Thực trạng công tác xúc tiến quảng bá du lịch các tỉnh vùng duyên hải miền Trung thời gian qua

Một phần của tài liệu Hội thảo Khoa học Liên kết Phát triển Du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung (Trang 72)

- Điều kiện về môi trường điểm đến Đây cũng là một điểm mạnh nữa của khu vực duyên

2. Thực trạng công tác xúc tiến quảng bá du lịch các tỉnh vùng duyên hải miền Trung thời gian qua

thời gian qua

Du lịch các tỉnh ven biển miền Trung những năm qua đã có những bước phát triển nhanh chóng. Năm 2010, 7 tỉnh ven biển miền Trung đã đón được hơn 9,2 triệu lượt du khách trong đó có trên 3 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 14,7 triệu ngày khách, doanh thu du lịch toàn Vùng năm 2010 đạt được 5.755,5 tỷ đồng. Trong kết quả của việc tăng nhanh chóng và đạt quy mô lớn đó, có phần đóng góp quan trọng của các hoạt động xúc tiến, quảng bá của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch.

Thực vậy, trong khuôn khổ hạn hẹp về kinh phí và hạn chế về nguồn nhân lực, các tỉnh duyên hải miền Trung đã có những nỗ lực to lớn về quảng bá, xúc tiến du lịch.

Đến nay, các tỉnh đều có các Trung tâm Xúc tiến Du lịch, những đơn vị chuyên trách trong việc hoạch định cũng như triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch cho địa phương. Phải nói rằng với sự hình thành hệ thống các trung tâm này, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được thực hiện thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn với nhiều hình thức quảng bá đa dạng, phong phú.

Về các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong thời gian qua, trước hết cần đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức các festival và các hoạt động quảng bá trong các dịp festival này. Với các địa phương mà ở đó du lịch phát triển mạnh như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, các festival lớn trở thành các hoạt động định kỳ mỗi năm hoặc hai năm, như Festival Huế, Llễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản”, “Giao lưu văn hóa Việt - Nhật” của Quảng Nam; Festival biển Nha Trang của Khánh Hòa. Cùng với các festival này là các triển lãm, hội thi, roadshow,… Cũng nhân dịp các sự kiện lớn này, các doanh nghiệp du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà trực tiếp là các Trung tâm Xúc tiến du lịch đã tổ chức các chiến dịch truyền thông cho festival và qua đó là cho điểm đến của địa phương mình. Các chiến dịch này đã tạo nên những đợt cao trào thông tin quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Liên kết Phát triển Du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung

Bên cạnh các sự kiện định kỳ, ngoại trừ tỉnh Quảng Ngãi còn dè dặt, các địa phương khác còn nỗ lực tổ chức các sự kiện, các chương trình quảng bá có chủ đề cho điểm đến của mình, như các festival, các lễ hội, các sự kiện lớn: lễ hội Sóng nước Tam Giang, lễ hội Vật làng Sình,… của Thừa Thiên Huế; chương trình du lịch “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2010”; “Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2006”, chương trình “Tháng du lịch Hội An - cảm xúc mùa hè”; “Lễ hội kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa” và festival Tây Sơn - Bình Định 2008; festival du lịch hè Nha Trang, cũng như Phú Yên đã đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011. Các địa phương cũng đã tập trung thu hút du khách thông qua các sự kiện lớn của Hội nghị APEC 2006, Hành lang kinh tế Đông - Tây, các Hội nghị trong khuôn khổ ASEAN; nhất là các sự kiện cuốn hút mạnh mẽ sự quan tâm của công chúng và giới truyền thông như các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Nếu tận dụng tốt thì đây không chỉ là cơ hội xúc tiến, đầu tư, du lịch mà còn là một chiến dịch quảng bá hữu hiệu cho du lịch.

Những hoạt động này đòi hỏi kinh phí lớn và nỗ lực to lớn của bản thân ngành du lịch cũng như sự phối hợp liên ngành nhưng đây cũng chính là những cơ hội để thu hút số lượng lớn du khách, khắc phục tính mùa vụ du lịch, đồng thời là dịp để tăng tần suất đưa hình ảnh điểm đến của mình lên các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước. Chẳng hạn, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010, qua thống kê cho thấy, đã thu hút trên 100.000 lượt khách đến Đà Nẵng.

Từ thực tiễn hạn chế về ngân sách cũng như nguồn lực con người, khả năng quảng bá của doanh nghiệp du lịch và các tỉnh duyên hải miền Trung đến các thị trường xa như thị trường khách quốc tế là không thể trực tiếp và thường xuyên như mong muốn. Vì vậy, với các thị trường này, sử dụng các khách hàng trung gian hoặc các đối tượng nhận thông tin trung gian như các hãng lữ hành và giới truyền thông là hữu hiệu nhất. Do đó, trong thời gian qua, ở tất cả các địa phương, kể cả những địa phương du lịch phát triển chậm, nỗ lực tổ chức các famtrip được triển khai hết sức tích cực nhằm giới thiệu tài nguyên du lịch, năng lực tổ chức cho các hãng lữ hành và thông tấn báo chí. Đặc biệt là các famtrip nhằm quảng bá cho thị trường mới hay sản phẩm mới. Có những chương trình famtrip mang lại kết quả thành công rất cụ thể. Tháng 9.2011, đoàn công tác xúc tiến du lịch của Khánh Hòa kết hợp với chương trình “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga” và các famtrip cho các hãng lữ hành CHLB Nga đã thành công trong quảng bá và thu hút khách ở một thị trường mới là CHLB Nga.

Cũng với các thị trường xa, các địa phương đã nỗ lực tổ chức các sự kiện và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại các thị trường truyền thống. Những năm qua, Quảng Nam đã tổ chức được nhiều đợt roadshow tại Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia; Đà Nẵng đã tham gia Hội chợ Du lịch tại Nhật Bản và Thượng Hải, Khánh Hòa với hội chợ Otdykh Leisure Moscow (Liên bang Nga) và nhiều hội chợ du lịch quốc tế của các địa phương khác nữa. Hội chợ Du lịch quốc tế ITE 2011 tại thành phố Hồ Chí Minh “4 quốc gia - một điểm đến” với 347 hãng lữ hành quốc tế từ 47 quốc gia tham dự, có 15 tỉnh thành trong nước tham gia thì trong đó có 5 trong 7 tỉnh duyên hải

Hội thảo Khoa học

miền Trung là: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa.

Trong các hoạt động quảng bá thường xuyên, 7 tỉnh, thành mà trực tiếp là các Trung tâm Xúc tiến Du lịch và các doanh nghiệp du lịch đã tiến hành khá công phu in ấn và phát hành các tập gấp, brochure, bản đồ du lịch. Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức các quầy thông tin du lịch tại sân bay, góc thông tin du lịch Đà Nẵng tại thành phố Dague, Hàn Quốc cũng như Văn phòng Đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản. Những địa phương mà quy mô khách còn thấp như Quảng Ngãi cũng tích cực in ấn tài liệu giới thiệu về tài nguyên du lịch Quảng Ngãi bao gồm cả việc in ấn sách hướng dẫn du lịch và các đĩa VCD giới thiệu về du lịch Quảng Ngãi được viết kịch bản và thực hiện khá tốt.

Các địa phương cũng đã thường xuyên đưa tin, bài lên các báo, tạp chí du lịch. Ngoài các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại các khu vực, các địa phương cũng khá đều đặn đưa tin và bài giới thiệu các nét đặc trưng về du lịch địa phương lên các kênh truyền hình Việt Nam mà phổ biến nhất là các kênh VTV1, VTV2, VTV3 và VTV4.

Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của 7 địa phương duyên hải miền Trung thời gian qua đã có những nỗ lực hết sức to lớn trong xúc tiến và quảng bá du lịch. Khai thác kênh truyền thông qua internet, tất cả các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều xây dựng website chung cho Sở hoặc riêng cho hoạt động du lịch địa phương. Nhìn chung, các website cung cấp những thông tin cập nhật và khá cần thiết cho du khách. Từ đó đã giúp xây dựng hình ảnh du lịch của địa phương trong tâm trí du khách, góp phần tạo nên sự phát triển nhanh chóng ngành du lịch của Vùng trong thời gian qua.

Về liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch nói chung và trong hoạt động xúc tiến nói riêng cũng đã bắt đầu được các địa phương coi trọng. Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam cùng liên kết xúc tiến du lịch với chủ đề “Ba địa phương - một điểm đến”, Quảng Ngãi - Bình Định - Kon Tum - Gia Lai đang triển khai ký kết liên kết phát triển du lịch. Ngoài ra còn có các sự liên kết ngoài Vùng như Đà Nẵng - Lâm Đồng, Bình Định - Quảng Ngãi - Gia Lai - Kon Tum - Attopư, Chămpasak (Lào) - Thái Lan…

Một phần của tài liệu Hội thảo Khoa học Liên kết Phát triển Du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung (Trang 72)