Quan hệ Công giáo với tôn giáo, tín ngưỡng bản địa

Một phần của tài liệu Cộng đồng Vatican II và sự tác động của nó tới công giáo ở Việt Nam (Trang 49 - 52)

f) Vấn đề truyền giáo

1.2.2 Quan hệ Công giáo với tôn giáo, tín ngưỡng bản địa

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Bên cạnh các tín ngưỡng nội sinh, còn có các tôn giáo ngoại nhập tồn tại đan xen có nguồn gốc từ nền văn hóa phương Đông như: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Các tín ngưỡng tôn giáo luôn tồn tại một cách hỗn dung, đan xen, hòa đồng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Đặc điểm này xuất phát từ lối sống cởi mở, bao dung, không kỳ thị và bản tính thực dụng của người Việt.

Người xưa cho rằng bất cứ vật gì cũng có linh hồn, nên trong đời sống tâm linh, người Việt tin vào sự tồn tại của nhiều vị thần, gồm cả nhiên thần và nhân thần, trong đó đáng chú ý là những vị thần nông nghiệp và tục thờ cúng tổ tiên. Họ tin rằng các vị thần này thường xuyên tác động đến đời sống thường ngày của họ. Do đó, người Việt Nam thờ cúng nhiều vị thần với các hình thức thờ phụng khác nhau: các vị thần của cộng đồng làng xã như các vị tổ nghề, các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước; các vị thần nông nghiệp như thần mưa, thần sấm, thần chớp…

Bên cạnh đó, người Việt còn tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo khác phổ biến là đi lễ chùa, đền, miếu với tâm lý cầu mong sự che chở, giúp đỡ, ban phúc từ các vị thần. Phật giáo có ảnh hưởng nhiều trên dân chúng và những biến thể của đạo Lão như các hình thức thờ các thần vật, bùa chú mê tín rất phổ biến trong dân gian [4].Tâm lý đa thần của người Việt được thể hiện rõ qua các nhân vật được thờ trong ngôi chùa. Trong ngôi chùa của người Việt, không chỉ thờ Phật mà còn thờ các vị thần thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Bên cạnh gian thờ Phật còn có điện thờ Mẫu, thờ Bạch hổ…

Như L. Cadiere đã nhận xét: “Người An Nam có tinh thần tôn giáo một cách sâu đậm: tôi muốn nói họ liên kết tôn giáo vào mọi hành vi của cuộc sống bản thân và thầm tin rằng các hữu thể siêu nhiên luôn hiện diện bên cạnh họ cũng như chi phối hạnh phúc của họ tùy thuộc vào hữu thể ấy can thiệp vào các chuyện ở thế gian này”. [7, 38]

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, các tôn giáo ngoại nhập không hề bài xích các tín ngưỡng tôn giáo truyền thống mà dung hòa, bồi đắp làm phong phú thêm cho hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Vì vậy, người Việt luôn tiếp nhận các tôn giáo này hết sức tự nhiên, coi chúng là sự bổ sung cho các tín ngưỡng truyền thống.

Trong các loại hình tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam thì thờ cúng tổ tiên là loại hình sinh hoạt tâm linh đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam, không kể giàu sang hay nghèo hèn ở mọi thời kỳ, trước mọi biến cố lịch sử. Khi Phật giáo, Nho Giáo, Đạo giáo truyền bá vào Việt Nam, tín ngưỡng này không hề mất đi mà trở nên vững vàng, sâu sắc hơn trên cơ sở tiếp nhận những giá trị của các tôn giáo đó. Ví như, sự kết hợp với chữ Hiếu của Nho giáo, yếu tố thần bí của Đạo giáo… Góp phần tạo cơ sở cho một trật tự xã hội ổn định, giáo dục các thành viên trong gia đình những đức tính nhân văn đáng quý.

Vì vậy việc thờ cúng tổ tiên vừa là tín ngưỡng, vừa là một đạo lý sống của thế hệ con cháu đối với thế hệ cha ông, biểu hiện sự kính trọng và biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên, những người có công sinh thành, dưỡng dục và cả những người có công với đồng bào, với dân tộc.

Với cái nhìn văn hóa – tôn giáo của kẻ mạnh, các nhà truyền giáo tìm cách áp đặt ảnh hưởng của văn hóa châu Âu Kitô giáo vào Việt Nam. Bên cạnh đó, do sự hiểu biết ít ỏi về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam (đa số các nhà truyền giáo), giáo hội chủ trương cần phải vứt bỏ hết để giáo dân chỉ tin và nghe một tôn giáo duy nhất đúng đắn. Giáo hoàng Clemente XI (1700 – 1721) đã tổ chức hội nghị, đưa ra nghị quyết của Tòa điều tra với 4 nội dung:

1. Cấm dùng chữ Thiên hoặc Thượng đế để chỉ Thiên Chúa

2. Cấm treo trong thánh đường những tấm bảng có ghi hai chữ Kính Thiên. 3. Cấm cúng tế Khổng Tử, ông bà, cha mẹ.

4. Cấm đặt bài vị trong nhà riêng.

Nghị quyết này được chấp nhận trong tông hiến 20.11.1704. Giáo hoàng buộc các giám mục, linh mục ở các dòng truyền giáo đều phải tuân theo, không được có bất kỳ khiếu nại nào.

Bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, các tôn giáo như Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo, cũng bị các nhà truyền giáo coi là mê tín, dị đoan và cho rằng cần truyền bá Công giáo vào Việt Nam để “khai hóa văn minh”: “Thế mà người Đàng Ngoài, sang hay hèn, đều có một lòng tôn kính Khổng Tử rất mực và thờ kính như một Thượng Đế… Thật là một dị đoan điên dại thông dụng nơi lương dân. Nhưng giáo dân tân tòng chỉ nhận có đức Giêsu Kitô là nguyên lý tối cao và là ánh sáng soi tất cả.” [2, 41]

Đánh giá vấn đề một cách khách quan, chúng ta thấy rằng về bản chất các tín ngưỡng, tôn giáo này không mang tính mê tín dị đoan mà do tâm lý sợ hãi, bất lực của con người trước những biến cố bất thường trong cuộc sống nên đã quá lệ thuộc vào việc lễ bái, thờ lạy các vị thần. Tất nhiên, mê tín, dị đoan là điều đáng lên án, cần xóa bỏ tránh những ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần của con người. Song cũng không thể phủ nhận sạch trơn cả những giá trị của các tôn giáo. Đó là mang lại cho con người một chỗ dựa tinh thần để họ có thể sống tốt hơn.

Cho tới thế kỷ XX, vấn đề tín ngưỡng tôn giáo bản địa vẫn không được Giáo hội Công giáo nhìn nhận lại. Trong Thư chung (1905) với tựa đề: Về các việc dối trá của giám mục Phêrô Maria Đông, người kế vị giám mục Puginier, cai quản địa phận Hà Nội từ 1892 đến 1935, đã cắt nghĩa bốn điều:

1. Những sự không nên thờ: ma quỷ, thần Phật, Khổng Tử, ông bà ông vải. 2. Những sự không nên làm về đàng phụng sự.

3. Những sự không nên làm về đàng hiếu sự.

4. Những sự không nên tin, không nên kiêng. [18,18]

Nội dung cơ bản của Thư chung này là phủ nhận các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Đồng thời buộc những người Công giáo phải từ bỏ các tín ngưỡng tôn giáo truyền thống và không được tham dự dưới bất cứ hình thức nào. Nếu người Công giáo nào thực hành, tin theo thì bị coi là rối đạo.

Trong lịch sử truyền bá đạo Công giáo ở Việt Nam, một số nhà truyền giáo cũng đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của người Việt để tìm ra phương thức thích hợp đưa niềm tin Công giáo vào dân chúng. Qua đó, các giáo sĩ đã có ý định tha cấm trong thờ cúng tổ tiên cho người Công giáo Việt Nam với ý nghĩa văn hóa của tín ngưỡng này. Song, trước Công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo không thừa nhận bất kỳ một loại hình tín ngưỡng tôn giáo nào nên việc làm này đã bị giáo hội lên án.

Đánh giá về mối quan hệ giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam thời kỳ trước Công đồng Vatican II, G.S Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Sự truyền đạo Công giáo vào Việt Nam và sự phát triển của đạo trong đời sống xã hội Việt Nam đã khiến

đạo có tính cách rất ngoại quốc đối với phần còn lại của dân tộc. Tính chất ngoại quốc từ hình thức đến nội dung, từ lễ nghi, nghệ thuật đến lối sống, tín ngưỡng. Công giáo có vẻ rất Tây, từ câu Latinh đến ảnh tượng thờ, đến kiểu kiến trúc giáo đường, đến quan niệm về con người và vũ trụ. Nó đối lập từng điểm với các tín ngưỡng đã có ở Việt Nam, một cách toàn diện”. [67, 561]

Như vậy, thái độ kỳ thị, tự cao coi mọi loại hình tín ngưỡng, tôn giáo bản địa là tà đạo và chủ trương xóa bỏ đã vấp phải những trở ngại lớn trong quá trình du nhập đạo Công giáo vào Việt Nam.

Một phần của tài liệu Cộng đồng Vatican II và sự tác động của nó tới công giáo ở Việt Nam (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)