PHƯƠNG HƯỚNG MỤC TIÊU TRONG THỜI GIAN TỚI 1 Phương hướng nhiệm vụ chủ yếu

Một phần của tài liệu Chuyên đề tốt nghiệp: Đánh giá tình hình quản lý thu chi BHXH tại BHXH huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương giai đoạn 2003 đến 2010 (Trang 88)

1. Phương hướng - nhiệm vụ chủ yếu

1. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về luật BHXH, BHYT để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước ta.

2. Làm tốt công tác đối chiếu thu BHXH, kết hợp việc thanh toán các chế độ BHXH với việc đôn đốc thu, nộp BHXH, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch thu BHXH hàng năm. Tích cực khai thác các đơn vị ngoài quốc doanh, các hợp tác xã chưa tham gia BHXH.

3. Tiếp tục đôn đốc cùng các đơn vị hoàn chỉnh việc cấp sổ cho người lao động và triển khai ký bổ sung sổ đã cấp, phối hợp với các đơn vị, các xã tiếp tục tìm tòi các chứng lý để giải quyết những tồn đọng về sổ và duyệt cấp tiếp sổ cho những lao động mới ký hợp đồng lao động.

4. Thụ lý hồ sơ, giải quyết nhanh, gọn các chế độ chính sách theo đúng quy định của BHXH Việt Nam.

5. Xây dựng kế hoạch cụ thể với Kho bạc, Ngân hàng Nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn để việc thanh toán các chế độ BHXH được nhanh chóng, kịp thời. Chi trả lương hưu, trợ cấp đảm bảo an toàn, đúng kỳ, đủ số và tận tay cho các đối tượng được hưởng.

6. Tổ chức tốt việc giám định theo phân cấp của tỉnh, phối hợp tốt với bệnh viện đa khoa huyện làm tốt công tác giám định để đảm bảo quyền lợi cho người có

thẻ BHYT.

7. Tập trung triển khai hệ thống thông tin quản lý để ứng dụng vào quản lý thu - chi BHXH, đồng thời từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu của người tham gia BHXH, BHYT, phấn đấu hoàn thành sớm cơ sở dữ liệu đồng bộ phục vụ cho công tác quản lý thu - chi BHXH.

8. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ quản lý của ngành. Tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện cơ chế một cửa đảm bảo việc giải quyết các chế độ đúng luật, đúng quy trình và nhanh chóng, kịp thời.

9. Tăng cường công tác quản lý, đào tạo, tập huấn cho cán bộ nhằm nâng cao chất lượng làm việc; giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, duy trì thực hiện cơ chế dân chủ trong đơn vị.

10. Định kỳ tổng hợp và báo cáo đầy đủ về tình hình kết quả thực hiện công tác thu - chi BHXH, tình hình giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, đơn vị theo phân công quản lý với cơ quan BHXH cấp trên và các cơ quan chính quyền địa phương theo đúng quy định.

2. Giải pháp thực hiện

2.1. Biện pháp chung

-Đổi mới phương thức quản lý thu - chi BHXH bằng cách đẩy mạnh việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo quá trình thu - chi được nhanh gọn, chính xác. Hiện tại, cơ quan đã đưa một số phần mềm ứng dụng vào quản lý thu - chi BHXH như: phần mềm thu BHXH, phần mềm kế toán BHXH, phần mềm xét duyệt hồ sơ giải quyết chế độ. Các phần mềm này mới được đưa vào sử dụng do đó còn nhiều thiếu sót cần được bổ sung hoàn thiện, một số cán bộ còn chưa khai thác hết được các tính năng, cũng như còn sử dụng chưa thành thạo. Vì vậy, cần thiết thường xuyên cập nhật, chỉnh lý, bổ sung những thiếu sót đó để phần mềm được hoàn thiện hơn; đồng thời cũng cần chú ý hướng dẫn, đào tạo cán bộ chuyên môn sử

dụng phần mềm một cách thành thạo hơn. Ngoài ra, cũng cần nhanh chóng triển khai và khai thác, ứng dụng thêm các phần mềm khác như: phần mềm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản; phần mềm kế toán mới… vào công tác thu - chi BHXH giúp cho việc giải quyết các công việc được khoa học, thuận tiện hơn.

-Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu vì đối tượng tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT để phục vụ.

-Nâng cao vai trò quản lý, củng cố bộ máy cơ quan BHXH huyện vững mạnh, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức. Hàng tháng, Ban Giám đốc tiến hành đánh giá, nhận xét năng lực, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức, khen thưởng kịp thời cho những cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, phê bình nhắc nhở những biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm. Tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ các bộ, quan tâm, tạo điều kiện cho họ phấn đấu trở thành những Đảng viên ưu tú. Đồng thời thường xuyên coi trọng việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công chức, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.

2.2. Biện pháp riêng quản lý thu BHXH, BHYT

-Khảo sát nhằm dự báo, xác định tình hình quản lý, mở rộng đối tượng tham gia theo Luật BHXH. Trước hết, để đảm bảo thu đúng, thu đủ, cơ quan BHXH huyện cần xác định được đối tượng áp dụng bắt buộc tham gia BHXH theo đúng quy định của Luật BHXH. Tổ chức cho cán bộ thường xuyên tiếp cận và khảo sát tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của các đơn vị SDLĐ cả cũ và mới trên địa bàn. Từ đó, tiến hành công tác dự báo số đơn vị hoặc đối tượng tham gia mới, đôn đốc hoặc tuyên truyền, vận động các đơn vị này tham gia BHXH cho các lao động mới.

-Đẩy mạnh kết hợp các ngành liên quan trong việc phát hiện nguồn thu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH và kiểm tra thực hiện chính sách BHXH. Hàng năm, ban Giám đốc lên kế hoạch phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chính

quyền, tổ chức đoàn thể địa phương, các phòng ban, cơ quan quản lý huyện để kịp thời nắm bắt tình hình di biến động tại các đơn vị SDLĐ; tập trung khảo sát việc thực hiện chính sách BHXH, trao đổi thông tin về BHXH giữa cơ quan BHXH và đơn vị SDLĐ. Tăng cường mở rộng về phạm vi, hình thức và nội dung thông tin tuyên truyền về các chính sách, chế độ BHXH đến mọi tầng lớp nhân dân, tập trung vào các đối tượng là người lao động trong các doanh nghiệp có sử dụng dưới 10 lao động, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, người lao động làm việc hưởng lương theo hợp đồng lao động tại các hợp tác xã mới thành lập...

-Tăng cường công tác kiểm tra tại đơn vị thông qua đối chiếu định kỳ, kiểm tra của ngành và liên ngành. Ban Giám đốc lên kế hoạch cắt cử các cán bộ chuyên quản theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện quy trình thu BHXH của từng đơn vị SDLĐ; định kỳ chủ động thực hiện kiểm tra, đối chiếu tại các đơn vị SDLĐ xem xét, phân loại việc chấp hành chính sách BHXH của các đơn vị, tìm hiểu, phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH; phát hiện các sai phạm và xử lý kịp thời các hành vi cố tình vi phạm pháp luật BHXH theo quy định. Đối với các đơn vị thực sự gặp khó khăn, cơ quan BHXH lập danh sách chuyển tới cơ quan Lao động thương binh và xã hội xem xét để có biện pháp giúp đỡ tháo gỡ khó khăn, góp phần giảm dần tỷ lệ nợ đọng BHXH.

2.3. Biện pháp riêng quản lý chi trả BHXH

-Đa dạng phương thức chi trả bằng cách tổ chức triển khai hình thức chi trả qua hệ thống tài khoản ATM tại các ngân hàng. Năm 2006, BHXH Việt Nam đã ban hành Quy định quản lý, chi trả lương hưu trợ cấp hàng tháng qua tài khoản thẻ ATM. Đây là một phương thức chi trả BHXH hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của nền kinh tế hội nhập, giảm bớt việc giao dịch bằng tiền mặt, tiện lợi cho các đối tượng được hưởng. Thực hiện chủ trương này của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Hải Dương cần chỉ đạo cho BHXH huyện phối hợp với cấp uỷ, ban ngành địa phương nghiên cứu, khảo sát, tổ chức triển khai thí điểm hình thức chi trả này theo quy định của BHXH Việt Nam.

-Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả BHXH của các đại lý, các đơn vị, đảm bảo quyền lợi cho người được hưởng. Hiện nay ở BHXH huyện Ninh Giang, phương pháp chi trả BHXH chủ yếu thông qua hệ thống các đại lý hoặc các đại diện đơn vị SDLĐ, do đó cần tăng cường công tác quản lý các đại lý chi trả tại 28 xã - thị trấn và tại các đơn vị SDLĐ. Hàng năm, BHXH huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát lại đại diện chi trả, tổ chức quán triệt tầm quan trọng và trách nhiệm của đại diện chi trả, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện cam kết hợp đồng với cơ quan BHXH. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với đại lý hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm theo quy định. Đồng thời, cũng kịp thời phát hiện và xử lý nhanh chóng các vướng mắc, sai phạm còn tồn tại trong quá trình chi trả, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người được hưởng.

-Chú trọng việc hướng dẫn, tập huấn cho các đại lý, các đại diện chi trả ở các đơn vị về thủ tục, quy trình thực hiện công việc. Các đại lý chi trả ở BHXH huyện Ninh Giang chủ yếu là các cán bộ xã, thị trấn được cắt cử ký hợp đồng đại lý với cơ quan BHXH để thực hiện nhiệm vụ chi trả lương hưu và trợ cấp đến các đối tượng được hưởng trên địa bàn từng xã. Hầu hết họ chưa được bồi dưỡng kiến thức về chính sách BHXH. Vì vậy, cơ quan BHXH huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ các chính sách mới của Đảng và Nhà nước về BHXH cho các xã, thị trấn và đại diện chi trả BHXH để triển khai kịp thời cho các đối tượng hưởng hiểu và nhận thức đúng về chính sách BHXH. Đồng thời nâng cao trách nhiệm, ý thức đạo đức cho các đại lý trong quá trình chi trả BHXH, tránh các sai phạm đáng tiếc xảy ra.

- Phối kết hợp chặt chẽ với Bệnh viện đa khoa, trung tâm Y tế huyện, các trạm Y tế xã tiến hành giám định y tế theo đúng quy định, tránh thất thoát và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ giám định y tế tại các cơ sở y tế xã hay các trung tâm y tế trong huyện được chính xác, nhanh chóng tránh gây phiền hà cho người bệnh.

Một phần của tài liệu Chuyên đề tốt nghiệp: Đánh giá tình hình quản lý thu chi BHXH tại BHXH huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương giai đoạn 2003 đến 2010 (Trang 88)