Phân tích mối quan hệ giữa ngụy biện và mạch lạc trong (L4)

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa mạch lạc và ngụy biện trong lập luận (trên tư liệu báo chí (Trang 65)

6) Bố cục luận văn

2.4.3.Phân tích mối quan hệ giữa ngụy biện và mạch lạc trong (L4)

Qua phân tích ngữ cảnh trên, ta thấy (L4) nằm trong một đối thoại cân nhắc: trong đó hội thoại cần đưa ra được một (phương thức) hành động cụ thể. Hành động được đưa ra ở đây là không phát sóng hình ảnh “hủy hoại bánh xèo” hoặc “đừng xem Vua đầu bếp nữa.” Tại sao phải thực hiện việc đó, tác giả đã giải thích một phần trong (L4).

Trong (L4), tác giả mở đầu bằng việc kể một câu chuyện “đau đớn” về những đứa trẻ vùng cao thiếu thốn thực phẩm, đến mức những viên kẹo được vãi ra cũng thành đại tiệc với chúng. Nhưng việc thiếu ăn của trẻ em vùng cao thì không quan thiết với việc đổ bánh xèo trong một cuộc thi. Bởi việc thiếu ăn của trẻ vùng cao thuộc về vấn đề thu nhập, kinh tế, phân phối thực phẩm; trong khi đó việc đổ một đĩa bánh xèo thuộc về vấn đề chất lượng sản phẩm của một cuộc thi, sự thu hút của một chương trình truyền hình; đó là hai việc hoàn không liên quan. Thêm nữa, một đĩa bánh xèo thì không thể trực tiếp giải quyết vấn đề thiếu lương thực của trẻ em vùng cao.

Như vậy, việc tác giả đưa hình ảnh trẻ em vùng cao ở đây chỉ là một chiến thuật xảo biện, nhằm tạo ra sự thương cảm ở người đọc, qua đó tạo sự chỉ trích hành động đổ bánh xèo của giám khảo Luke Nguyễn. Xét từ góc độ hội thoại, thì (L4) đã không đạt được mục đích hội thoại vì không thể cân nhắc hành động dựa vào một tiền đề không quan thiết. Vì thế, (L4) là một lập luận ngụy biện viện dẫn lòng thương cảm.

Quay lại với mạch lạc ở (L4). (L4) gồm ba câu, trong đó hai câu đầu thuật lại một sự kiện đau đớn về việc thiếu thốn của trẻ em vùng cao, và câu cuối cùng đặt ra một câu hỏi tu từ “Những em bé này có nuốt nước miếng khi nhìn thấy đĩa bánh xèo bị vứt vào thùng rác?”. Luận cứ này có vẻ là mạch lạc, thông qua phép liên kết thế đại từ “những em bé này” thể hiện việc tác

giả phát triển chủ đề, từ chủ đề sự thiếu thực phẩm của trẻ em đến chủ đề việc đổ bánh xèo vào thùng rác trong chương trình Vua đầu bếp. Tác giả còn sử dụng các cặp từ mang đối lập “phẫn nộ” - “đau đớn”, “nhỏ nhoi” – bữa đại tiệc”, “nuốt nước miếng”- “ném vào thùng rác” nhằm làm nổi bật hơn phép phát triển chủ đề của mình. Qua câu hỏi tu từ cuối (L4), tác giả [ngầm] kết luận, cũng chính là giả định bắc cầu người đọc phải thêm vào luận cứ nhằm đảm bảo tính mạch lạc: (G4) “do trẻ em miền núi đang thiếu ăn, nên hành động đổ bánh xèo là không thể chấp nhận được”

Thế nhưng, như đã phân tích ở trên, đây là hai chủ đề không quan thiết với nhau, nên phép phát triển chủ đề ở đây là không thực hiện được. Thêm nữa, việc sử dụng các cặp từ mang đối lập ở đây chỉ làm rõ hơn chiến thuật xảo biện của tác giả trong việc kêu gọi lòng thương cảm, mà lòng thương cảm ở đây không phải một bằng chứng xác đáng cho việc kết luận ở (G4). Vì thế, người đọc sẽ khó mà quyết định thêm (G4) vào (L4) như một phần của một luận cứ mang tính logic hay một phần của hội thoại cân nhắc. Chính vì sự gây khó khăn cho việc thêm giả định bắc cầu này, mà ta có thể khẳng định rằng các câu trong (L4) không mạch lạc.

2.4.4. Mối quan hệ giữa ngụy biện và mạch lạc trong luận cứ Ad misericordiam misericordiam

Qua phân tích (L4), ta thấy một luận cứ có dạng: 1. P được nêu ra, nhằm mục đích gây lòng thương cảm.

2. Giả định bắc cầu (g): P gây lòng thương cảm, nên P là một bằng chứng hợp lệ để đưa ra C.

Sẽ là mạch lạc nếu như P vừa gây được lòng thương cảm, vừa là một bằng chứng xác đáng để đưa ra kết luận; nhờ đó người đọc dễ dàng điền thêm giả định bắc cầu (g) vào luận cứ.

Luận cứ sẽ là ngụy biện viện dẫn lòng thương cảm trong trường hợp P chỉ có thể gây ra lòng thương cảm, mà không phải một bằng chứng có quan thiết đến kết luận C; từ đó dẫn đến việc khó xảy ra giả định bắc cầu (g) trong quá trình luận suy của người đọc; vì thế các câu trong luận cứ đó không mạch lạc.

Tóm lại, một luận cứ ngụy biện “viện dẫn lòng thương cảm” chứa các câu không mạch lạc.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa mạch lạc và ngụy biện trong lập luận (trên tư liệu báo chí (Trang 65)