Ngày 10/10/2001, Việt Nam gia nhập Công ước Viên về luật các Điều ước quốc tế năm 1969, Điều 26 Công ước về luật các Điều ước quốc tế năm 1969 quy định, các quốc gia gia nhập áp dụng nguyên tắc pacta sunt servanda “Mọi điều ước đã có hiệu lực đều ràng buộc các bên tham gia và phải được các bên thi hành với thiện chí”. Theo đó, Việt Nam phải thực hiện một cách tận tâm, đầy đủ, thiện chí và trung thực nghĩa vụ phát sinh từ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam không được viện dẫn những lý do không chính đáng để từ chối thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nguyên tắc pacta sunt servanda cũng được thể hiện trong Luật về ký kết, gia nhập và thực hiện các Điều ước quốc tế năm 2005, trong đó quy định: Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế [50]. Đồng thời, căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc
tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó [50].
Tổ chức Lao động quốc tế, với mục tiêu thúc đẩy công bằng xã hội và bảo vệ các quyền lao động và quyền con người và xây dựng các tiêu chuẩn lao động quốc tế thông qua hình thức các Công ước và Nghị quyết. Đến nay, ILO đã thông qua tổng cộng 187 Công ước và 197 khuyến nghị. Trong số các Công ước trên, có 26 Công ước và khoảng 15 khuyến nghị liên quan nhiều đến ATVSLĐ. Từ năm 1980 khi Việt Nam là thành viên của ILO đến năm 2012, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 19 công ước của ILO. Về lĩnh vực ATVSLĐ, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số 155 về ATLĐ, VSLĐ và môi trường làm việc của ILO ngày 3/10/1994. Các công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn hoặc gia nhập được Việt Nam tôn trọng và pháp điển hóa trong các quy định pháp luật.
Gần đây nhất, Việt Nam đã tham dự chương trình nghị sự về ATVSLĐ tại phiên họp Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 95 tại Giơ-ne-vơ 31/5 – 16/6/2006 để bỏ phiếu thông qua Công ước số 187 và Khuyến nghị 197 về cơ chế thúc đẩy ATVSLĐ. Phê chuẩn Công ước 187 trong thời gian tới giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách về ATVSLĐ, thúc đẩy quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Việc Việt Nam đã phê chuẩn công ước số 155 và sắp tới là công ước 187 sẽ là cơ sở vững chắc để tiếp tục thực hiện và tăng cường công tác bảo vệ sức khoẻ và tính mạng cho NLĐ, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngày 07/11/2006, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (sau đây viết tắt là WTO). Đây là tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu, Việt Nam gia nhập WTO đặt ra những vấn đề
mới cho công tác ATVSLĐ. Hoạt động của tổ chức này được điều tiết bởi 16 Hiệp định chính, trong đó liên quan đến lĩnh vực ATVSLĐ là Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT). Đối tượng của TBT là các qui định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình đánh giá sự phù hợp liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Để phù hợp với các quy định của WTO, ngày 26/5/2005, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/2005/QĐ-TTg về việc tổ chức hoạt động của mạng lưới cơ quan thông báo và hỏi đáp, trong đó đầu mối Văn phòng TBT Việt Nam đặt tại Bộ Khoa học – Công nghệ và các điểm hỏi đáp cấp Bộ và cấp tỉnh. Đồng thời Chính phủ cũng đã có Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 26/5/2005 phê duyệt “Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại”, đồng thời gấp rút hoàn thiện xây dựng Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 để chuẩn bị cho việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO, bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT.
Liên quan đến vấn đề ATVSLĐ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành các công việc như: Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật hàng hoá có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ và kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá đặc thù đáp ứng các yêu cầu, nguyên tắc thực thi Hiệp định TBT; Chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho cho điểm Thông báo và Hỏi đáp TBT; Tuyên truyền nâng cao nhận thức trong hội nhập WTO.