Quan niệm của Giáo hội về “một số vấn đề khẩn thiết”

Một phần của tài liệu Cộng đồng Vatican II và sự tác động của nó tới công giáo ở Việt Nam (Trang 30 - 32)

- Về hôn nhân và gia đình

Trong Giáo hội Công giáo, hôn nhân và gia đình là một phẩm giá thánh thiện, cao cả mà Thiên Chúa ban cho con người. Theo đó, vợ chồng được kết hợp bởi tình yêu bất khả phân ly, sứ mạng của vợ chồng là sản sinh, giáo dục con cái.

Trong hoàn cảnh mới, với tinh thần canh tân cởi mở và thái độ mềm dẻo hơn, Công đồng Vatican II đã khuyến khích các cặp vợ chồng sử dụng phương pháp tránh thai tự nhiên, điều hòa sinh đẻ, song Giáo hội vẫn không tán thành việc áp dụng phương pháp tránh thai nhân tạo và đặc biệt lên án việc nạo phá thai vì đây là “một tội ác ghê tởm”.

Công đồng nhận định, gia đình là môi trường tiến bộ của nhân loại, là cái nôi có vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục Kitô giáo. Trong đó, cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái lớn khôn và có thể theo ơn gọi của Chúa để chọn bậc sống, tu dòng hoặc kết bạn. Bên cạnh đó, mỗi gia đình phải có trách nhiệm làm gương, truyền giáo cho các gia đình khác.

Việc kết hôn với người khác tôn giáo trước Công đồng Vatican II, giáo luật đặt vấn đề rất khắt khe. Người theo tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào muốn kết hôn với người theo đạo Công giáo phải theo đạo Công giáo, con cái sinh ra phải chịu mọi phép bí tích. Đối với người Công giáo mà lấy người ngoại đạo thì bị phạt vạ tuyệt thông.

Công đồng Vatican II chủ trương hôn nhân phối hợp (cho phép tín đồ được phép kết hôn với người ngoại đạo), miễn là phía bên kia để cho người bạn đời của mình được tự do tín ngưỡng. Đồng thời, Công đồng cũng hủy bỏ phạt vạ tuyệt thông đối với người Công giáo đã lấy người ngoại đạo.

Nội dung này thể hiện sự canh tân, cởi mở của Giáo hội, làm dịu đi căng thẳng giữa người Công giáo và người không theo đạo Công giáo.

- Vấn đề đời sống kinh tế xã hội

Công đồng nhận định, nền kinh tế thế giới ngày càng phát triển, song sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn, xa hoa nằm bên cạnh đói khổ. Theo quan niệm của Giáo hội, sự phát triển kinh tế phải nhằm phục vụ con người, phải được con người kiểm soát để mọi thành phần dân cư đều được hưởng lợi từ những thành quả mà sự phát triển kinh tế đem lại.

Từ đó, Công đồng đã đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn đặc biệt, chú ý đến những yêu sách của kinh tế tiến bộ để mỗi người có một phần tài sản đủ cho mình và cho gia đình.

- Vấn đề cổ vũ phát triển văn hóa và giáo dục Kitô giáo

Công đồng đưa đưa ra định nghĩa về văn hóa: “chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn” (số 53). [9, 284]

Công đồng phân tích những đặc điểm của nền văn hóa hiện nay và khẳng định

con người là tác giả của văn hóa. Nhưng nền văn hóa hiện đại cần được phát triển sao

cho nhân bản, toàn diện, phục vụ con người. Do đó, cần nhận thức được mối tương quan giữa văn hóa và Tin Mừng. Vì Công đồng cho rằng, Giáo hội qua nhiều thời đại đã sử dụng những khám phá của từng nền văn hóa để truyền bá, công bố Tin Mừng, Giáo hội luôn hòa mình vào các nền văn minh khác nhau, làm phong phú lẫn nhau. Bên cạnh đó, Giáo hội cũng đặt ra yêu cầu tìm kiếm phương pháp để có sự kết hợp giữa văn hóa nhân loại và Kitô giáo.

Công đồng Vatican II cho rằng, phải làm sao cho mỗi người trên toàn thế giới này phải được hưởng một nền giáo dục xứng đáng với phẩm giá trí tuệ, lương tâm và tình yêu mà Thiên Chúa ban cho con người. Cả giới nông dân, thợ thuyền, phụ nữ cũng được Giáo hội quan tâm nhắc nhở vì họ có vai trò rất quan trọng trong đời sống

xã hội hiện đại. Do đó, việc giáo dục phải được đẩy mạnh khắp nơi, phải không ngừng canh tân, đổi mới phương pháp giáo dục.

Giáo hội đề cao vai trò của gia đình trong giáo dục, vì cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên, chính yếu. Bên cạnh đó cũng cần sự trợ giúp của xã hội và Giáo hội cũng đặt cho mình trách nhiệm giáo dục, trong đó, cộng đồng Kitô hữu phải góp phần khám phá những phương pháp giáo dục thích hợp; đảm bảo cho trẻ em, thanh thiếu niên phải được hưởng một nền giáo dục đầy đủ.

- Vấn đề bảo vệ hòa bình, xây dựng cộng đồng dân tộc, cộng đoàn quốc tế

Theo Công đồng, hòa bình không có nghĩa là hết chiến tranh, không chỉ đảm bảo quân bình giữa các lực lượng đối lập, cũng không phải nằm yên dưới chế độ độc tài. Hòa bình là sản phẩm của công bình, là kết quả của trật tự tự do mà tạo hóa đã ấn định cho xã hội loài người, là hình ảnh, là kết quả của Chúa Kitô (số 78). [9, 325]

Công đồng Vatican II lên án chiến tranh vì chiến tranh tiêu diệt con người bừa bãi – là tội ác chống lại Thiên Chúa. Giáo hội kêu gọi cách giải quyết hòa bình cho mối quan hệ giữa các quốc gia; kêu gọi Kitô hữu cộng tác với tất cả mọi người xây dựng củng cố hòa bình trong công bằng và yêu thương. Công đồng cũng đưa ra những phương pháp để ngăn cấm chiến tranh với sự hợp tác của tất cả mọi người, mọi quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Về mối quan hệ giữa các cộng đồng dân tộc, cộng đoàn quốc tế, Công đồng đã chỉ ra nguyên nhân bất hòa và phương dược chữa trị. Do đó, phải thành lập các cơ quan cổ vũ hòa bình, các quốc gia, dân tộc phải giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển. Giáo hội với vai trò và sứ mệnh của mình phải cổ vũ hòa bình, phải có mặt giữa lòng các dân tộc để thôi thúc sự hợp tác giữa mọi người và Giáo hội (số 89). [9, 343]

Một phần của tài liệu Cộng đồng Vatican II và sự tác động của nó tới công giáo ở Việt Nam (Trang 30 - 32)