Vai trò, vị trí và trách nhiệm của các thành phần Dân Chúa

Một phần của tài liệu Cộng đồng Vatican II và sự tác động của nó tới công giáo ở Việt Nam (Trang 27 - 30)

Đối với mọi vấn đề trong đời sống Giáo hội, Công đồng đều chỉ rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm cụ thể của các thành phần Dân Chúa gồm: giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Trong đó, giáo sĩ không phải là những công chức giáo triều mà phải tham dự tích cực và năng động vào các hoạt động xã hội để hoàn thành sứ mệnh của mình với tâm niệm: “kẻ lớn nhất phải trở nên nhỏ bé nhất, kẻ cai trị tức là tôi tớ”.

- Giám mục:

Ngoài một phần trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Công đồng Vatican II đã dành riêng một sắc lệnh chỉ rõ nhiệm vụ của các giám mục. Trong đó chỉ ra vai trò của giám mục trong tổ chức giáo hội, quyền hạn và sứ mạng của chức giám mục với tinh thần: Giám mục đến với giáo dân để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

Trong hoàn cảnh mới, công đồng quy định giám mục phải trình bày giáo lý Kitô thích ứng với nhu cầu thời đại, bảo vệ giáo lý, dạy cho giáo dân biết phổ biến, bênh vực giáo lý, ân cần với mọi người dù là giáo hữu hay không, trong đó phải đặc biệt chú ý đến người nghèo hèn; trong quan hệ với giám mục, linh mục khác phải tôn trọng, liên kết với nhau để chu toàn sứ mệnh.

Theo Công đồng Vatican II, Giáo hội có nhiệm vụ khởi xướng loài người nên giám mục phải có nghĩa vụ đi tìm người để xin đối thoại, khi đối thoại phải minh bạch, khiêm tốn, khôn ngoan, gây tín nhiệm; đồng thời phải dùng mọi phương tiện truyền giáo, giảng dạy… và tùy đối tượng mà có phương pháp thích hợp. Đây là quan niệm thể hiện rõ tinh thần đối thoại, cởi mở, sẵn sàng hòa mình vào đời sống xã hội của Giáo hội Công giáo.

Bên cạnh việc chỉ ra nghĩa vụ và trách nhiệm của giám mục, Công đồng cũng đề cập đến quyền hạn của họ trong đời sống xã hội với tư cách là công dân và quyền hạn của họ trong giáo hội với tư cách là một giáo sĩ.

- Linh mục

Công đồng Vatican II khẳng định, mọi tín hữu đều là linh mục, đều dâng vật thiêng lên Thiên Chúa. Song, muốn cho tín hữu hợp vào thân thể Thiên Chúa, mỗi người có một nhiệm vụ khác nhau nên Chúa đặt kẻ làm thừa tác viên trong giáo dân lãnh nhận chức thánh để dâng lễ và tha tội, họ giữ chức linh mục thay cho mọi người. Người được chọn làm linh mục phải có nhiều tư cách mà người đời ưa chuộng như: sự công chính và lịch thiệp.

Trong quan hệ giữa linh mục và các thành phần Dân Chúa khác, Công đồng quy định: Giữa linh mục chính xứ và linh mục phó cần phải có tình huynh đệ bác ái, kính cẩn nhau; các linh mục và giám mục phải coi nhau như anh em, bạn hữu, linh mục phải quý trọng, yêu mến và vâng phục giám mục; linh mục phải cộng tác với giáo dân, sống giữa họ, dẫn đưa họ đến chỗ hợp nhất, bác ái.

Trong hoàn cảnh mới, Giáo hội quyết định cải tiến cách đào tạo linh mục, khôi phục chức thày Sáu. Bên cạnh đó, Công đồng cũng đưa ra những nguyên tắc huấn luyện, đào tạo linh mục tại các tiểu chủng viện, đại chủng viện. Trong đó, nội dung đào tạo phải gắn với tiến bộ khoa học hiện đại, phù hợp với từng địa phương cụ thể.

Ngoài các môn học bắt buộc trong chủng viện, Công đồng Vatican II cũng quy định sau khi mãn học tại các chủng viện, chủng sinh cần được huấn luyện, bổ túc để có thể thích nghi và giải được các vấn đề cụ thể của địa phương mà linh mục đang đảm nhiệm.

- Tu sĩ

Trong đời sống tu trì, tu sĩ phải sống theo 3 lời khuyên trong Phúc Âm: khiết tịnh, đức nghèo và vâng lời. Do đó, tu sĩ phải từ bỏ thế gian để sống cho mình Chúa Kitô.

Tại Công đồng Vatican II, Giáo hội quy định phải canh tân đời sống dòng tu để thích nghi với hoàn cảnh mới. Công đồng đã dành 2 văn kiện để trực tiếp bàn về đời sống tu trì (trong chương VI của Hiến chế Tín lý về Giáo hội (số 43-47) nhắc lại cho tu sĩ về bản chất và sứ mạng của đời sống tu trì và Sắc lệnh canh tân đời sống dòng tu. Theo đó, việc canh tân nếp sống tu hành phải đảm bảo 5 nguyên tắc [9, Xem 473]. Các nguyên tắc này gồm hai hướng: Trung thành với Phúc Âm và đoàn sủng hay lý tưởng tiên khởi của hội dòng và thích nghi nếp sống trong hoàn cảnh cuộc sống hiện nay để đáp ứng mong chờ của con người hiện đại. Đó là hai cuộc trở lại mà tu sĩ phải tiến hành cùng một lúc: Trở lại với nguồn cội và trở lại với thế giới.

Mỗi dòng tu có cách sống, cầu nguyện, hoạt động khác nhau nhưng đều cần phải canh tân đáp ứng thể lý, tâm lý của tu sĩ và nhu cầu tông đồ, cũng như những đòi hỏi về văn hóa, hoàn cảnh xã hội, kinh tế ở khắp mọi nơi.

Do đó, phải duyệt lại đường lối quản trị dòng; ấn định các tiêu chuẩn thiết lập các khoản luật về thích nghi canh tân đối với từng dòng tu; Về y phục của tu sĩ phải giản dị, khiêm tốn khó nghèo và tề chỉnh, thích nghi với hoàn cảnh, thời gian, những y phục chưa thích ứng phải sửa đổi; Về việc thành lập dòng tu mới phải thích hợp với tình hình, văn hóa, phong tục, tập quán của dân chúng, hoàn cảnh của từng địa phương.

- Giáo dân

Lần đầu tiên trong lịch sử, giáo dân được tham dự công đồng và được Công đồng Vatican II dành riêng chương III (trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội) và Sắc lệnh

về tông đồ giáo dân để bàn về người giáo dân.

Công đồng Vatican II đã đưa ra định nghĩa về giáo dân khá mới mẻ, nâng cao vai trò, vị trí của người giáo dân trong Giáo hội, đặc biệt là trong hoạt động tông đồ: “Là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép rửa, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình. Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân”. (số 31) [9, 66]

Theo Công đồng, giáo dân cũng có phẩm giá và được bình đẳng thực sự về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô. Công đồng Vatican II cũng xác định rõ ràng mối quan hệ giữa giáo dân và giáo sĩ trong Giáo hội. Giáo dân có nhiều cách hoạt động tông đồ, song chủ yếu tập trung ở 3 lĩnh vực: Phúc Âm hóa, Thánh hóa con người; Canh tân trật tự trần thế, tham gia vào các công tác xã hội, hoạt động từ thiện. Do đó, giáo dân cũng được kêu gọi nên Thánh, quan hệ giữa giáo dân với giáo sĩ được bình đẳng hơn. Giáo dân không phải là kẻ tôi tớ phục vụ cho hàng giáo phẩm mà ngược lại giám mục, linh mục phải hết lòng giúp đỡ và yêu thương giáo dân. Đây là điểm canh tân rõ nét trong quan niệm của Giáo hội về vai trò, vị trí của người giáo dân.

Trong hoàn cảnh nhiều nơi thiếu linh mục hoặc linh mục không được tự do hành đạo, hoạt động tông đồ là bổn phận của người giáo dân. Đối với người giáo dân, hoạt động tông đồ được khuyến khích chủ yếu trong gia đình và ngoài xã hội để Chúa Kitô thấm sâu vào tâm trạng, phong tục, pháp luật và cơ cấu của cộng đoàn. Trong đó, hoạt động tông đồ của giáo dân phải có sự liên lạc với hàng giáo phẩm.

Một phần của tài liệu Cộng đồng Vatican II và sự tác động của nó tới công giáo ở Việt Nam (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)