Về ngụy biện “Tấn công cá nhân”

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa mạch lạc và ngụy biện trong lập luận (trên tư liệu báo chí (Trang 45)

6) Bố cục luận văn

2.1.1.Về ngụy biện “Tấn công cá nhân”

Người ta phạm vào ngụy biện Tấn công cá nhân, khi một ai đó dùng những nhận xét về khiếm khuyết cá nhân (về ngoại hình, tính cách, tiểu sử,…) của đối thủ hoặc lăng mạ để làm bằng chứng nhằm phản bác một hoặc nhiều phát biểu của người khác. Lối “lập luận” này sai logic bởi lẽ sự công kích nhằm trực tiếp vào người nêu ra ý kiến chứ không vào bản thân ý kiến đó. Giá trị đúng đắn của một ý kiến độc lập với người phát biểu ý kiến đó. Suy cho cùng, cho dù một cá nhân nào đó có đáng ghét tới mức nào thì anh ta/ cô ta vẫn có thể đưa ra những phát biểu đúng.

Việc nghiên cứu ngụy biện “tấn công cá nhân” có hai vấn đề lớn. Vấn đề đầu tiên là với những kiểu “tấn công cá nhân” như “Anh là thằng khốn nạn. Điều anh nói sai rồi” thì đó có phải là một “luận cứ” không, bởi đứng từ quan điểm logic học truyền thống, hai mệnh đề đó không có bất kì mối liên hệ logic nào với nhau cả. Khi không phải là một “luận cứ” thì đó cũng không mắc lỗi ngụy biện “tấn công cá nhân”. Vấn đề này đã được Walton giải quyết khi ông cho rằng kiểu “Anh là thằng khốn nạn. Điều anh nói sai rồi” cũng là một luận cứ do nó đáp ứng việc lập luận trong bối cảnh đối thoại. Vấn đề thứ hai là đôi khi việc viện dẫn những điểm xấu của người nói/viết không chắc chắn là một ngụy biện. Ví dụ anh A [một người có thu nhập mà không chịu đóng thuế] nói: “Đóng thuế là việc làm bắt buộc với công dân” thì B hoàn toàn có thể lập luận rằng: “Chính anh A đã không đóng thuế đó thôi”. Trong trường hợp này, việc anh A đã không làm điều anh ta nói trở thành một bằng chứng chống lại chính kết luận của anh ta. Vì thế B đã không rơi vào ngụy biện. Để giải quyết vấn đề thứ hai này, Walton cho rằng phải dựa vào việc luận cứ đó có gây cản trở cho việc đạt được mục đích của đối thoại hay không. Ông chỉ ra rằng, “tấn công cá nhân” thường nằm ở loại đối thoại thảo luận phê phán, trong đó một phe dựa vào một khiếm khuyết cá nhân của phe kia nhằm lấy đó làm bằng chứng để bác bỏ luận cứ của phe đó. Vì thế khi phân tích ngụy biện “tấn công cá nhân” cần phải chỉ ra việc nhắm vào khiếm khuyết cá nhân có gây ngăn trở cho việc đạt được mục đích đối thoại thảo luận phê phán hay không. Câu hỏi phê phán nhằm làm rõ ngụy biện ở đây là: “Khiếm khuyết X của A có là bằng chứng cho việc phản đối quan điểm của A được không?”

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa mạch lạc và ngụy biện trong lập luận (trên tư liệu báo chí (Trang 45)