Đổi mới công tác sử dụng đội ngũ giáo viên

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giáo viên theo chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề của trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ 19-5 Bắc Giang (Trang 87)

3.2.4.1. Mục tiêu biện pháp

Sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại giáo viên theo Chuẩn để sử dụng đội ngũ giáo viên sẽ đạt được các mục tiêu:

- Phân công, bố trí nhiệm vụ đúng năng lực của người giáo viên, nhằm phát huy được năng lực của giáo viên đồng thời đảm bảo sự hoàn thành của công việc và cũng đảm bảo được khối nhất trí trong Nhà trường. Như vậy, việc phân công nhiệm vụ cần phát huy được tối đa năng lực và hạn chế những mặt yếu của từng giáo viên.

- Sử dụng đi đôi với sàng lọc. Đối với những giáo viên có năng lực chuyên môn, có ý thức xây dựng nhà trường, xây dựng tập thể, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt

và có ý chí phấn đấu cần được chú ý bồi dưỡng, sắp xếp để phát huy tác dụng và khả năng của những giáo viên đó. Đối với giáo viên sa sút về phẩm chất, năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, bản thân không biết tự học, tự rèn luyện để vươn lên thì có những biện pháp quản lý tác động kịp thời.

Tất cả các mục tiêu trên sẽ giúp giáo viên tự rèn luyện để nâng cao năng lực đạt được các yêu cầu của Chuẩn cũng đồng thời các yêu cầu của giáo viên dạy nghề mà Nhà trường mong muốn.

3.2.4.2. Nội dung biện pháp

Phân công, bố trí giáo viên trong Nhà trường là quyền hạn và trách nhiệm của người hiệu trưởng. Đó chính là việc sắp xếp bố trí giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giảng dạy các lớp và các công việc kiêm nhiệm khác. Sự phân công hợp lý sẽ phát huy tối đa tiềm năng của nguồn nhân lực, ngược lại bố trí không hợp lý sẽ giảm chất lượng công việc gây cản trở cho việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của Nhà trường.

Đảm bảo tính pháp lý trong phân công, bố trí công việc cần nghiên cứu, quá triệt thực hiện Luật lao động, Quy chế, Điều lệ Trường, các văn bản quy phạm, các thông tư, hướng dẫn của các Bộ, ban ngành liên quan như: Thông tư số 30/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động thương binh và Xã hội; Hướng dẫn số 1329/TCDN-GV của Tổng cục dạy nghề, Thông tư số 02/2002/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động Thương binh và Xã hội.

Sau mỗi năm học đều tổ chức đánh giá theo Chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề. Với kết quả đánh giá, xếp loại đã được công khai cho toàn bộ đội ngũ giáo viên, Hiệu trưởng căn cứ vào năng lực cụ thể của mỗi cán bộ giáo viên để phân công các nhiệm vụ đảm đương (công tác quản lý, chủ nhiệm, giảng dạy...). Việc dự kiến phân công nhiệm vụ cũng được công khai cho toàn bộ cán bộ giáo viên trong Nhà trường.

Hiệu trưởng cần cho CBGV được biết tất cả các văn bản pháp luật quy định về chế độ tiền lương, khen thưởng cũng như kỷ luật đang được áp dụng trong Nhà trường giúp giáo viên thấy rõ quyền lợi gắn liền với trách nhiệm của bản thân mình trong tập thể Nhà trường.

3.2.4.3. Cách thức thực hiện

Tổ chức cho giáo viên học tập các văn bản pháp luật, quy chế chuyên môn thật đầy đủ và nghiêm túc. Kế hoạch phát triển nhân sự phải căn cứ lý luận về quản lý nhân sự và thực trạng đội ngũ giáo viên đồng thời cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào thực tiễn cụ thể, phải công khai và có các yêu cầu cụ thể đối với đội ngũ giáo viên.

Tổ trưởng và các thành viên tổ dự kiến phân công căn cứ vào kế hoạch của hiệu trưởng. Hiệu trưởng tiếp nhận dự kiến của tổ, xem xét lực lượng giảng dạy các khối, các lớp, các công tác khác để điều chỉnh ra quyết định cuối cùng. Trong việc phân công phải kích thích năng lực chuyên môn của giáo viên, có xem xét đến nguyện vọng cá nhân, cũng như tính liên tục theo lớp để giáo viên nắm bắt được học sinh. Tin tưởng vào khả năng vươn lên của giáo viên, không định kiến, quan tâm đến hoàn cảnh, nguyện vọng của giáo viên và kết hợp hài hoà lợi ích chung của Trường

Phân công giảng dạy cho giáo viên phải đúng chuyên môn đào tạo, phải tính đến năng lực của giáo viên với các đối tượng học sinh và mặt bằng trong nhà trường. Đồng thời mỗi khối, lớp có giáo viên giỏi, khá, trung bình để giúp đỡ nhau tạo sự cân bằng trong giảng dạy, có ưu tiên trọng điểm cho các lớp chất lượng cao của trường, lựa chọn giáo viên có năng lực mới phân công giảng dạy ở các lớp nâng cao, các lớp ôn thi HSG.

Về công tác chủ nhiệm, trên cơ sở nắm bắt năng lực của mỗi giáo viên, số lượng các lớp, đặc điểm từng lớp, hiệu trưởng trực tiếp phân công công tác tác chủ nhiệm cho giáo viên. Ngoài các công tác trên, hiệu trưởng tiếp tục phân công công tác kiêm nhiệm khác như tổ trưởng, khối trưởng chủ nhiệm, các hoạt động đoàn thể căn cứ vào nhu cầu công tác, năng lực của giáo viên.

Đối với những giáo viên không đủ năng lực giảng dạy, giáo dục và hiệu quả giảng dạy quá thấp hoặc thiếu trách nhiệm, không tâm huyết với nghề thì chuyển cho làm công tác khác, hoặc có đủ điều kiện thì cho về hưu sớm theo chế độ chính sách của nhà nước. Nếu tiếp tục sử dụng đội ngũ này trong công tác giảng dạy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục, làm mất uy tín của đội ngũ giáo viên với học sinh, phụ huynh học sinh và với xã hội. Làm cho mục tiêu giáo dục đề ra không đạt được.

Trong phạm vi quy định và điều kiện có thể về tài chính. Hiệu trưởng cần chú trọng xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ hợp lý về vật chất, tinh thần nhằm ổn định, phát triển đội ngũ đặc biệt là đội ngũ giáo viên giỏi.

3.2.4.4. Mục tiêu cần đạt

+ Dựa vào năng lực giáo viên được thể hiện ở kết quả đánh giá theo Chuẩn, phân công giảng dạy phù hợp chuyên môn đào tạo, đảm bảo định mức quy định.

+ Phân công phù hợp năng lực, không quá sức và khai thác được tối đa tiềm năng đội ngũ.

+ Đảm bảo tính động viên và kích thích được đội ngũ phát triển.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giáo viên theo chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề của trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ 19-5 Bắc Giang (Trang 87)