Phân tích mối quan hệ giữa ngụy biện và mạch lạc trong (L1)

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa mạch lạc và ngụy biện trong lập luận (trên tư liệu báo chí (Trang 48)

6) Bố cục luận văn

2.1.3.Phân tích mối quan hệ giữa ngụy biện và mạch lạc trong (L1)

Từ ngữ cảnh trên, ta thấy rằng (L1) nằm trong loại hội thoại thảo luận phê phán, trong đó một phe muốn bác bỏ lập luận của phe kia. Cụ thể ở đây, một phe là ông Alan Phan – người cho rằng nên để giá bất động sản tiếp tục rơi tự do, và phe phản đối quan điểm đó.

Việc phản đối được thể hiện trong (L1) như sau: Ý kiến của ông Alan Phan là sai vì ông vốn là một tay lừa đảo, muốn thị trường xuống thấp để có thể mua rẻ được. Bằng chứng chứng tỏ ông là tay lừa đảo là trước đây ông đã bị chính quyền Mĩ phạt vì tội gian lận trong lĩnh vực chứng khoán. Vậy mục đích của thảo luận phê phán ở đây đã đạt được chưa? Câu trả lời nằm ở việc bằng chứng (proof) “ông Alan là một tay gian lận” có thể dùng để phản đối quan điểm về thị trường bất động sản hay không.

Bằng chứng này là một bằng chứng không quan thiết (irrelevant) với tiền đề của nó. Thứ nhất, ông Alan là một tay gian lận trong thị trường chứng khoán, một lĩnh kinh tế rất khác với thị trường bất động sản, vì thế khó có thể nói rằng ông Alan có một kế hoạch gian lận trong thị trường bất động sản (mà luận cứ của ông Alan là một phần của kế hoạch đó). Thứ hai, ông ta đã gian lận theo phán quyết của chính quyền Mĩ, nơi có luật kinh tế cũng như những đặc điểm thị trường rất khác biệt với Việt Nam, vì thế cũng không có gì liên quan đến việc ông ta (sẽ) vi phạm tội gian lận ở thị trường Việt Nam. Từ hai điều trên, chúng tôi khẳng định bằng chứng trong (L1) không thể dùng làm dẫn chứng (evidence) cho việc ông Alan Phan cố tình xảo biện (sophicated) – đưa ra một luận cứ sai - nhằm thực hiện hành vi gian lận tại thị trường bất

động sản Việt Nam. Bằng chứng quan thiết trong (L1) phải ở dạng: ông Alan Phan đã gian lận tại thị trường bất động sản Mĩ, hoàn cảnh của vụ gian lận đó có nhiều điểm giống với hoàn cảnh bất động sản tại Việt Nam hiện nay; hoặc ông Alan đang có những động thái (chuẩn bị) gian lận nào trong tình hình bất động sản Việt Nam hiện nay.

Mặt khác, người viết (L1) đã không đi sâu vào phân tích các luận cứ của ông Alan Phan, mà chỉ đưa một “vết” trong tiểu sử của ông. Việc này dẫn đến việc (L1) như là một chiến thuật xảo biện nhằm tấn công cá nhân ông Alan thay vì tấn công các luận cứ của ông ta. (L1) có thể diễn giải như là “Lập luận của ông Alan Phan là sai vì ông là một tay gian lận”. Ngay cả khi ông Alan đúng là một tay gian lận trong thị trường bất động sản đi nữa, thì nhiệm vụ của phe phản đối ông là chỉ ra tính gian lận nằm trong các luận cứ của ông, chứ không vì ông là tay gian lận nên hiển nhiên toàn bộ luận cứ của ông mang tính gian lận – vì thế chúng không hiệu lực.

Từ các phân tích trên, chúng ta thấy rằng mục đích đối thoại ở (L1) đã không đạt được. Thay vì đạt được đúng mục đích của hội thoại thảo luận phê phán – người viết (L1) phản bác các luận cử của Alan Phan – thì người viết lại chuyển sang một mục đích khác, là tấn công cá nhân ông Alan bằng chiến thuật xảo biện. Điều này được thể hiện qua tính không quan thiết của bằng chứng. Vì thế (L1) là luận cứ ngụy biện “Tấn công cá nhân”.

Quay lại với tính mạch lạc ở (L1). Khi xem xét qua, ta thấy rằng (L1) có vẻ mạch lạc. Trong đó đoạn 1 nêu ra tiền đề: luận cứ của ông Alan Phan là sai [tư vấn của ông Phan chỉ có thể là “rừng mơ Tào Tháo”, đánh lừa được những người dân có nhu cầu mua nhà và có tâm lý mong chờ địa ốc giảm càng sâu càng tốt“]. Sau đó tiếp tục duy trì chủ đề về sự “đánh lừa” của ông Alan ở đoạn 2 – bằng chứng cho tiền đề ở đoạn 1 [“nói có sách, mách có

chứng” về sự “thiếu trong sáng” trong tư vấn có nghi ngờ “vụ lợi” của ông Phan]- bằng việc nêu ra “bản phán quyết của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa kỳ năm 2005 đối với ông Alan Phan và công ty Hartcourt. Theo đó, vì những vi phạm đăng ký và gian lận...] Để đảm bảo tính mạch lạc trong (L1), thì người đọc phải thêm một giả định bắc cầu như sau: “Hành vi gian lận tại thị trường chứng khoán Mĩ của ông Alan Phan là bằng chứng cho việc ông Alan (sẽ) có hành vi gian lận tại thị trường nhà đất Việt Nam” (G1).

Nhưng bằng các phân tích ngụy biện nói trên, chúng tôi đã chỉ ra rằng bằng chứng ở đoạn 2 thực ra không quan thiết với các tiền đề ở đoạn 1. Vì thế người viết (L1) đã không thực hiện được phép duy trì chủ đề, tức là các câu trong (L1) không mạch lạc. Hơn nữa, nếu (L1) là mạch lạc thì người đọc sẽ dễ dàng điền thêm giả định bắc cầu (G1) vào (L1); nhưng như chúng tôi chỉ ra (G1) thực chất chỉ là chiến thuật xảo biện của người viết, chứ không phải một phần của phép lập luận logic. Vì thế ở đây người đọc sẽ khó mà quyết định thêm (G1) vào (L1) như một phần của một luận cứ mang tính logic hay một phần của hội thoại thảo luận phê phán. Chính vì sự gây khó khăn cho việc thêm giả định bắc cầu này, mà ta có thể một lần nữa khẳng định các câu trong (L1) là một luận cứ tỏ ra mạch lạc nhưng thực ra là không mạch lạc.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa mạch lạc và ngụy biện trong lập luận (trên tư liệu báo chí (Trang 48)