Về phương diện thực hành

Một phần của tài liệu Cộng đồng Vatican II và sự tác động của nó tới công giáo ở Việt Nam (Trang 77)

f) Vấn đề truyền giáo

2.3.2 Về phương diện thực hành

Sự hội nhập văn hóa Kitô giáo vào nền văn hóa Việt Nam trong phương diện thực hành được biểu hiện ở nhiều mặt với nhiều góc độ khác nhau. Ở đây, tôi chỉ xem xét trên một số mặt tiêu biểu sau:

Vấn đề thờ cúng tổ tiên

Nhờ được tiếp thu tinh thần canh tân của Công đồng Vatican II trước 10 năm nên trong vấn đề thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Công giáo miền Nam đã có những thay đổi lớn hơn nhiều so với miền Bắc.

Cho tới ngày nay, trong các gia đình Công giáo hầu hết đều đặt bàn thờ tổ tiên có thể cố định hoặc tạm thời mang đậm văn hóa của người Việt Nam: Trên bàn thờ “có bát hương, hai bên có hai chân nến, một đèn dầu nhỏ, một bình hoa, một đĩa để đặt bánh, trái cây. Phía trên treo ảnh người qua đời (cha, mẹ, ông bà…). Bàn thờ tổ tiên tách khỏi bàn thờ Chúa. Tuy nhiên cũng có những gia đình phối hợp hai bàn thờ làm một. Trong trường hợp này, tượng hay ảnh Chúa được đặt trên cao hết, trên một mặt ván gắn vào tường. Kế đó mới là ảnh của người quá cố trong gia đình và các vật thờ như được tả trên”. [13, 244]

Theo số liệu điều tra của Viện nghiên cứu tôn giáo (1992 – 1995) ở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thờ cúng tổ tiên lên đến 88,9 % (1993), cao hơn cả bộ phận không Công giáo, ở Huế là 87,4%, ở Hà Nội là 64,21% do chưa thấm nhuần tinh thần canh tân của Công đồng Vatican II.

Theo số liệu điều tra của Phạm Thị Bích Hằng (Luận văn tốt nghiệp 1998, Vấn

đề thờ cúng tổ tiên trong nền văn hóa đương đại) có tới 100% người Công giáo ở Hà

Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Xuân Lộc, Cần Thơ, Đà Lạt thờ tổ tiên. Số tin tổ tiên phù hộ là 94,3%, số có bàn thờ đặt trong nhà là 84,5%, có thắp nhang là 75,5%, đặt hoa quả thường xuyên là 22%. Cung cách thờ cúng tổ tiên có điểm khác bên không Công giáo. [31]

Về tang chế

Trong thế ứng xử hội nhập, hòa đồng, tín đồ Công giáo tham dự đám tang của người ngoài Công giáo và ngược lại. Họ có thể ăn uống đồ cúng với gia đình người ngoài Công giáo. Người Công giáo đến viếng xác người qua đời dù là người Công giáo hay không cũng thắp một nén hương.

Người Công giáo vẫn giữ được phong tục 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ hết; Sau ba năm có thể cải táng hoặc không cải táng. Hàng năm đến ngày giỗ, thân chủ người qua đời có thể có hai hình thức tưởng niệm. Đó là xin lễ cầu hồn hoặc xin lễ bàn thờ. Lễ cầu hồn là hình thức tưởng niệm trang trọng, một sự lặp lại của buổi tang lễ như đã tổ chức trước đây. Xin lễ bàn thờ cũng tổ chức tại nhà thờ sau Thánh lễ, cộng đoàn tín đồ đọc kinh cầu nguyện cho người qua đời.

Ngoài việc thực hiện nghi lễ ở nhà thờ, tín đồ Công giáo còn thực hiện tổ chức lễ giỗ người qua đời tại nhà. Lễ giỗ có thể làm cỗ bàn ăn uống sau khi đọc kinh, cũng có thể chỉ là đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người qua đời.

Đối với những người không có con trai, để lo việc cúng giỗ cầu nguyện hàng năm, trước khi qua đời người quá cố thường mua ân nhân gửi vào nhà thờ Công giáo để nhà thờ lo lễ nguyện.

Vấn đề hôn nhân

Đối với người Công giáo, gia đình là một thực thể có vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền và giữ đạo. Do đó, Công giáo đã nâng việc kết hôn thành một bí tích (bí tích hôn phối) vì lễ cưới chính là mốc đánh dấu sự bắt đầu của một gia đình mới.

Trước Công đồng Vatican II, việc hôn nhân với người ngoại đạo không được đặt ra. Muốn kết hôn với người Công giáo, người ngoại đạo phải xin gia nhập đạo Công giáo, phải qua các lớp kinh bổn, phải được linh mục khảo kinh bổn, phải chịu các bí tích rửa tội, thêm sức, sám hối, Mình Thánh Chúa, sau đó mới được xét cho chịu phép cưới.

Với tinh thần canh tân của Công đồng, giáo hội cho phép người Công giáo kết hôn với người ngoại đạo với điều kiện người ngoài Công giáo phải để người bạn đời của mình được tự do tín ngưỡng.

Trong nghi lễ, đã có sự đan xen, chấp nhận những nghi lễ cưới xin truyền thống của người Việt như: dạm ngõ, cưới hỏi.

Về thủ tục phần đạo, đôi nam nữ được linh mục làm phép cưới ở nhà thờ là đã nên vợ nên chồng, được về ở với nhau. Song trên thực tế, để họ mạc, láng giềng công nhận, gia đình cô dâu – chú rể phải tổ chức tiệc cưới – một thủ tục phần đời không thể thiếu. Những tín đồ theo đạo Công giáo không hề bỏ thủ tục phần đời này.

Qua những điểm mới trong nghi thức và quan niệm về thờ cúng tổ tiên, tang chế và hôn nhân có thể thấy, văn hóa Kitô giáo đã có sự hội nhập với nền văn hóa Việt Nam. Nhiều nghi lễ, nghi thức của người Công giáo mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, làm phong phú thêm cho nền văn hóa Việt Nam.

Trên con đường hội nhập văn hóa dân tộc, các lĩnh vực như Thánh nhạc, hội họa, kiến trúc đều có những bước tiến dài và khá thành công. Nhiều họa sĩ đương đại

say sưa với những tác phẩm Đức Mẹ trong trang phục áo dài duyên dáng của phụ nữ Việt Nam.

Về Thánh nhạc, nhiều bài thánh ca thuần Việt với đủ làn điệu dân ca ba miền, từ điệu hát then xứ Lạng đến quan họ Bắc Ninh, từ hò Huế đến những làn điệu bốc lửa của người Gia Rai, Bana…

Các lễ hội Công giáo

Quan sát một lễ hội Công giáo, người ta thấy không khác nhiều so với một đám rước làng. Các đồ phụng tự mang đậm màu sắc văn hóa dân gian: kiệu bát cống sơn son thếp vàng, những kiệu hoa nhẹ nhàng, giản dị thanh thoát hơn; cùng với trống cái, trống con, hội bát âm, bộ bát biểu dùng làm nghi trượng, tàn, quạt, cờ, lọng…

Ngoài những nghi lễ chính thức theo quy chế Tòa Thánh Rôma, còn có phần lễ hội dân gian thường gồm các màn diễn kịch tuồng về đời sống và những vị thánh được giáo hội tôn vinh như: tuồng tử đạo, tuồng thương khó… Tuồng kịch thường do những người trong làng biên soạn, rất dân dã và gẫn gũi với quần chúng nhân dân.

Qua đó, người Công giáo ngày càng sống chan hòa, gắn bó với cộng đồng dân tộc, không còn những thái độ, hành vi phân biệt giữa người lương và người giáo. Trong các lễ hội tôn giáo cũng như các việc ma chay, cưới xin, cúng giỗ đều có sự tham gia của người lương và người giáo. Người Công giáo có thể đến thăm viếng, thắp hương trong các đám tang của người ngoại đạo và ngược lại. Người Công giáo có thể góp công, của xây dựng nhà thờ Công giáo và giáo dân cũng giúp trùng tu đình chùa…

Một phần của tài liệu Cộng đồng Vatican II và sự tác động của nó tới công giáo ở Việt Nam (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)