f) Vấn đề truyền giáo
1.2.1 Quan hệ Công giáo với văn hóa Việt Nam truyền thống
Việt Nam là quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời vốn đã xác lập một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Là một quốc gia có nền văn minh nông nghiệp lúa nước, nền văn hóa Việt Nam mang đậm đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp với nhiều lễ hội dân gian và sinh hoạt mang tính cộng đồng được tổ chức theo mô hình Nhà – Làng – Nước. Trong mỗi cộng đồng các cá nhân có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau và lệ thuộc chặt chẽ vào môi trường tự nhiên.
Trong lễ hội, các lễ nghi tín ngưỡng, các phong tục tập quán, các thể lệ và hình thức sinh hoạt của mỗi cộng đồng được tái hiện một cách sinh động. Các lễ hội ở Việt Nam rất đa dạng được tổ chức với những quy mô khác nhau tùy thuộc vào đối tượng thờ cúng và phong tục từng vùng miền như: lễ tế các thần linh, các lễ hội nông nghiệp; các lễ hội nhằm tưởng nhớ tới công ơn tổ tiên, nòi giống, các anh hùng, người có công mở mang bờ cõi, các ông tổ các ngành nghề,...
Các lễ hội không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần, vui chơi giải trí của quần chúng nhân dân lao động mà sự ra đời của lễ hội có nguyên nhân căn bản là nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người nông dân Việt Nam. Bởi, với trình độ sản xuất còn hạn chế, con người chưa thể lý giải được các hiện tượng tự nhiên cũng như sự sống, cái chết ở con người. Do đó, cũng như các dân tộc khác trên thế giới, thời kỳ đầu ở Việt Nam người dân cũng thờ nhiều vị thần, từ nhiên thần đến nhân thần và thực hiện nhiều lễ nghi cầu nguyện mong thời tiết thuận lợi, tránh được bệnh tật và cầu mong một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Qua quá trình hình thành và phát triển, các lễ hội trở thành một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, chứa đựng những giá trị đạo đức, thẩm mỹ… quý báu được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đối với người Việt, mọi sự kiện lớn trong một đời người: sinh ra – trưởng thành – kết hôn – sinh đẻ - lên lão – mất đi đều gắn với một nghi lễ nhất định. Đó là nghi lễ vòng đời - là cách ứng xử của cộng đồng người đối với một cá nhân, cũng là sự ứng xử đối với toàn bộ xã hội và toàn bộ thế giới tự nhiên bao quanh con người. Mặc dù trong các nghi lễ có những mặt là hủ tục lạc hậu cần xóa bỏ nhưng nó cũng chứa đựng nhiều giá trị thể hiện mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong cộng đồng cũng như mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Do đó, nghi lễ vòng đời đã trở thành phong tục, tập quán ăn sâu vào nếp sống của các tộc người Việt.
Bên cạnh đó, nền văn hóa Việt Nam truyền thống còn chứa đựng những kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian phản ánh những thói quen sinh hoạt, những nếp sống của người Việt. Song với thái độ tự cao kì thị, sự ưu trội về văn minh vật chất, Kitô giáo gắn với nền văn hóa phương Tây với những hệ giá trị khác biệt đã coi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta là man di, mọi rợ cần được khai hóa.
Tại hội nghị thừa sai ở Việt Nam năm 1625, dưới sự chủ tọa của linh mục Gabriel de Mattos đã thông qua một nghị quyết: “Không cho người Việt tân tòng làm thày giảng; Không dùng ngôn ngữ địa phương để chỉ thánh danh Chúa; Không cho các tân tòng tham dự các nghi lễ Trung Hoa”. [68]
Bên cạnh nền văn hóa dân gian, văn hóa Nho giáo đã trở thành ý thức hệ của dân tộc Việt Nam không chỉ trong thời kì phong kiến mà ngày nay trong cơ tầng văn hóa Việt Nam vẫn chứa đựng nội hàm Nho giáo. Bởi trải qua 1000 năm Bắc thuộc, đến thời nhà Lê, Nho giáo đã trở thành tôn giáo độc tôn. Nho giáo không chỉ là một tôn giáo, một học thuyết chính trị xã hội mà những tư tưởng triết học trong Nho giáo về chính trị, đạo đức đã hòa nhập vào nền văn hóa Việt Nam. Trong khi đó, nhiều tư tưởng căn bản của Nho giáo lại đối lập hoàn toàn với tư tưởng của Công giáo.
Công giáo coi Thiên Chúa là quyền năng tối cao, là người sáng tạo ra vạn vật trên thế giới đồng thời chi phối tất cả, ngoài Thiên Chúa ra không một lực lượng nào có quyền năng như thế. Trong khi đó, Nho giáo lại cho rằng mọi việc trên đời là do Trời định, ở trần gian Vua chính là Thiên tử, là người có quyền cai trị cả đất nước và mọi người phải trung với Vua. Trung quân không chỉ là bổn phận về đạo lý mà còn là trách nhiệm có tính pháp lý, là công cụ tư tưởng khẳng định quyền hạn, vị trí của triều đình phong kiến trị nước. Tư tưởng thần học Công giáo đã trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi của giai cấp thống trị phong kiến vì vậy đây là một trở ngại lớn cho sự xâm
nhập của văn hóa Công giáo vào nền văn hóa Việt Nam. Ngoài quan hệ vua – tôi, thì quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ - con cái cũng là những mối quan hệ có tính chất nền tảng trong xã hội phong kiến.
Đối với mối quan hệ vợ - chồng, nam giới luôn được ưu tiên hơn, xã hội Nho giáo không chấp nhận sự bình đẳng nam nữ trong gia đình và xã hội, người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến phải tuân theo Tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng
phu, phu tử tòng tử và Tứ đức: Công – Dung – Ngôn – Hạnh. Xã hội Nho giáo không
chấp nhận sự giải phóng phụ nữ: “Gia đình theo chế độ đa thê, trọng nam khinh nữ với những hình phạt rất nặng nề dành cho các phụ nữ hoang thai, gian dâm. Xã hội còn nhiều hủ tục như tục tảo hôn, tục cho phép đàn ông bỏ vợ vì một số lý do không chính đáng (thất xuất) như: không con, không thờ cha mẹ chồng, đa ngôn, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật, dâm dật” (3, 215). Trong khi đó, Công giáo chủ trương chế độ một vợ - một chồng, phấn đấu nam nữ bình đẳng.
Trong mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, xã hội Việt Nam truyền thống quy định cha mẹ phải làm gương cho con cái, đồng thời đề cao chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ.
Đạo hiếu từ lâu đã trở thành một nội dung quan trọng trong triết lý luân lý của người Á Đông, là nền tảng của quan hệ đạo đức trong mỗi gia đình và rộng hơn ở tầm quốc gia; là nội dung quan trọng trong Khổng giáo. Nếu bất trung với vua là phản quốc thì bất hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ bị coi là vô đạo, là một trọng tội. Gia đình, xã hội người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc triết lý này, quy định con cái phải ghi tạc công ơn cha mẹ, tôn kính vâng lời từ nhận thức đến hành động. Do đó con cháu phải sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ khi còn sống và phải thờ cúng khi họ đã qua đời.
Vì vậy, thờ cúng tổ tiên thể hiện chiều sâu khía cạnh luân lý hơn là một hình thức tôn giáo đầy đủ. Nó đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của con người Việt Nam, biểu hiện lòng hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Đối với các vua triều đình phong kiến, sự khác biệt giữa văn hóa Kitô giáo và văn hóa truyền thống là một mối lo lớn vì nó có thể tác động tiêu cực tới văn hóa và phong tục truyền thống Việt Nam. Do đó, ngay trong thời kỳ đầu khi Công giáo được truyền bá vào Việt Nam đã vấp phải thái độ dè chừng và cấm đạo của triều đình: “Một tôn giáo không nhìn nhận cha, không nhìn nhận vua, không thờ cúng thần linh; suốt đêm đọc kinh đọc sách, nam nữ sống lẫn lộn với nhau mà không biết xấu hổ, lười biếng, vô công nhàn rỗi, không làm gì để sản xuất và tích lũy; cuối cùng có sát phạt, chúng cũng không hổ thẹn”. [3, 104]
Trong khi đó, bản thân các nhà truyền giáo luôn có thái độ mặc cảm, coi thường những giá trị văn hóa, phong tục tập quán bản địa thậm chí có ý đồ “Công giáo hóa” ở Việt Nam, được thể hiện trong lời của giám mục Puginier cai quản xứ Tây Đàng ngoài: “Việc thứ hai mà chúng ta cần làm là phải xóa bỏ việc dùng chữ Nho, tiếp đó cần thay thế bằng chữ quốc ngữ và sau cùng là thay thế bằng chữ Pháp (…) trong khoảng 20 đến 25 năm chúng ta mới có thể đòi hỏi tất cả mọi thứ văn bản, mọi thứ giấy tờ phải được viết bằng chữ Pháp và bằng cách chữ đó chữ Nho sẽ rơi vào quên lãng mà không cần phải cấm đoán (…) Tôi cho rằng sau vấn đề “Thiên chúa giáo hóa” xứ này, việc xóa bỏ chữ Nho để thay thế bằng chữ quốc ngữ, rồi tiếp đó là bằng chữ Pháp là một biện pháp (…) lập nên một “tiểu Pháp quốc ở Viễn Đông”.[Xem 50].
Do đó, sự khác biệt giữa văn hóa Kitô giáo với nền văn hóa Việt Nam truyền thống và thái độ kỳ thị tự cao của đa số các nhà truyền giáo đã vấp phải những khó khăn lớn trong quá trình truyền bá đạo Công giáo vào Việt Nam trong quần chúng nhân dân lao động cũng như vua chúa phong kiến.