Vấn đề đời sống tu trì

Một phần của tài liệu Cộng đồng Vatican II và sự tác động của nó tới công giáo ở Việt Nam (Trang 66 - 69)

f) Vấn đề truyền giáo

2.2.2 Vấn đề đời sống tu trì

Nội dung canh tân trong đời sống tu trì bao gồm nhiều lĩnh vực như: lời khấn của từng dòng, đời sống vật chất, đời sống tinh thần… cho đến lối sống, trang phục, cách thức đi đứng, giao tiếp cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Ngay sau Công đồng Vatican II, tất cả các tu hội ở miền Nam đều bắt tay vào tìm cách canh tân đời sống tu trì của tu hội mình “vì hầu như khía cạnh nào của đời sống các tu hội cũng đều phải xem xét lại, từ lối sống, cách cầu nguyện, khổ chế, đời

sống chung, việc huấn luyện, cách thi hành các quyền bính, cho đến cái áo dòng, bản hiến chương, sách tục lệ, sách kinh và sách nghi thức.” [42, 78]

Song, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, chưa ai có kinh nghiệm nên hoạt động canh tân vấp phải nhiều khó khăn: “Mọi sự bung ra. Nhiều cái cũ không phù hợp nữa nhưng cái mới thì chưa có. Các bề trên nhiều khi không biết xử trí thế nào đành nhắm mắt làm ngơ trước những điều biết là lạm dụng.” [42, 79]

Trong đời sống tu hành, tu sĩ phải sống Phúc Âm, từ bỏ thế gian để sống cho mình Chúa Kitô theo 3 lời khấn: Thanh bần, vâng phục, trinh khiết. Ba lời khấn này là nguyên tắc nhưng theo tinh thần của Công đồng Vatican II, có sự canh tân trong cách hiểu và áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Trước hết, các nhà thần học bắt tay vào giải thích về thanh bần, vâng phục và trinh khiết trong hoàn cảnh mới để đưa ra đường lối áp dụng vào đời sống tu hành.

Dựa trên tinh thần canh tân – nhập thế của Vatican II, các nhà thần học Thiên Chúa giáo chủ trương: Tu sĩ phải hòa nhập vào cuộc sống hiện tại, tức là hòa nhập vào xã hội tư bản (dưới sự cai trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai) đầy đủ các tiện nghi vật chất. Theo đó, các tu sĩ được quyền sống trong nhà lầu, đi xe hơi và có quyền được hưởng mọi tiện nghi khác. Về trang phục, các tu sĩ được ăn mặc như người thường để dễ tiếp xúc, hòa nhập với người đời.

Với đường lối canh tân – nhập thế đó, chỉ 6 năm sau Công đồng Vatican II, trong bài Vấn đề canh tân nếp sống tu hành trong giáo hội ngày nay đăng trên tạp chí Nhà Chúa, số 20, tháng 4 năm 1971 đã viết: “Ngày nay, nhờ canh tân các tu sĩ nam nữ ăn mặc gọn gàng hơn. Nam tu sĩ thích ăn mặc như người thế gian lúc đi ra ngoài. Nữ tu sĩ ăn mặc tương đối cũng dễ coi hơn và mặc dù họ chưa theo đúng thời trang nhưng áo dòng cũng đã được đơn giản, rút gọn và màu áo cũng được thay đổi cho sáng sủa hơn. Đầu tóc cũng chải chuốt, giầy dép cũng không đến nỗi lạc hậu. Các tu sĩ đi lại nhiều hơn, bằng mọi phương tiện di chuyển, xe gắn máy, xe ô tô, xe lửa, máy bay… họ đi công tác hội dòng, đi quan sát, điều tra tình trạng các tu viện, đi hội nghị canh tân cấp tu viện, cấp trung ương, cấp liên dòng, quốc nội cũng như quốc ngoại… Lúc giao thiệp với người thế gian, các tu sĩ nam nữ cũng dễ gây cảm tình hơn. Họ thông thạo các quy luật về giao tiếp, ăn nói mạch lạc, nhiều khi còn duyên dáng nữa.” [42, 80]

Như vậy, tinh thần canh tân – nhập thế trong đời sống tu hành đã được các tu hội Công giáo miền Nam hưởng ứng áp dụng. Đời sống tu hành của tu sĩ đã có những biến đổi lớn nhằm thích nghi với thời đại. Công cuộc canh tân này đã thu được nhiều kết quả. Bên cạnh những mặt tích cực như: người tu sĩ được thăng tiến nhiều về mặt nhân bản – được tự do hơn, nhân phẩm được đề cao, trang phục đã được thay đổi phù

hợp với khí hậu và văn hóa Việt Nam. Công cuộc canh tân của các tu hội cũng chứa đựng nhiều vấn đề tiêu cực: đó là sự lạm dụng tự do quá mức, phát triển nhân bản đã trở thành mục đích với nguy cơ đánh mất đời sống nội tâm và ý nghĩa đời tu.

Khi đánh giá, xem xét lại mình một cách nghiêm khắc, các dòng tu coi đây là một cơn khủng hoảng trong đời sống tu trì, do sự phát triển lộn xộn và chưa tự chủ.

Ngày 19.11.1973, trong bức Tâm thư gửi các cộng đồng tu sĩ, các dòng trên bề nam đã nhìn nhận: “Bởi không được chuẩn bị cho chu đáo để đón nhận những đột biến và khắc phục các khó khăn xảy ra trong đời sống giáo hội hậu công đồng và trong một xã hội đầy xáo trộn như xã hội Việt Nam, có lẽ nhiều anh em chúng ta đã vô tình đánh mất danh tính tu sĩ (identities religiuse) của mình, hoặc để cho danh tính ấy bị đe dọa khi quá chú trọng tới hoạt động bên ngoài hay tới nhu cầu thăng tiến bản thân mà lãng quên đời sống nội tâm”. [42, 82]

Trong thời kỳ này các tu hội có nhiều phương tiện vật chất để phát triển mạnh mẽ bề ngoài với cơ sở đồ sộ và hoạt động xã hội đa dạng. Song công cuộc canh tân của tu sĩ ít đi vào chiều sâu do phải chạy theo nhu cầu hoạt động và bành trướng. Vì vậy, tu sĩ dễ dàng coi thường các đòi hỏi của đời sống cầu nguyện.

Sau sự kiện 30.4.1975, trong các thành phần Dân Chúa, tu sĩ là giới gặp khó khăn nhiều nhất vì trong chế độ mới họ là những tập thể lớn có nhiều cơ sở, nếp sống sinh hoạt và bản chất của tu sĩ cũng là một vấn đề được tranh luận một cách quyết liệt. Ngay sau giải phóng, trong Thư chung 1976, Hội nghị Giám mục miền Nam đã đưa ra đường hướng chỉ đạo đối với tu sĩ trong việc canh tân, thích nghi trong hoàn cảnh mới là: “Dẫu sinh hoạt bên ngoài có thay đổi, nhưng ơn gọi và sứ mạng ấy của anh chị em vẫn không đổi thay. Công đồng Vatican II đã nêu ra một số tiêu chuẩn hướng dẫn việc đổi mới và thích nghi mà các dòng tu phải thực hiện vì lợi ích của chính mình và của giáo hội”. [37]

Trên tinh thần của Công đồng Vatican II và định hướng của Hội đồng giám mục qua các Thư chung, các tu sĩ Việt Nam đã dần nhất trí về một hướng đi trên mấy xác tín căn bản sau:

“- Phúc Âm không cần một mảnh đất riêng nào để sống, còn người tu sĩ vẫn phải sống và loan báo Tin Mừng trong bất cứ tình thế nào.

Biến cố 30.4.1975 phải có một vị trí nào đó trong chương trình yêu thương và cứu độ của Chúa; Vấn đề là trong đức tin, tu sĩ phải tìm kiếm Chúa muốn gì đối với Hội thánh và giới tu sĩ tại Việt Nam? Phải sống thế nào và làm gì để trung thành với bản chất và sứ mạng của mình?

- Muốn làm men, làm muối trong chất bột xã hội đang được nhào nặn, phải chấp nhận xã hội ấy và chìm vào bên trong nó.

- Ngôn ngữ dễ hiểu, dễ chấp nhận và thích hợp để loan báo Tin Mừng cho một xã hội duy trần tục là thực hành bác ái trong một thái độ khiêm tốn, vô vị lợi và cởi mở đón nhận mọi giá trị nhân bản chân chính của xã hội.

- Khi góp phần bé nhỏ của mình vào việc xây dựng đất nước, người tu sĩ không làm để chiếm ảnh hưởng hoặc để xây dựng một tương quan lực lượng nào mà chỉ vì Tin Mừng phải sống và chiếu tỏa cách tự nhiên giữa anh em”. [42, 85 - 86]

Trên tinh thần đó, trong Giáo hội Công giáo Việt Nam nổi lên xu hướng nhập thế của các dòng tu, chủ yếu là dòng tu nữ vốn sống chiêm niệm không tiếp xúc với bên ngoài. Các dòng tu nữ tham gia giữ trẻ, dạy mẫu giáo. Qua đó, các nữ tu tự tin hơn, tiếp cận với cuộc sống xã hội, xóa đi những mặc cảm không cần thiết.

Bên cạnh đó, các hoạt động canh tân giáo lý, phụng vụ của các tu sĩ cũng diễn ra sôi nổi.

Trong lĩnh vực giáo lý, nhiều tu sĩ tham gia biên soạn giáo trình giảng dạy giáo lý theo tinh thần canh tân của Công đồng Vatican II, góp phần rất lớn trong việc dạy dỗ giáo lý cho mọi thành phần giáo dân ở các độ tuổi khác nhau.

Trong lĩnh vực phụng vụ, nhiều tu sĩ đã tham gia dịch các văn bản phụng tự, tìm hiểu văn hóa Việt Nam, văn hóa Công giáo từ đó đưa ra những sáng kiến, những tư tưởng tích cực góp phần vào công tác Việt hóa đạo của Giáo hội Công giáo Việt Nam; tham gia vào việc chuẩn bị lễ nghi cho các Thánh lễ.

Như vậy, nếu giai đoạn 1965 – 1975, hoạt động canh tân trong đời sống tu trì chủ yếu chú trọng đến hình thức dẫn đến coi thường đời sống cầu nguyện thì từ 1975 cho đến nay, các tu sĩ đã thực sự “trở về nguồn”, đào sâu đời sống nội tâm, chú trọng đến việc học hỏi giáo lý và sống mang đúng nghĩa đời tu.

Mặc dù công cuộc canh tân đời sống tu trì với những chuyển biến còn chậm song đây thực sự là những bước đi đúng hướng để tu sĩ “trở lại với nguồn cội và trở lại với thế giới” theo tinh thần của Công đồng Vatican II.

Một phần của tài liệu Cộng đồng Vatican II và sự tác động của nó tới công giáo ở Việt Nam (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)