f) Vấn đề truyền giáo
1.2.3 Quan hệ Công giáo với dân tộc
Lịch sử đã chứng minh rằng, trong quá trình bành trướng xâm lược, Chủ nghĩa thực dân luôn lợi dụng Công giáo làm con bài chính trị để xâm nhập, điều tra, lập cơ sở cho Chủ nghĩa thực dân tiến hành xâm lược Việt Nam. Bên cạnh đó, Chủ nghĩa thực dân còn dùng Công giáo để lôi kéo một bộ phận giáo sĩ, giáo dân ra khỏi hàng ngũ dân tộc, chống lại cách mạng.
Khác với Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo cũng là các tôn giáo ngoại nhập, vấn đề quan hệ Công giáo và dân tộc là vấn đề hết sức phức tạp.
Trong những năm đầu của công cuộc truyền bá đạo Công giáo vào Việt Nam, các thừa sai châu Âu đã tìm cách truyền bá từ trên xuống dưới. Với phương thức truyền bá khéo léo các thừa sai đã chiếm được cảm tình của cả Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn; hơn nữa trong giai đoạn này, nhà Trịnh và nhà Nguyễn đều coi các thừa sai châu Âu là những đối tác thương mại. Những bất đồng giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn với Công giáo chỉ dừng lại ở vấn đề văn hóa, nghi lễ. Do đó, dưới thời Trịnh – Nguyễn, các chỉ dụ cấm đạo được đưa ra chưa gay gắt và không mang tính hệ thống. Song càng về sau, không ít các giáo sĩ Hội thừa sai có những hoạt động phục vụ cho âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, đe dọa nền độc lập của dân tộc Việt Nam nên các vua triều Nguyễn bắt đầu ban hành các chỉ dụ cấm đạo gay gắt. Hội thừa sai Paris, ngay từ khi có mặt ở Việt Nam với những hoạt động của nó thì việc truyền giáo càng gắn bó chặt chẽ với Chủ nghĩa thực dân hơn. “Trong quá trình truyền đạo, các giáo sĩ Pháp không bao giờ quên đề cao sự có mặt của nước Pháp ở Việt Nam, dạy giáo dân phải tin yêu nước Pháp vì nước Pháp đã phải hi sinh nhiều để cho việc đạo được phát triển, làm cho các giáo dân ngộ nhận rằng nước Pháp là cứu tinh của họ để rồi bị lợi dụng lòng tin đó huy động giáo dân giúp đỡ quân đội Pháp, đi lính cho Pháp chống lại dân tộc”. [45, 39]
Trong đó, mối quan hệ giữa Pignueau de Béhaine (Bá Đa Lộc) và Nguyễn Ánh là mối quan hệ thể hiện rõ nhất sự can thiệp của Hội thừa sai Paris vào tình hình nội bộ
Việt Nam. Cũng xuất phát từ sự kiện này mà nhà Tây Sơn đã ban ra các chỉ dụ cấm đạo gay gắt nhất vào các năm 1785 và 1798. Đây được xem là những chỉ dụ cấm đạo đầu tiên xuất phát từ lý do chính trị của triều đình phong kiến Việt Nam đối với đạo Công giáo.
Nhờ sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh đã đánh bại nhà Tây Sơn và ký hiệp ước Vecxây năm 1787 – (Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam, hiệp ước này đã tạo nền tảng, cơ hội cho sự xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam sau này).
Trong ba triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức đã có tất cả 14 Đạo dụ cấm đạo với nội dung cấm đạo ngày một gay gắt hơn thuận theo mối quan hệ gắn bó hơn giữa Chủ nghĩa thực dân và Công giáo. Đặc biệt vào thời điểm trước và sau khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Song, do các Đạo dụ cấm đạo quá khắc nghiệt nên không những không ngăn chặn được ảnh hưởng của Công giáo mà còn làm khoét sâu thêm bất đồng trong quan hệ lương – giáo, không qui tụ được sức mạnh đoàn kết toàn dân và đẩy các thừa sai tới chỗ cầu cứu sự can thiệp của chính quốc, tạo cớ để thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.
Những năm 1873 – 1883, Pháp đánh chiếm Hà Nội và Bắc kỳ, tình hình trong nước trở nên vô cùng phức tạp. Khi triều đình đã sắp đến lúc đầu hàng thực dân Pháp thì nội bộ nhân dân, kể cả quan lại và sĩ phu phân tán, đối đầu lẫn nhau. Kết quả là một cuộc tàn sát giáo dân diễn ra ở vùng Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An do phong trào Bình Tây sát tả gây nên.
Trước sự đầu hàng của triều đình, tầng lớp văn thân sĩ phu yêu nước đã đứng lên chống lại Công giáo với tinh thần: “Triều đình dẫu có hòa với Tây cũng mặc lòng, sĩ phu nước Nam vẫn không chịu. Vậy trước hết xin giết giáo dân rồi sau đánh đuổi Tây cho hết, để giữ lấy cái văn hóa của ta đã hơn nghìn năm nay”. [53, 551]
Sau khi Pháp giành được quyền cai trị ở Việt Nam và cho tới tận sau này, khi miền Bắc Việt Nam giành được độc lập (1945), Chủ nghĩa thực dân vẫn lợi dụng Công giáo làm con bài chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ lương giáo. Bản thân Giáo hội Công giáo Việt Nam có sự phân hóa sâu sắc. Trong đó có một bộ phận yêu nước đi theo cách mạng ủng hộ Việt Minh – Cộng sản.
Trong cách mạng tháng Tám, không ít linh mục trực tiếp tham gia giữ các chức vụ quan trọng như: Linh mục Phạm Bá Trực làm Phó trưởng ban Thường vụ Quốc hội, Vũ Đình Tụng làm Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Mạnh Hà làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế; Giám mục Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu) trong tuần lễ vàng đã gửi cả dây chuyền vàng ủng hộ kháng chiến... Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chứng minh cho một chân lý: dù
là tín đồ tôn giáo gì, dân tộc nào thì ý thức về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia vẫn là yếu tố nổi trội, thường trực trong mỗi con người Việt Nam. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trừ một số giáo sĩ thừa sai, còn lại mọi người dân Việt Nam đều vui mừng trước sự kiện lịch sử này.
Giám mục Nguyễn Bá Tòng đã thay mặt 3 vị giám mục (Ngô Đình Thục, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Hữu Từ), gửi thư lên Giáo hoàng Piô XII để kêu gọi Giáo hoàng, Tòa Thánh và giới Công giáo thừa nhận nền độc lập của Việt Nam.
Trong phong trào kháng chiến chống Pháp tái chiến Việt Nam có nhiều tổ chức kháng chiến Công giáo ra đời hội tụ được nhiều giáo sĩ Công giáo tham gia.
Ngược lại, cũng có một bộ phận trong hàng giáo phẩm Công giáo lợi dụng thần quyền, giáo lý, vũ trang, quần chúng là tín đồ chống phá cách mạng.
Vào thời gian này Tòa Thánh Vatican với học thuyết chống vô thần cộng sản quyết liệt đã ủng hộ chủ nghĩa thực dân và chống đối lại Nhà nước Việt Nam:
Ngày 1.7.1949, Thánh bộ Đức tin Vatican tuyên bố phạt vạ tuyệt thông những người Cộng sản và tất cả những ai ủng hộ Cộng sản bằng bất kỳ cách nào; Tòa Thánh công khai ủng hộ cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Ngày 09.01.1951, Khâm sứ Tòa Thánh ở Việt Nam do Dooley đứng đầu đã ra thư chung lên án tất cả những người có đạo hợp tác với Việt Minh và đe dọa rút phép thông công với những người hợp tác với Việt Minh – Cộng sản: “Chủ nghĩa Cộng sản xung khắc tuyệt đối với người Công giáo đến nỗi Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng: không bao giờ vừa theo Cộng sản vừa theo Công giáo được, và người Công giáo nào gia nhập Đảng Cộng sản thì lập tức bị khai trừ ra khỏi giáo hội. Chẳng những không được gia nhập Đảng Cộng sản mà trái lại anh em không thể cộng tác dưới bất kỳ hình thức nào, có thể giúp họ nắm chính quyền”. [34]
Đứng trước thái độ của Tòa Thánh La Mã và Vatican, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương đoàn kết lương giáo, coi Công giáo là một tôn giáo có quyền bình đẳng như các tôn giáo khác, không có một sự kỳ thị nào.
Ngày 3.9.1945, ngay sau ngày Nhà nước Việt Nam tuyên bố nền độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức họp Hội đồng chính phủ để bàn những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị chính phủ tuyên bố: “tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết”. [55,154]. Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Với chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, đoàn kết lương giáo, Đảng và Nhà nước ta đã dần xóa bỏ mặc cảm về quá khứ của người Công giáo, tạo điều kiện, cơ hội cho họ trở về với dân tộc.
Đây là thành tựu quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đã làm được nhằm khắc phục dần hố sâu ngăn cách trong quan hệ lương giáo mà triều đình phong kiến đã tạo ra. Bên cạnh đó, Nhà nước đã trở thành chỗ dựa cho các tổ chức Công giáo yêu nước tham gia cách mạng. Đó là sự ra đời của Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam (1983) có tiền thân là Ủy ban liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình (1955).
Thực dân Pháp vẫn không ngừng lợi dụng, lôi kéo các giáo sĩ, tín đồ Công giáo chống phá lại cách mạng. Trong khi đó, với tinh thần chống Cộng triệt để, trong các Thư chung vào những năm 1952 – 1953 vẫn giữ nguyên lập trường chống Cộng. Cho đến Thư chung 1960 các giám mục tại miền Nam, vẫn còn thái độ thù nghịch với Cộng sản, coi: “...nó nguy hại và nham hiểm đến mức nào trong việc tiêu diệt Ðức tin của chúng ta, (...) Muốn cho đạo Thánh được nguyên vẹn, người Công giáo phải phủ nhận lý thuyết Cộng sản và những áp dụng của nó đến tận cùng”. [38]
Qua đó có thể thấy, trước Công đồng Vatican II, với thái độ bảo lưu thủ cựu và thái độ chống Cộng triệt để khiến quan hệ giữa Công giáo và dân tộc, Công giáo với văn hóa truyền thống, Công giáo với tín ngưỡng tôn giáo bản địa Việt Nam trở thành những vấn đề, những trở ngại lớn trong quá trình đạo Công giáo du nhập và phát triển ở Việt Nam.
Phải tới sau Công đồng Vatican II, với thái độ mềm dẻo và tinh thần canh tân đối thoại thì các mối quan hệ trên mới có những chuyển biến tích cực. Công giáo dần hòa nhập vào với nền văn hóa dân tộc, trở thành một thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.