Đặc điểm tình hình địa phương

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giáo viên theo chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề của trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ 19-5 Bắc Giang (Trang 41)

2.1.1.1. Vị trí địa lý

Thành phố Bắc Giang - Là địa danh lịch sử, xưa thuộc Bộ Vũ Ninh... là trấn thứ tư, trong bốn kinh trấn và đứng đầu phên dậu phía Bắc của quốc gia Đại Việt, có vị trí quân sự trọng yếu gắn liền với chiến thắng Xương Giang vẻ vang, muôn thủa còn truyền ...

Thành phố Bắc Giang là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh Bắc Giang, nằm ở tọa độ 21009’ - 21015’ vĩ độ bắc và 106007’ - 106020’ kinh độ đông; phía Bắc giáp huyện Tân Yên; phía Đông giáp huyện Lạng Giang; phía Nam giáp huyện Yên Dũng; phía Tây giáp huyện Việt Yên; diện tích tự nhiên 66,64 km2, gồm 16 đơn vị hành chính (7 phường, 9 xã); dân số 148.172 nhân khẩu, trong đó khu vực thành thị 70.019, khu vực nông thôn 78.153 (số liệu Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2011) và nhiều các cơ quan Trung ương, quân đội, các cơ quan của tỉnh, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Với vị trí rất thuận lợi về giao thông, cách thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, ở vị trí trung lộ trên tuyến giao thông huyết mạch (đường bộ, đường sắt liên vận quốc tế) nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Lạng Sơn và cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng; ở vào vị trí đầu mối giao thông cấp liên vùng quan trọng: nằm cận kề vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có hệ thống đường bộ gồm các quốc lộ 1A cũ và mới, 31, 37, tỉnh lộ 398; các tuyến đường sắt: Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Kép - Hạ Long, Hà Nội - Kép - Thái Nguyên chạy qua; có tuyến đường sông nối thành phố với các trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch lớn như Phả Lại, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Yên Tử, Hải Phòng; tiếp cận thuận lợi với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng nội địa Gia Lâm, cảng nước sâu Cái Lân, cảng Hải Phòng và các cửa khẩu

quốc tế trên biên giới Lạng Sơn.

Thành phố Bắc Giang trước kia và nay được biết đến với vai trò là một trong những trung tâm lớn của vùng về công nghiệp đạm - hoá chất, công nghiệp may mặc, đồng thời là trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc cho miền Bắc, cũng như là nơi tập kết các sản phẩm nội địa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thành phố có các làng nghề truyền thống như bánh đa Kế, Mỳ Chũ, rượu làng Vân, Bánh đa Thổ Hà và một số làng nghề nhỏ lẻ khác chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, một số cụm công nghiệp vừa và nhỏ gắn với hệ thống các khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh liền kề thành phố như: Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng... đó những thuận lợi cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội và đô thị.

2.1.1.2. Điều kiện kinh tế

Với lợi thế về vị trí địa lý, đầu mối giao thông liên vùng, trong những năm qua hoạt động thương mại - dịch vụ thành phố Bắc Giang liên tục phát triển, tiếp cận với nền kinh tế thị trường và thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,5%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2008 đạt 9.153 tỷ đồng. Các loại hình thương mại - dịch vụ ngoài quốc doanh không ngừng tăng, năm 2008 thành phố có 5.779 doanh nghiệp, hộ kinh doanh (tăng 612 cơ sở so năm 2005), với tổng số vốn trên 2.700 tỷ đồng. Hoạt động Tài chính - Ngân hàng và một số ngành dịch vụ: Giao thông - Vận tải, Bưu chính - Viễn thông, các dịch vụ phục vụ phát triển Công nghiệp - TTCN, Nông nghiệp... ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Cơ sơ hạ tầng thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư; đã xây dựng, đưa vào sử dụng 01 chợ trung tâm (chợ Thương) và 05 chợ khu vực (chợ Kế, chợ Hà Vị, chợ Đa Mai, chợ Tiền Môn và chợ Quán Thành) với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Các công trình điểm vui chơi, trung tâm thương mại, siêu thị, trụ sở ngân hàng... được đầu tư xây dựng mới, tạo bộ mặt đô thị khang trang và nếp sống văn minh thương mại của người dân thành phố. Sản xuất CN-TTCN tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,05%. Giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn năm 2008 đạt 1.150 tỷ đồng, tăng 56% so năm 2005. Đã và đang triển khai 10 cụm và điểm công nghiệp, diện tích 152,3ha (trong đó xây dựng và lấp đầy cụm CN Thọ Xương, cụm CN Dĩnh Kế, cụm

CN số 2 Xương Giang, điểm công nghiệp Dĩnh Kế); thu hút 52 doanh nghiệp vào đầu tư với tổng vốn trên 250 tỷ đồng; ngoài ra đã thu hút 33 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn thành phố với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Ngành nghề truyền thống được quan tâm và phát triển, triển khai xây dựng thương hiệu mỳ Kế (xã Dĩnh Kế). Trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.

Trên cơ sở Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2007 - 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu đặt ra là xây dựng thành phố Bắc Giang phát triển nhanh, có trọng tâm và bền vững, phấn đấu đưa nhịp độ tăng trưởng đạt 19,6%/năm giai đoạn 2006 - 2010; khoảng 17,4%/năm giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: Thương mại - Dịch vụ - Công nghiệp và Xây dựng - Nông nghiệp - Thủy sản; đời sống của người dân được nâng cao; kết cấu hạ tầng đô thị từng bước đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại.

2.1.1.3. Về văn hóa - giáo dục

Lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được quan tâm. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được chú trọng theo phương châm 3 hoá (xã hội hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá), tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 91,2%, có 42/52 trường chuẩn Quốc gia (đạt 73%), 16/16 phường, xã đều có trung tâm học tập cộng đồng, chất lượng giáo dục luôn duy trì vị trí tốp đầu của tỉnh. Công tác đào tạo, dạy nghề được quan tâm và có nhiều chuyển biến; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2008 đạt 36,1%. Hiện trên địa bàn thành phố có 8 ngành đào tạo học nghề với 15 trường Trung học chuyên nghiệp; trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề; giáo dục thường xuyên và cao đẳng... mỗi năm có hơn 16.000 học sinh, sinh viên được đào tạo.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giáo viên theo chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề của trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ 19-5 Bắc Giang (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)