Qua một thời gian triển khai hoạt động, mặc dù có những dấu hiệu tích cực nhưng nghiệp vụ bao thanh toán ở Việt Nam vẫn chưa thể hiện hết ưu điểm vốn có và còn tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình triển khai.
2.5.3.1. Doanh số bao thanh toán vẫn còn thấp và tỷ trọng chưa cân đối
Từ bảng số liệu về doanh số bao thanh toán của hệ thống ngân hàng Việt Nam và tiêu biểu là Vietcombank, chúng ta có thể thấy được các năm qua doanh số bao thanh toán của các ngân hàng Việt Nam đều có tăng trưởng và những thay đổi tích cực; tuy nhiên, doanh số bao thanh toán vẫn còn rất thấp so với các nước khác trong khu vực (xem phân tích tại mục 2.2.4.). Và tại các NHTM cụ thể, các kết quả hoạt động của nghiệp vụ bao thanh toán so với các hoạt động khác là vẫn còn rất
thấp, nghiệp vụ cho vay vẫn là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong hoạt động tín dụng của các NHTM. Hơn nữa, hoạt động bao thanh toán quốc tế chiếm tỷ rất khiêm tốn trong cơ cấu doanh số bao thanh toán và chưa tạo nên sự hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
2.5.3.2. Số lượng khách hàng tham gia nghiệp vụ bao thanh toán còn rất khiêm tốn
Đối tượng khách hàng hiện nay sử dụng dịch vụ bao thanh toán tại các ngân hàng còn rất hạn chế. Sự nhận thức về nghiệp vụ bao thanh toán của nhân viên ngân hàng lẫn khách hàng vẫn chưa rõ ràng từ đó dẫn đến khách hàng không hiểu rõ hết giá trị của việc sử dụng nghiệp vụ này do vậy mà họ còn ngần ngại sử dụng sản phẩm này. Theo các kết quả thì khách hàng tham gia sản phẩm này chủ yếu thường là các khách hàng quen, đã từng sử dụng nghiệp vụ này hoặc có quan hệ tín dụng với ngân hàng thì mới tham gia dịch vụ này, ví dụ như tại ngân hàng VIB, số lượng khách hàng thực hiện dịch vụ này năm 2007 chỉ là 16, năm 2008 là 18, năm 2009 cũng là 18 và năm 2010 cũng chỉ được 38 khách hàng (ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương, 2011 B, trang 54). Hơn nữa các khách hàng này cũng là các doanh nghiệp lớn sản xuất kinh doanh nội địa và có uy tín rộng rãi, gắn bó lâu dài với ngân hàng; trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần vốn thì lại không tiếp cận được dịch vụ này.
2.5.3.3. Bao thanh toán tại Việt Nam chưa phát huy những ưu điểm vốn có Về cơ bản, nghiệp vụ bao thanh toán có ưu điểm riêng biệt là sự tham gia của ngân hàng vào hoạt động thương mại giữa các bên. NHTM sẽ đứng ra giám sát nhằm đảm bảo giao dịch thương mại được diễn ra suôn sẻ, người mua sẽ sớm nhận được hàng hóa và người bán sẽ thu hồi vốn sớm hơn. Trên thế giới, hoạt động bao thanh toán tăng trưởng không ngừng về doanh số và cả số lượng đơn vị cung cấp bao thanh toán trong thời gian qua (xem phụ lục 1), doanh số bao thanh toán trên thế giới đã đạt mức 2.015 tỷ euro trong năm 2011. Trong giai đoạn đầu mới xuất hiện tại Việt Nam (từ 2005 – 2008), hoạt động bao thanh toán cũng đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kể. Sau ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, hoạt động bao thanh toán đã giảm sút đáng kể do chi phí bao thanh toán tăng cao theo đà tăng của lãi suất thị trường. Trong giai đoạn này, quá trình triển khai nghiệp vụ bao thanh
toán cũng bộc lộ nhiều hạn chế xuất phát từ quản lý vĩ mô và trong chính nội bộ các ngân hàng. Điều này khiến cho các ngân hàng không chú trọng phát triển nghiệp vụ này, trong khi các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí tối đa để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Vì vậy, các ngân hàng cũng chỉ cung cấp các sản phẩm này cho các khách hàng quen mà không có biện pháp mở rộng thị trường nhằm giảm tăng trưởng nóng dư nợ tín dụng và phòng ngừa rủi ro nợ xấu; đồng thời doanh số bao thanh toán tại Việt Nam sụt giảm đáng kể từ năm 2010.
2.5.3.4. Bảo hiểm tín dụng và quỹ dự phòng bù đắp rủi ro chưa phát triển Hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam còn nhiều rủi ro vì chưa có những hỗ trợ tích cực từ quỹ dự phòng bù đắp rủi ro và dịch vụ bảo hiểm tín dụng. Bao thanh toán, cũng giống như các nghiệp vụ tín dụng khác, là loại hình kinh doanh rủi ro. Nhưng mức rủi ro so với khả năng sinh lời ở tỷ lệ nào là chấp nhận được, đó mới là vấn đề quan trọng. Cho đến nay, vẫn chưa có quỹ dự phòng bù đắp rủi ro, chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ bù đắp rủi ro cho từng loại nghiệp vụ ngân hàng và việc trích lập quỹ rủi ro như thế nào vẫn đang là vấn đề tranh cãi.