Chính sách thu hút FDI của Việt nam giai đoạn 1987-

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sau khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á (Trang 40)

TIỀN TỆ CHÂ UÁ 1997 ĐẾN NAY

2.1.2.3.Chính sách thu hút FDI của Việt nam giai đoạn 1987-

Xuất phát từ chính sách đổi mới kinh tế, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 29 tháng 12 năm 1987 Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã được ban hành. Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 cam kết: đảm bảo không tịch thu, quốc hữu hoá vốn và tài sản sở hữu hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài; không quy định mức đóng góp vốn tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng mức tối thiểu không được thấp hơn 30% của tổng vốn đầu tư. Luật năm 1987 đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư ở Việt nam theo các hình thức đầu tư phổ biến trong khu vực và quốc tế (hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài). Mức thuế

cũng thấp, khoảng 15-25% tổng lợi nhuận thu được. Hơn nữa, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được miễn thuế lợi tức 2 năm kể từ khi có lãi và tiếp tục được giảm 50% ở 2 năm tiếp theo. Trong một số trường hợp đặc biệt, mức thuế lợi tức còn thấp hơn (10%) và thời gian miễn giảm thuế cũng dài hơn (4 năm). Ngoài ra, Luật còn cho phép các nhà đầu tư chuyển lợi nhuận về nước với mức thuế suất từ 5-10%.

Năm 1990, Luật đầu tư nước ngoài đã được bổ sung và sửa đổi, trong đó nổi bật là: cho phép các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần chiếm đa số vốn điều lệ được độc lập tham gia đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài (trừ trường hợp có quy định cụ thể); góp vốn không bị hạn chế mức tối đa nhưng giới hạn ở mức tối thiểu không thấp hơn 30% của vốn pháp định; các mức ưu đãi thuế được đi kèm với các điều kiện cụ thể (chuyển giao công nghệ, tỷ lệ xuất khẩu, số lượng lao động...); cho phép tính lãi suất vay vào chi phí đầu tư... Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 1990 đã điều chỉnh mức thuế lợi tức phổ biến là từ 21% đến 25%, mức ưu đãi là 15% đến 22% được dành cho các xí nghiệp có hai trong các điều kiện sau: +)Vốn pháp định ít nhất 10 triệu USD; +) Công nghệ chuuyển giao cho xí nghiệp đáp ứng được những yêu cầu về chuyển giao công nghệ nước ngoài tại Việt Nam; +) Xuất khẩu ít nhất 80% sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ thu ít nhất 80% ngoại tệ; +) Tỷ suất lợi nhuận thấp so với tỷ suất lợi nhuận chung của ngành; +) Đầu tư vào những vùng địa lý không thuận lợi; +) Đầu tư trong 5 năm đầu thực hiện luật đầu tư. Như vậy so với Luật của năm 1987, những quy định về mức thuế lợi tức năm 1990 có vẻ rườm rà hơn, tỷ lệ đánh thuế cao hơn đối với các doanh nghiệp FDI.

Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại được sửa đổi lần thứ 2 vào năm 1992. Sau 4 năm thực hiện , Luật đầu tư nước ngoài lại được bổ sung sửa đổi lần thứ 3 vào năm 1996 với các đặc điểm và sửa đổi cơ bản là: gắn các khuyến khích ưu đãi đầu tư theo định hướng phát triển của nền kinh tế; cho phép người nước ngoài góp vốn bằng VND có nguồn gốc từ ngoại tệ, đa dạng thêm các hình thức đầu tư: xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BTO); Đây là hình thức hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và các cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền để xây dựng một công trình, trong đó có nhà thầu bỏ vốn để kinh doanh và khai thác công trình trong một thời gian nhất định đủ để thu hồi vốn và lợi nhuận, sau đó chuyển giao công trình cho nhà

nước Việt Nam khi chấm dứt hợp đồng mà không đòi hỏi bất cứ khoản tiền nào. Loại hình này thường được áp dụng cho các công trình giao thông vận tải, cầu cống, cơ sở hạ tầng khác...; tăng quyền chủ động cho các doanh nghiệp; mở rộng khuyến khích lĩnh vực đầu tư (bệnh viện, đào tạo); rút ngắn thời hạn thẩm định giấy phép đầu tư; phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài và giảm nhẹ các thủ tục hành chính khác. Vào năm 1996, Luật thuế lợi tức rút gọn lại còn 3 mức: 25%, 20%, và 10% tuỳ từng đối tượng khuyến khích. Thời hạn miễn thuế lợi tức từ 2 đến 8 năm, giảm 50% thuế trong vòng hai năm tiếp theo tuỳ thuộc vào lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư. Cùng với các sửa đổi bổ sung này đã có hàng loạt các văn bản, nghị định ra đời để hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Luật.

Bên cạnh các chính sách cơ bản như đã phân tích ở trên, chính phủ Việt Nam còn áp dụng nhiều chính sách quan trọng khác đối với đầu tư nước ngoài. Cụ thể là: +) điều kiện thuận lợi bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư về chuyển giao công nghệ, khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến; +) Để đảm bảo quyền sở hữu công nghiệp cho các nhà đầu tư, chính phủ Việt nam cũng đã ban hành Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả (1994), Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (1995) với các đối tượng sau đây được bảo hộ:

sáng chế (thời hạn bảo hộ 15 năm), giải pháp hữu ích (6 năm), kiểu dáng công nghiệp (5 năm), nhãn hiệu hàng hoá (10 năm), tên gọi xuất xứ hàng hoá, chứng nhận chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14.000, .. ; +) Tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập cảnh và được phép mang theo chuyên gia, kỹ thuật viên nước ngoài vào Việt Nam. +) Chính phủ có những quy định về mức lương tối thiểu của lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nâng cao hơn mức độ tự do trong việc tuyển dụng người làm việc cho các công ty nuớc ngoài. Được phép điều chỉnh lương cho người lao động khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 10% trở lên; +) Thực hiện việc giảm bớt thời hạn cấp giấy phép đầu tư và thực hiện chính sách quản lý theo nguyên tắc “một cửa”, rút dần thời hạn cấp giấy phép từ 90 ngày (1987) xuống 30 ngày (2000), thậm chí chỉ còn 15 ngày ở 1 số khu công nghiệp, khu chế xuất; +) Chế độ phân cấp đầu tư ngày càng gọn nhẹ. Kể từ quyết định 233/1998/ QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ đã thực hiện việc phân cấp toàn diện trong tất cả các khâu từ cấp mới giấy phép, điều chỉnh bổ sung giấy phép, quản lý hoạt động của các dự án trên địa bàn cho rất cả các Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Theo quyết định này, các

tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương được phân cấp tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và cấp phép dự án có quy mô không quá 5 triệu USD (riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 10 triệu USD), trừ một số trường hợp như các dự án thuộc nhóm A, các dự án thuộc lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, sản xuất điện, xi măng, xây dựng cảng biển, sân bay, đường quốc lộ. Quyền phân cấp dự án được mở rộng cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo quy định, ban quản lý KCN, KCX được quyền thẩm định và cấp phép đầu tư với các dự án quy mô không vượt quá 40 triệu USD, được tự quyết định cấp giấy phép đầu tư cho các dự án không vượt quá 5 triệu USD.

Ngoài các chính sách trên, ổn định chính trị là yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy FDI vào Việt Nam. Sự ổn định chính trị đã giúp các nhà đầu tư nước ngoài tính toán và dự báo được xu thế đầu tư của họ trong thời gian lâu dài nhất, tránh những xáo động gây tâm lý không an tâm và không dám đầu tư lớn, đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sau khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á (Trang 40)