9 TVSI – Chứng khoán Tân Việt (2012)
2.1.2.5 Khả năng thanh khoản (Liquidity – L)
Nhìn tổng quát, tỷ lệ cho vay / huy động có chiều hướng tăng lên trong giai đoạn đầu khảo cứu (2006 với 89.76%; 2007 với 91.38%), giảm ở năm tiếp theo (2008 với
87.10%), hồi phục ở giai đoạn sau đó, và lại sụp giảm ở năm cuối (2012 với 89.38%) (Phụ lục 05). Bên cạnh đó, tổng tiền gửi và cho vay khách hàng đều tăng dần qua các
năm (trong đó, đối với năm 2012, tình hình huy động khách hàng được đánh giá là cao
hơn nhiều so với cấp tín dụng) (Phụ lục 05 và 09).
Đầu tiên, nếu xét trong giai đoạn 2008 – 2009, ta nhận thấy rằng khả năng thanh khoản của các ngân hàng gặp rất nhiều trắc trở. Thật vậy, do không huy động kịp vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng quá nhanh nên một số ngân hàng buộc lòng phải vay nóng trên thị trường liên ngân hàng để tránh mất thanh khoản, dẫn đến lãi suất liên
ngân hàng tăng lên rất cao. Và rồi các ngân hàng ngày càng chạy đua hơn trong cuộc chiến lãi suất huy động. Hệ lụy tiếp theo là nhiều khách hàng đã rút tiền từ ngân hàng này để gửi sang ngân hàng khác (với lãi suất cao hơn và ưu đãi nhiều hơn). Tất cả những vấn đề trên đã dẫn đến tình trạng nhiều ngân hàng không có đủ tiền mặt để đáp ứng và bù đắp thanh khoản thiếu hụt.
Kế tiếp, vào năm 2010 và 2011, nhìn chung tỷ lệ cho vay / huy động ở mức tương đối cao (trên 90%). Thanh khoản hệ thống ngân hàng luôn gập ghềnh, bấp bênh, căng thẳng (thậm chí còn xuất hiện tình trạng mất cân đối kỳ hạn trầm trọng giữa huy
động và cho vay). Ngoài ra, vấn đề khách hàng rút tiền trước kỳ hạn lại gia tăng mạnh
mẽ. Thêm vào đó, thị trường liên ngân hàng gặp rất nhiều ách tắc, bất ổn. Do vậy, rất nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản liên tục. Kết quả là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) có chiều hướng sụp giảm nhanh chóng, nghiêm trọng.
Đến năm 2012, trái ngược lại với năm 2011 và các năm trước đó nữa, thanh khoản của các ngân hàng có sự cải thiện rõ rệt. Lãi suất huy động và cho vay đều giảm xuống mạnh mẽ. Tăng trưởng huy động được đánh giá là tương đối cao hơn so với tăng trưởng tín dụng. Rõ ràng là bài toán “căn bệnh mãn tính” về khả năng thanh khoản trong năm 2012 không có dấu hiệu khởi phát như các năm trước. Do vậy, tình hình thanh khoản của các ngân hàng vào năm này được đánh giá là tương đối ổn định và khả quan hơn.
Suy cho cùng, dù tình trạng thanh khoản có hay không có ổn định đi chăng nữa thì các ngân hàng Việt Nam vẫn phải luôn luôn chuẩn bị các chiến lược cụ thể và rõ ràng để đối phó với rủi ro thanh khoản. Một khi kế hoạch được đưa ra càng chi tiết và khoa học bao nhiêu thì khả năng đối phó với rủi ro thanh khoản sẽ càng chủ động và hiệu quả hơn bấy nhiêu.