Bối cảnh trong nước

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sau khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á (Trang 80 - 85)

TRONG THỜI GIAN TỚ

3.1.1.2. Bối cảnh trong nước

Sau 20 năm đổi mới, Việt Nam đã tạo dựng được thế và lực mới để bước vào thời kỳ phát triển mới. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng gặp phải những thách thức không nhỏ. Những thuận lợi và thách thức cơ bản của Việt Nam trong những năm tới là:

* Thuận lợi:

Thứ nhất, Việt Nam đã tạo dựng được những tiền đề phát triển kinh tế xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Những tiền đề đó trước hết phải kể đến là sự ổn định chính trị và xã hội trong suốt thời kỳ đổi mới; thiết lập các cơ chế chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút nguồn lực phát triển; tăng khả năng huy động các nguồn lực trong toàn xã hội; cải thiện rõ rệt các cân đối lớn trong nền kinh tế. Tỷ lệ tiết kiệm trong nước đã tăng từ 2,9% GDP năm 1990 lên 18,2% GDP năm 1995, 29,8% GDP năm 2005. Tỷ lệ huy động vốn ngân sách nhà nước so với GDP tăng từ 15,1% năm 1990 lên 20% năm 1995 và 25% năm 2005. Vốn đầu tư phát triển chiếm 17,3% GDP năm 1990, tăng lên 28% GDP năm 2000 và 38,9% năm 2005. Nguồn vốn trong nước đã được khai thác tốt hơn, vì vậy đã tăng khả năng tập trung đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, phát

triển con người, phát triển khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng. Thể chế kinh tế thị trường đã từng bước được hình thành, hệ thống pháp luật về kinh tế dần dần được hoàn thiện, đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ hai, Việt Nam đã đạt được sự chuyển dịch cơ cấu nhanh chóng theo hướng phát huy lợi thế so sánh trong từng ngành, từng vùng, phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP đã giảm từ 38,1% năm 1990 xuống 27,2% năm 1995, 24,5% năm 2000 và 20,9% năm 2005. Công nghiệp và xây dựng từ 22,7% năm 1990 lên 36,7% năm 2000 và 41,0% năm 2005; Dịch vụ tăng từ 38,6% năm 1990 lên 44% năm 1995, 38,8% năm 2000 và 38,1% năm 2005.Từ một nước nông nghiệp nghèo đói, phải nhập khẩu gạo trong những năm cuối thập niên 80, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước giải quyết tốt vấn đề lương thực cho mọi người dân và còn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp không nhanh bằng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (đạt 4,2% trong giai đoạn 1990-2000), nhưng năng suất nông nghiệp đã đạt rất cao. Gạo, cà phê, chè, cao su đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao và chiếm vị trí quan trọng trên thị trường thế giới. Trong ngành công nghiệp, Việt Nam đã hình thành được những nền tảng công nghiệp cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp chế biến đã chiếm tới trên 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và 20,2% GDP vào năm 2002. Nhiều ngành công nghiệp chủ lực đã hình thành như khai thác dầu khí, chế biến thực phẩm, dệt may, giày da, sản xuất hoá chất, chế biến cao su, chất dẻo... Bên cạnh đó, cũng bước đầu hình thành các ngành công nghệ cao như sản xuất ô tô, thiết bị chính xác, máy móc điện tử và viễn thông, máy tính, máy văn phòng... Nhờ có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại và những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng một nước nghèo, lạc hậu, trở thành một quốc gia có tốc độ công nghiệp hoá đạt mức nhanh trong nhóm nước đang phát triển.

Bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu ngành, vai trò kinh tế vùng đã được coi trọng, trong đó 3 vùng kinh tế trọng điểm đã bước đầu phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình, nhờ đó tăng trưởng khá, đóng góp tới 50% GDP của cả nước trong thời kỳ 1996-2000 và 63,1% GDP của cả nước trong năm 2005; đóng góp

khoảng 70% giá trị gia tăng công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu và 73% nguồn thu ngân sách.

Cơ cấu lao động cũng được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động sản xuất nông nghiệp từ 73% năm 1990 xuống 56,8% năm 2005, tăng tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp từ 11,2% năm 1990 lên 17,9% năm 2005; và dịch vụ từ 17,5% năm 1990 lên 25,3% năm 2005. Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển và có những vai trò quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế.

Thứ ba, Việt Nam đã rất thành công trong việc mở cửa kinh tế, phá bỏ được sự bao vây cấm vận kinh tế thương mại, từng bước hội nhập vững chắc vào nền kinh tế thế giới.

Đường lối đối ngoại “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” đã tạo điều kiện cho Việt nam mở rộng quan hệ đối ngoại, thương mại và đầu tư với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam đã tích luỹ được những kinh nghiệm và kiến thức trong đàm phán song phương, đa phương và các vòng đàm phán quốc tế. Việt Nam cũng đã tranh thủ được những lợi thế và uy tín của mình trong khu vực và trên thế giới để nâng cao vai trò và sức cạnh tranh trong quan hệ quốc tế. Đây là một điều kiện thuận lợi mà không phải bất cứ một nước đang phát triển nào khi mới hội nhập đều có. Đặc biệt, vào năm 2006, sau 11 năm đàm phán, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC tổ chức vào tháng 11 vừa qua, đánh dấu bước hội nhập sâu hơn nữa của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, tạo điều kiện mở rộng sân chơi cho các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao vị trí của nước ta trên trường quốc tế.

Thứ tư, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và xoá đói giảm nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế đã giảm mạnh hơn trong một thập kỷ qua, từ 58% năm 1993 xuống 37,4% năm 1998 và 24,1% năm 2004. Công tác chăm sóc sức khoẻ của người dân được cải thiện mạnh mẽ. Chỉ số phát triển con người không ngừng được cải thiện. Tuổi thọ bình quân đạt 71,3 tuổi, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 25% năm 2005; Việt Nam được đánh giá là nước đã chú ý hiệu quả đến việc phát triển kinh tế kết hợp với công bằng xã hội, đưa thành quả phát triển kinh tế trong 20 năm qua đến mọi người dân trong cả nước.

Thứ năm, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, điều này tạo cơ hội rất lớn để Việt Nam nâng cao uy tín trên trường quốc tế.

Những diễn biến hội nhập với việc tổ chức thành công hội nghị APEC và gia nhập WTO vào cuối năm 2006 của Việt Nam cho thấy, Việt Nam đang trở thành điểm nóng của châu Á trong năm nay. Đầu tư nước ngoài đổ vào Việt nam ngày càng nhiều hơn, thị trường chứng khoán trở lên sôi động chưa từng có. Sau 11 năm nỗ lực đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã nhận được tấm thẻ để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Với thị trường ngày càng rộng mở, đối tác kinh tế ngày càng đa dạng khi gia nhập WTO, nhiều nghiên cứu đánh giá Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để bước vào giai đoạn phát triển mới, tăng tốc hơn, chất lượng hơn và mang tính cạnh tranh nhiều hơn.

* Khó khăn:

Một là, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, quy mô của nền kinh tế còn nhỏ bé.

Tăng trưởng kinh tế trong những năm qua chủ yếu dựa vào các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng, với những ngành, những sản phẩm truyền thống, công nghệ thấp, tiêu hao nhiều nguyên liệu, chưa đi mạnh vào chất lượng, còn phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư và bảo hộ, bao cấp. Trong nông nghiệp còn phát triển mang nặng tính tự phát, chưa bền vững. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu nên hiệu quả còn thấp. Công nghiệp tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở các ngành mang tính gia công như may mặc, giày da, chế biến gỗ... Những ngành có giá trị gia tăng còn thấp và công nghiệp phụ trợ chưa phát triển hoàn thiện. Lĩnh vực dịch vụ còn manh mún, chưa hiện đại, chi phí cao, nhiều loại hình dịch vụ không đồng bộ và kém ổn định.

Xét về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảng 2 cho thấy năm 1997 kinh tế Việt Nam xếp thứ 49 trên 53, đến năm 1998 được nâng lên thứ 39 trong số 53 nước, năm 1999 tụt xuống đứng thứ 48 trong số 59 nước, năm 2000 tiếp tục tụt xuống đứng thứ 53 trong số 59 nước, năm 2001 tụt nữa xuống thứ 60 trong số 75 nước, năm 2002 tiếp tục tụt xa hơn đứng thứ 65 trong số 80 nước, rồi năm 2003 xếp thứ 60/102, năm 2004 xếp 77/104 và năm 2005 xếp thứ 81 trên 117 nước. Tình hình xếp hạng năng lực cạnh tranh của kinh tế nước ta so với các nước khác và của các doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng tụt hạng tương tự.

Quy mô kinh tế của nước ta cũng rất nhỏ bé. Năm 2005, GDP ước đạt 53 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người khoảng 640 USD, còn rất thấp và chưa ra khỏi nhóm các nước có mức thu nhập thấp. Mặc dù đạt được mức tăng trưởng kinh tế khá cao trong suốt 20 năm đổi mới, nhưng với quy mô kinh tế nhỏ bé như vậy thì nguy cơ tụt hậu về kinh tế giữa nước ta và các nước phát triển trong khu vực còn khá lớn.

Hai là, các tiền đề cho phát triển kinh tế, xã hội vẫn còn yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu.

Những yếu kém này trước hết thể hiện ở những mất cân đối kinh tế vĩ mô. Tích luỹ của nền kinh tế còn thấp, sử dụng nguồn lực còn lãng phí, chính sách tiền tệ còn nhiều hạn chế chưa tạo lập được những thể chế thị trường tài chính – tiền tệ một cách chủ động. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của nước ta tuy đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng nhìn chung còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, cơ cấu giáo dục đào tạo còn bất hợp lý. Cải cách hành chính, thể chế còn diễn ra chậm, chưa phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Ba là, tiến trình hội nhập quốc tế còn diễn ra chậm, khiến nước ta bỏ lỡ nhiều cơ hội khi tham gia vào quá trình khu vực hoá và toàn cầu hoá. Thách thức đặt ra là làm thế nào vừa tham gia tích cực vào xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hoá, vừa giữ vững được độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Đây là điều không đơn giản bởi vì kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn rất yếu ớt, hệ thống quản lý chứa đựng nhiều yếu kém. Giải pháp rõ ràng không phải là rút vào thế cô lập, mà là tiếp tục những bước đi cải cách theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường mở, xác định rõ hơn vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, điều chỉnh những thiếu sót của mối quan hệ giữa quản lý hành chính và quản lý kinh tế, tối thiểu hoá hệ thống quan liêu, bao cấp, tăng cường thực hiện phương pháp quản lý dựa trên những yếu tố kích thích kinh tế (thông qua thuế, lãi suất, giá cả, tỷ giá hối đoái…), xây dựng thể chế kinh tế xã hội phù hợp với tiến trình cải cách, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh hơn nữa…

Bốn là, việc kết hợp phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội còn nhiều hạn chế. Nghèo khổ, bất bình đẳng và phân phối lại thu nhập là những thách thức cơ bản trong quá trình toàn cầu hoá, bao gồm cả những bất bình đẳng

trong một quốc gia và giữa các quốc gia. Việt Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng và sự phát triển mất cân đối về xã hội và môi trường như tệ nạn xã hội, nghiện hút, văn hoá không lành mạnh, tội phạm… Việt Nam cần thực hiện một chính sách nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, trong đó vừa duy trì sự tăng trưởng kinh tế cao vừa đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Nhưng để khắc phục vấn đề này, Việt Nam còn phải đối mặt với hai thách thức cơ bản khác: đó là việc duy trì một tỷ lệ tiết kiệm hợp lý đi đôi với việc cân đối mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển.

Năm là, gia nhập WTO Việt Nam cũng gặp phải nhiều thách thức cần tháo gỡ kịp thời, hiệu quả. Thách thức trước hết là tự do hoá nền kinh tế, cải cách và

cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh trong nước và xây dựng đầy đủ các loại thị trường trong nền kinh tế. Tiếp đó, gia nhập WTO, Việt Nam cũng cần phải chú trọng nhiều hơn nữa đến việc đào tạo nguồn nhân lực mang tính cạnh tranh, kỹ năng cao. Hội nhập với sân chơi chung của toàn thế giới, hàng hoá của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt ngay cả trên thị trường nội địa, mọi sự bảo hộ trước đây đều phải dỡ bỏ. Nguy cơ phá sản doanh nghiệp, hàng hoá kém chất lượng cạnh tranh, thị trường nội địa chịu sự khống chế của các công ty xuyên quốc gia là hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn bao giờ hết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tính hiệu quả của nền kinh tế và thể chế kinh tế thị trường là yêu cầu cấp thiết của chính phủ để hạn chế những thách thức khi gia nhập WTO.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sau khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á (Trang 80 - 85)