Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật ATVSLĐ nhằm kịp thời thể
chế hoá mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện qua các văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 vào trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án để triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về vai trò của NLĐ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trước mắt, sửa đổi, bổ sung các quy định về ATVSLĐ theo tinh thần huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho công tác ATVSLĐ, khuyến khích các dịch vụ ATVSLĐ; phân công và giao trách nhiệm xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ đối với các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, phương tiện bảo vệ cá
nhân và các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ cao; thực hiện có hiệu quả các nội dung hoạt động của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015 và xây dựng các chương trình phòng ngừa TNLĐ, BNN; tăng Cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATLĐ, VSLĐ và lực lượng thanh tra lao động có chuyên môn để tiến hành thanh tra, kiểm tra về ATLĐ, VSLĐ và điều tra TNLĐ; xử lý, kỷ luật, tổ chức điều tra và đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết nhiều người, TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm theo quy định của pháp luật; kịp thời khen thưởng, biểu dương những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác ATLĐ, VSLĐ.
Thứ hai, về dài hạn cần khẩn trương xây dựng và ban hành Luật ATVSLĐ
Về nội dung ATVSLĐ, Bộ luật Lao động còn chưa quy định rõ quyền, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Nội dung chủ yếu chỉ tập trung vào những yêu cầu đối với NSDLĐ, NLĐ, các cơ quan quản lý, chưa quy định đầy đủ và rõ ràng về các hoạt động cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực kiểm định, tư vấn, huấn luyện (từ điều kiện thành lập, phương thức tổ chức hoạt động đến kiểm soát). Một số nội dung này đang nằm rải rác trong các văn bản pháp luật liên quan khác, như Luật Hóa chất, các nghị định quy định về kinh doanh có điều kiện,… Các quy định về kỹ thuật này hiện có nhiều văn bản khác điều chỉnh như Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Chất Hoá chất, Luật Bảo vệ môi trường… nên đang tạo ra sự phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện. Nhiều nội dung quan trọng khác về ATVSLĐ chưa được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012. Vì vậy, phải có một luật riêng để bao phủ các quy định như tổ chức quản lý công tác ATVSLĐ; việc quản lý các cơ sở, cá nhân sản xuất, chế tạo các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; quỹ bồi thường, trợ cấp TNLĐ (TNLĐ), BNN (BNN); văn hóa phòng ngừa TNLĐ, BNN; cơ chế hoạt động của các cơ sở dịch vụ ATVSLĐ; lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ.
Thứ ba, gia nhập, ký kết các Công ước quốc tế của ILO về ATVSLĐ nhằm đưa vấn đề ATVSLĐ trở thành một vấn đề ưu tiên cao nhất trong các chương trình nghị sự quốc gia. Ngoài ra ATVSLĐ cũng được lồng vào các chính sách có liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và dần trở thành một trong những yêu cầu phải thực hiện đối với quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Việt Nam đã phê chuẩn công ước số 155 và sắp tới là công ước 187 sẽ là cơ sở vững chắc để tiếp tục thực hiện và tăng cường công tác bảo vệ sức khoẻ và tính mạng cho NLĐ, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.