f) Vấn đề truyền giáo
2.1. Bối cảnh Công giáo và dân tộc
Sau hiệp định Giơnever 20.7.1954, đất nước ta bị chia cắt làm hai miền. Ở miền Bắc, hòa bình được lập lại đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, miền Nam dần rơi vào ách thống trị và nô dịch của đế quốc Mỹ. Tình hình này kéo dài cho tới ngày 30.4.1975 khi những người Cộng sản đánh bại chính quyền Mỹ - ngụy, giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.
Sau khi hiệp định Giơnever được ký kết, đế quốc Mỹ với ý đồ thế chân Pháp ở miền Nam nước ta đã phối hợp với Pháp, Vatican và bọn phản động tay sai trong Giáo hội Công giáo miền Nam tuyên truyền, xuyên tạc đường lối tôn giáo của Đảng ta. Chúng bịa đặt tin “Chúa vào Nam”, “Cộng sản chống phá đạo”,… xúi giục, cưỡng ép gần nửa triệu giáo dân miền Bắc di cư vào miền Nam. Trong đó có không ít ngụy quân, ngụy quyền, bọn phản động khoác áo tôn giáo như: Lê Hữu Từ, Hoàng Quỳnh, Phạm Ngọc chi… Lực lượng giáo dân, giáo sĩ miền Bắc di cư vào miền Nam trở thành chỗ dựa vững chắc và đáng tin cậy cho chính quyền Mỹ - ngụy.
Trong giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam, chính quyền Mỹ ngụy không ngừng lợi dụng Công giáo làm công cụ chống Cộng, lôi kéo quần chúng nhân dân ra khỏi hàng ngũ cách mạng. Trong bối cảnh đó, sự phân hóa trong các tầng lớp, các giai cấp, dân tộc, tôn giáo… thậm chí trong từng làng xã, từng gia đình thành hai chiến tuyến đã diễn ra. Trong nội bộ Giáo hội Công giáo ở Việt Nam cũng diễn ra sự phân hóa, một bộ phận tín đồ, chức sắc đi theo cách mạng, đóng góp tiền của, sức lực và tính mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bộ phận còn lại chịu ảnh hưởng của các thế lực đế quốc, làm tay sai cho Mỹ - ngụy, chống lại phong trào cách mạng Việt Nam.
Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, sự ảnh hưởng của Công đồng Vatican II trước năm 1975 tới Công giáo ở Việt Nam chủ yếu diễn ra ở miền Nam Việt Nam. Sau
ngày đất nước giải phóng, sự tác động của Công đồng Vatican II tới Giáo hội Công giáo Việt Nam diễn ra trên phạm vi cả nước.
Giai đoạn 1: Từ năm 1965 đến năm 1975
Đây là thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh quyết liệt giữa đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai với phong trào giải phóng dân tộc của quân và dân ta khiến cho tình hình chính trị, văn hóa, xã hội ở miền Nam có nhiều xáo trộn căng thẳng.
Ngày 01.11.1963 Mỹ làm đảo chính Ngô Đình Diệm. Từ 1963 đến 1967 là thời kỳ chính trị miền Nam không ổn định. Đây thực chất là sự thay thế lực lượng tay sai của đế quốc Mỹ. Chế độ Cộng hòa thứ hai được xây dựng ở miền Nam Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Văn Thiệu và đế quốc Mỹ.
Song dưới thời kỳ Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu thì quan hệ giữa Giáo hội Công giáo miền Nam và chính quyền Sài Gòn vẫn gắn bó sâu sắc. Trong chính quyền Sài Gòn, các giáo sĩ luôn nắm vị trí quan trọng, có vai trò điều hành guồng máy chính quyền, đặc biệt là dưới thời Ngô Đình Diệm.
Mặc dù trong giai đoạn 1963-1967, vai trò của Công giáo trong đời sống chính trị Sài Gòn có phần giảm sút. Song với đường lối chống Cộng triệt để, dưới thời Mỹ - Thiệu Công giáo vẫn được nâng đỡ phát triển.
Về văn hóa, đế quốc Mỹ không ngừng viện trợ tài chính cho chính quyền Sài
Gòn. Bên cạnh việc tăng cường về quân sự, sự áp đặt chế độ chính trị vào miền Nam, lối sống Mỹ, văn hóa Mỹ cũng được du nhập và truyền bá. Do đó, lối sống hưởng thụ, thực dụng của nền văn hóa tư bản phương Tây dần len lỏi vào đời sống xã hội, văn hóa miền Nam.
Trong bối cảnh đó, đường hướng canh tân – nhập thế của Công đồng Vatican II đã có những tác động nhất định tới Giáo hội Công giáo miền Nam, chứa đựng cả những mặt tích cực và tiêu cực.
Sau Công đồng Vatican II, lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề quốc tế đã có những thay đổi nhất định. Tòa Thánh có thái độ mềm dẻo hơn đối với phong trào cách mạng Việt Nam.
Do đó, năm 1963 khi chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp phong trào Phật giáo, cấm treo cờ Phật giáo trong dịp Phật đản, Tòa Thánh đã kịch liệt lên án. Bởi đây là một trong những hành động đi ngược với xu hướng đối thoại với các tôn giáo khác của giáo hội tại Công đồng Vatican II. Đối với sự kiện đàn áp đẫm máu tăng ni Phật tử, Giáo hoàng Phaolô VI đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và đề nghị chính quyền Ngô Đình Diệm và Giáo hội Phật giáo tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng
hoảng. Song lời đề nghị này của Tòa Thánh không được chấp nhận khiến quan hệ giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và Giáo hội Phật giáo càng trở nên căng thẳng.
Ngày 20.9.1963, Giáo hoàng Phaolô VI đề nghị các giám mục miền Nam Việt Nam đứng ngoài không can thiệp vào cuộc xung đột này tránh làm tình hình căng thẳng. Đồng thời, với tinh thần bảo vệ hòa bình, Tòa Thánh đã nhiều lần kêu gọi cách giải quyết hòa bình cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Lập trường hòa bình bằng mọi
giá cho Việt Nam tiếp tục được Phaolô VI duy trì, ủng hộ dưới thời Mỹ - Thiệu.
Với tinh thần canh tân – đối thoại, Tòa Thánh đã có những thay đổi trong lập trường chống Cộng ở Việt Nam nhằm “thích nghi với thời đại”. Song, thái độ chống học thuyết vô thần, chống bạo lực cách mạng của Giáo hội Công giáo vẫn được thể hiện rõ nét qua sự cấu kết chặt chẽ giữa Giáo hội Công giáo miền Nam và chính quyền Mỹ - ngụy dưới thời Nguyễn Văn Thiệu.
Sau Công đồng Vatican II, sự cấu kết giữa Giáo hội Công giáo miền Nam và chính quyền Mỹ ngụy khéo léo và kín đáo hơn. Bởi, Giáo hội Công giáo miền Nam thời kỳ này vẫn là lực lượng tay sai mạnh mẽ và đáng tin cậy của chính quyền Mỹ - ngụy. Bản thân Nguyễn Văn Thiệu là một người Công giáo, mặc dù khi lên nắm chính quyền, Thiệu tuyên bố “sẽ quên mình là người Công giáo” nhưng thực chất Nguyễn Văn Thiệu là kẻ có tinh thần chống Cộng điên cuồng nhất.
Dưới thời Mỹ - Thiệu, một loạt các đảng phái chính trị, các tổ chức phản động được thành lập như: Đảng Quốc Dân Liên Hiệp, Cộng đồng giáo dân, Mặt trận giáo dân, Đảng dân chủ Thiên Chúa giáo; Mặt trận công dân các tôn giáo; Tổng hội thanh niên dân tiến (Nam) Việt Nam, Liên đoàn sinh viên, học sinh tư dân; Các lực lượng đoàn kết, Nhân xã Đảng, Văn phòng phát triển sinh hoạt công dân. Bên cạnh đó còn nhiều tổ chức chính trị phản động khác như: Ủy ban đấu tranh Công giáo, Văn phòng liên lạc cạnh Tòa giám mục, Ủy ban điều hợp, Ủy ban điều hợp khối công dân giáo; Chủ tịch khối công dân Công giáo, Các ban chấp hành khối công dân Công giáo.
Các tổ chức, đảng phái chính trị của Giáo hội Công giáo miền Nam đã lấy thánh đường, tu viện… làm nơi sinh hoạt, hội họp, tập hợp, kết nạp đảng viên sách động tín đồ. Các báo chí do Giáo hội Công giáo xuất bản bên cạnh những bài viết luận về thần học, Thánh kinh là những bài viết tuyên truyền chống Cộng, chống miền Bắc, chống Chủ nghĩa xã hội, kêu gọi tín đồ thủ tiêu, đấu tranh ủng hộ chế độ ngụy quyền. Một vài tổng giám mục, giám mục, linh mục, tu sĩ trở thành thủ lĩnh, cố vấn của các Đảng phái chính trị. [11, 153]
Từ 1968 đến 1971, trong các Thông cáo và Thư luân lưu, Hội đồng Giám mục miền Nam tỏ ra sẵn sàng và tích cực vận động cho nền hòa bình Việt Nam. Chúng ta
có thể thấy rõ điều này qua các sự kiện: Thông cáo ngày 5.1.1968, Thư luân lưu năm 1969, Thư mục vụ năm 1973 và Tuyên ngôn năm 1974 nhằm kêu gọi thiện chí của chính quyền hai miền để cùng nhau kiến tạo hòa bình. Song đến Thư mục vụ 1973, Giáo hội miền Nam vẫn cảnh tỉnh giáo dân về ý thức hệ vô thần. Do đó, hàng giáo phẩm Công giáo mới chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi hòa bình bác ái xuất phát từ đạo đức tôn giáo, chứ chưa mạnh dạn dấn thân vào trào lưu giải phóng thống nhất đất nước. Trong đó một bộ phận lớn giáo sĩ, giáo dân vẫn nặng nề tư tưởng chống Cộng, là tay sai đắc lực của chính quyền Mỹ - ngụy.
Mặc dù trong Thông cáo của Hội nghị Giám mục miền Nam điều 10 viết: “Giáo hội Việt Nam không làm chính trị mà chỉ đóng vai trò cố vấn mà thôi”. Nhưng thực chất, Giáo hội Công giáo miền Nam đã tham gia vào hoạt động chính trị khá mạnh mẽ, họ là lực lượng đáng tin cậy của chính quyền Mỹ - ngụy Sài Gòn.
Ở miền Nam, dưới thời Mỹ - Thiệu nhiều nhà thờ trở thành những đồn bốt hoặc trại lính, Giáo hội Công giáo là người bạn trung thành, là cánh tay đắc lực được Mỹ - ngụy sử dụng để đàn áp cách mạng Việt Nam. Bản thân Giáo hội Công giáo miền Nam là một lực lượng chính trị phản động, nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ, muốn bành trướng thế lực, nắm giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Sài Gòn. Theo đó, Giáo hội Công giáo miền Nam cũng là một lực lượng chống Cộng triệt để.
Song bên cạnh dòng đục, còn một bộ phận lớn những người Công giáo yêu nước kiên quyết tham gia phong trào cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Do họ thấy được bản chất, bộ mặt xảo trá của một bộ phận những người lãnh đạo, giáo sĩ, tu sĩ trong Giáo hội Công giáo miền Nam có quyền lợi gắn với Chủ nghĩa đế quốc và tay sai phản động.
Trong khoảng thời gian từ 1965 đến 1975, Giáo hội Công giáo miền Nam đã tích cực đổi mới theo đường hướng công đồng trong nhiều lĩnh vực. Nhờ sự nâng đỡ của chính phủ ngụy quyền Sài Gòn, Giáo hội Công giáo miền Nam có nhiều cơ sở vật chất, phương tiện thuận lợi phục vụ cho việc canh tân đời sống giáo hội.
Giai đoạn 2: Từ năm 1975 đến nay
Sau sự kiện 30.4.1975, miền Nam giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, Nam – Bắc sum họp một nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, Giáo hội Công giáo hai miền Nam – Bắc cũng được sáp nhập thành Giáo hội Công giáo Việt Nam, cùng hướng theo một đường lối chung dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Giám mục.
Sau ngày miền Nam giải phóng, hầu hết các cơ sở kinh tế, văn hóa xã hội, trường tư thục, nhà in… của Giáo hội Công giáo miền Nam trước đây đã được công
lập hóa theo chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam; Các cơ sở y tế, bệnh viện, cô nhi viện cũng được bàn giao cho chính quyền chức năng điều hành quản lý.
Sự kiện 30.4.1975 đã tạo nên một cục diện hoàn toàn mới đối với Giáo hội Công giáo miền Nam. Sau khi Mỹ - ngụy bị đánh bại, một bộ phận linh mục, nam nữ tu sĩ có quá trình công khai hợp tác với chế độ Mỹ - ngụy sợ bị trả thù đã chạy đi di tản, trong đó có 167 linh mục nam nữ tu sĩ ngoại quốc và cả khâm sứ Tòa Thánh Henri Maitre đã rời khỏi Việt Nam. Tòa Thánh Vatican không có quan hệ ngoại giao chính thức với Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, Giáo hội Công giáo Việt Nam thực sự làm chủ trong một đất nước độc lập, có chủ quyền.
Trong gần 40 năm đất nước thống nhất, nền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo ở nước ta có nhiều biến động. Đặc biệt từ khi thực hiện đường lối đổi mới (1986), đất nước ta đã phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đời sống nhân dân đã có những thay đổi tích cực, đất nước dần bước vào hội nhập với thế giới.
Trong bối cảnh đó, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, luôn có sự đổi mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra. Trong đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được tôn trọng với chủ trương đoàn kết tôn giáo, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo.
Quan điểm này của Đảng và Nhà nước được thể hiện rõ trong Nghị quyết 24 của Bộ chính trị (ngày 16.10.1990) về Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình
mới. Nghị quyết khẳng định “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài, tín ngưỡng tôn
giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội”. [19]
Việc thừa nhận “tôn giáo là nhu cầu tinh thần của nhân dân” thể hiện sự thay đổi ngoạn mục trong lập trường của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo. Đó là: tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo, quan tâm và bảo đảm lợi ích thiết thân của một bộ phận quần chúng có đời sống tâm linh tôn giáo. Trên tinh thần đó, tư duy nhận thức lý luận của Đảng ta về tôn giáo ngày càng được hoàn thiện hơn qua các kỳ đại hội, trong các văn bản, chỉ thị.
Đối với Công giáo, từ sau ngày giải phóng miền Nam, các sinh hoạt tôn giáo của quần chúng nhân dân được đảm bảo, các giám mục, linh mục, các nhà thờ, tòa giám mục đến xứ đạo, họ đạo vẫn duy trì sinh hoạt tôn giáo thường xuyên, đều đặn. Các đoàn thể, hội đoàn tôn giáo chống Cộng sản ủng hộ đế quốc Mỹ - ngụy trước đây phần lớn tự giải tán, chỉ có một số hội đoàn phục vụ trực tiếp sinh hoạt tôn giáo như
hội kèn trống, hội hát, hội dâng hoa còn hoạt động trong khuôn khổ khuôn viên nhà thờ, nhà xứ.
Trong bối cảnh đó, Giáo hội Công giáo Việt Nam dần dần xóa đi mặc cảm về quá khứ, trở về với dân tộc, với cội nguồn, tích cực góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa đất nước đi lên theo con đường chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt sau ngày Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập và với sự ra đời của Thư chung 1980, tinh thần của Công đồng Vatican II chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước trong mọi mặt của đời sống giáo hội. Đồng thời thể hiện tinh thần hội nhập của Giáo hội Công giáo vào nền văn hóa dân tộc và nguyện sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc Việt Nam.
Trước khi đi tìm hiểu những nội dung cụ thể, tác giả điểm qua những nội dung cơ bản trong Thư chung 1980 để thấy được đường hướng chỉ đạo của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong bối cảnh mới trên tinh thần áp dụng triệt để các văn bản của Công đồng Vatican II.
Thứ nhất: Một Hội thánh vì loài người
Trên cơ sở lấy thông điệp đầu tiên của Giáo hoàng Phaolô VI làm sứ mạng của Hội thánh trong thế giới ngày nay, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ rõ nhiệm vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam là: phải truyền giáo, phát triển đạo để tôn giáo này có sự trưởng thành không ngừng, để cho thế giới ngày nay ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng. Thư chung cũng chỉ rõ sứ mạng của Hội thánh là tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu – đó là phục vụ con người. Đây là điểm gặp gỡ giữa Hội thánh và xã hội trần thế. Vì, “dù tin hay không tin con người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý vì họ cùng chung sống trong thế giới này”. [MV 21, 6]
Hội thánh của Chúa Giêsu
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra đường hướng mục vụ - “chúng ta phải là Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam”. Do đó, mỗi tín đồ