều kiện thuận lợi để đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống sống "Tốt đời - đẹp đạo", đoàn kết và đồng hành cùng dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quan hệ Công giáo – dân tộc đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật đang trở thành xu hướng chính trong Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trong các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong chức sắc, đồng bào Công giáo.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo có nhiều đóng góp khi xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến tôn giáo, từ Hiến pháp đến các nghị quyết, nghị định. Ủy ban cũng có nhiều hình thức vận động thanh niên chấp hành luật nghĩa vụ quân sự, sinh sản, có trách nhiệm, chống các tệ nạn xã hội… được Ủy ban Đoàn kết Công giáo các địa phương đưa thành chỉ tiêu thi đua với phong trào xây dựng “xứ họ đạo 3 không”: không ma túy, không có người sinh con thứ ba, không có người phạm pháp hình sự hay phong trào “ba không, ba giảm” ở An Giang…
Các hoạt động phong phú, đa dạng và những kết quả thiết thực của đồng bào Công giáo trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và các phong trào thi đua yêu nước, là sự thể hiện sinh động tinh thần sống "Tốt đời - đẹp đạo", đồng hành cùng dân tộc của đồng bào Công giáo. Những phong trào thiết thực đó đã đẩy lùi được những tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm trật tự và an toàn ở cơ sở.
Thời gian qua, các chức sắc và đồng bào Công giáo trong cả nước đã quyên góp và ủng hộ hàng chục tỷ đồng xây dựng hơn một nghìn cơ sở hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo, giúp người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam trong năm 2009 đã đăng ký hàng chục tỷ đồng ủng hộ Quỹ vì người nghèo các cấp... Những kết quả hoạt động đó đã gắn kết các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào hòa chung các phong trào thi đua của nhân dân cả nước.
Những đóng góp tích cực đó của đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được Ðảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
Như vậy, trong hoàn cảnh mới, tinh thần canh tân của Công đồng Vatican II được thể hiện qua nội dung của các bức thư chung, đặc biệt là Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có những ảnh hưởng rõ nét tới đời sống Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Về quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Nhà nước Việt Nam
Từ sau Vatican II, thái độ của Tòa thánh đối với Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Giáo hoàng Phaolô VI luôn quan tâm đến cuộc chiến tranh của Mỹ ở
Việt Nam, ngài đã nhiều lần gửi thư kêu gọi hai bên ngừng bắn và giải quyết chiến tranh bằng đàm phán. Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ ngày 23.12.1967 ở Vatican, Giáo hoàng Phaolô VI đã bày tỏ sự không đồng tình của Tòa thánh với việc leo thang chiến tranh của Mỹ và đặc biệt phê phán Mỹ đã ném bom miền Bắc Việt Nam.
Ngày 14.2.1973, người đứng đầu Tòa Thánh đã tiếp kiến các bộ trưởng Xuân Thủy và Nguyễn Văn Hiếu. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên của Giáo hoàng với các nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. “Sự hài lòng của Giáo hoàng Phaolô VI về cuộc gặp chỉ ra rằng Thư chung 1951 nghiêm khắc cấm người Công giáo Việt Nam không hợp với những người Cộng sản đã trở nên lỗi thời. Đối với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuộc gặp này được coi là sự đảm bảo của họ về tự do tôn giáo”. [49, 38]
Sau năm 1975, những chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của phái đoàn Toà Thánh tại Việt Nam là vào năm 1990. Trước đó, vào năm 1989, có chuyến thăm Việt Nam của Hồng Y Roger Etchagaray – đại diện của Giáo hoàng Gioan Phaolô II ngày 1.7.1989.
Từ năm 1990 trở đi đã có những cuộc làm việc thường xuyên hàng năm giữa hai phái đoàn của Tòa Thánh Vatican và chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó đến nay đã có 16 lượt đoàn Vatican đến Việt Nam và 3 lượt đoàn Việt Nam đến Vatican. Đỉnh cao của mối quan hệ Việt Nam – Vatican được ghi dấu là cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Bênêđictô XVI (ngày 25.1.2007) tại Rôma. Trong dịp hội kín giữa Thủ tướng Việt Nam và Giáo hoàng Bênêđictô XVI cùng Bộ ngoại giao Vatican, Thủ tướng Vatican đã đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vatican. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận ý kiến thiết lập quan hệ ngoại giao và đề nghị giao cho cơ quan ngoại giao hai bên trao đổi, bàn hướng đi thích hợp trong quan hệ song phương.
Tháng 12 năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng có cuộc hội kiến với Giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Vatican. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và góp phần tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bày tỏ sự đồng tình với Huấn từ của Giáo hoàng gửi cho giám mục Việt Nam dịp Ad Limina (tháng 6.2009) căn dặn người Công giáo là “một giáo dân tốt đồng thời là một công dân tốt” và nhấn mạnh tinh thần “Phúc Âm trong lòng dân tộc” tại Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Giáo hoàng. Những cuộc bàn luận thân thiện tạo cơ hội đề cập đến một số vấn đề liên quan đến hợp tác giữa giáo hội và Nhà nước.