Douglas Walton và lí thuyết dụng hành về ngụy biện

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa mạch lạc và ngụy biện trong lập luận (trên tư liệu báo chí (Trang 28)

6) Bố cục luận văn

1.1.2.5. Douglas Walton và lí thuyết dụng hành về ngụy biện

Như đã nói trên, việc nghiên cứu ngụy biện “thuần túy logic” có nhiều nhược điểm, và Douglas Walton đã tổng kết như sau:

(A1) Không phân biệt được luận cứ nào thực sự là ngụy biện, luận cứ nào không.

(A2) Hạn chế việc phân tích ngụy biện khi chỉ giới hạn ngụy biện trong các vấn đề logic.

(A3) Không có sự phân biệt rõ các kiểu ngụy biện.

Vấn đề mà (A1) đặt ra là, nếu coi ngụy biện là một “lỗi lập luận” thì làm thế nào để phân biệt một luận cứ đúng (correct argument) với một luận cứ yếu (weak argument) và một ngụy biện (fallacy). Ví dụ về luận cứ sau:

(V1) Ông X nói điều A là đúng

Vì thế điều A đúng

Nếu theo cách phân tích “thuần túy logic”, luận cứ (V1) là ngụy biện, kiểu ngụy biện “viện dẫn thẩm quyền”; trong đó tiền đề “Ông X là chuyên gia” không thể dẫn đến kết luận “điều A là đúng” (ở đây người lập luận đã dùng thẩm quyền của ông X để kết luận, mà không quan tâm đến bản thân vấn đề A). Nhưng ví dụ như ông X là một giáo sư vật lí, còn vấn đề A là vấn đề thuộc về vật lí, thì (V1) chỉ là một lập luận yếu, trong đó thẩm quyền (về vật lí của ông A) chưa đủ để đưa ra kết luận. Vậy đâu là ranh giới giữa “ngụy biện” và “lập luận yếu”?

Chúng ta cũng có thể thấy rõ vấn đề (A2) ở (V1), nếu không xét vào hoàn cảnh cụ thể của ông A, chúng ta khó lòng kết luận được (V1) có ngụy biện hay không. Một ví dụ khác:

(V2) A: Thượng Đế có tồn tại. B: Làm sao anh biết?

A: Vì Kinh Thánh nói thế.

B: Làm sao tôi biết được Kinh Thánh nói là sự thật? A: Vì Kinh Thánh là ngôn từ của Thượng Đế.

(V2) là một ví dụ rất kinh điển của kiểu ngụy biện “lí lẽ vòng quanh” (begging question); trong đó tiền đề và kết luận thực chất chỉ là một (tiền đề “Chúa tồn tại”, và kết luận hàm ý “Chúa tồn tại”). Nhưng xét trong một trường hợp đặc biệt, trong đó người B là một tín đồ Thiên chúa giáo (tức là anh ta có nghĩ rằng “Kinh Thánh là một văn bản của Chúa”), anh ta chỉ có một chút dao động trong niềm tin của mình, thì lập luận của A không còn là

một loại lập luận vòng quanh nữa7 mà lập luận đó là một cách loại bỏ những nghi ngờ trong B về Thượng Đế.

Rõ ràng là việc chú trọng đến các yếu tố ngoài logic có giúp ích cho sự phân biệt lập luận có phải là ngụy biện hay không. Vậy yếu tố ngoài logic nào cần được chú trọng?

Vấn đề (A3) thường xuất hiện trong các cách phân chia ngụy biện thành rất nhiều kiểu8. Việc phân chia thành quá nhiều kiểu sẽ dẫn đến việc các kiểu bị chồng chéo lên nhau, rất khó cho việc xác định và phân tích ngụy biện. Ví dụ như kiểu ngụy biện “Tấn công cá nhân” và “Bỏ độc vào giếng” có cùng tính chất là nhấn mạnh vào một (vài) đặc điểm cá nhân nào đó của người lập luận để bác bỏ luận cứ của anh ta. Vậy đâu là điểm khác nhau của hai loại này?

Xảy ra tình trạng trên là do người phân chia không có một cơ sở lí thuyết vững chắc để phân loại, cũng như phân làm quá nhiều loại nhỏ.

Để giải quyết những vấn đề trên, các nhà nghiên cứu ngụy biện đề xuất hướng tiếp cận dụng hành, tức là quay lại với ý tưởng của Aristotle về tính tương thoại (biện chứng); chỉ có thể phát hiện ngụy biện trong bối cảnh đối thoại (dialogue context) mà thôi. Hướng nghiên cứu này được mở đầu bởi các nhà khoa học thuộc trường phái Amsterdam, sau đó được hoàn thiện và phát triển bởi Douglas Walton.

7 B có thể nói rằng “Anh nói thật đúng. Điều đó đã được nói nhiều lần trong Kinh Thánh. Mà Kinh Thánh là mặc khải cho ngôn từ của Chúa. Tôi đồng ý với anh”. (Dẫn theo Walton)

8 Thường là ba mươi đến hơn bốn mươi kiểu, ví dụ Nguyễn Thụy Khánh Chương (2012) chia thành 34 kiểu;

Đầu tiên, khác với truyền thống, Walton điều chỉnh định nghĩa về lí lẽ (reasoning) và luận cứ (argument). Lí lẽ được định nghĩa như một chuỗi kết hợp các mệnh đề (các tiền đề và các kết luận) tham gia vào các bước của luận suy bằng việc đảm bảo cho các luận suy đó. Luận cứ được định nghĩa như cách dùng của lí lẽ nhằm góp phần trao đổi lời nói hoặc các hội thoại được gọi là đối thoại. Đối thoại ở đây cũng được hiểu theo nghĩa rộng, tức là không nhất thiết phải có hai bên, đôi khi có thể một bên nói/viết với phe được tưởng tưởng ra (illusion)9

[4,240]. Ông cũng đưa ra khái niệm “đối thoại mang tính lập luận” (argumentative dialogue) để chỉ các đối thoại có sử dụng luận cứ để phân biệt với đối thoại thông thường hàng ngày (everyday dialogue).

Walton cho rằng luận cứ thường được dùng trong đối thoại, nhằm phù hợp với một mục đích nào đó trong đối thoại (Dựa vào mục đích của đối thoại, Walton chia đối thoại thành 6 kiểu chính: Thảo luận phê phán - Critical discussion, Đàm phán - Negotiation, Định hướng - Inquiry, Tranh cãi - Quarrel, Tìm thông tin - Information-seeking, Cân nhắc - Deliberation; tương ứng với sáu mục đích khác nhau). Chính vì thế, người lập luận luôn có nhu cầu sử dụng luận cứ nhằm phục vụ cho mục đích đó. Khi người lập luận muốn dành lợi thế cho mình, anh ta sẽ vặn (twist) chủ đề của luận cứ đang được sử dụng đúng (trong bối cảnh của đối thoại) sang hướng có lợi cho mình, từ đó nảy sinh ra luận cứ ngụy biện. Khác với “nói bừa” (blunder) – kiểu phá vỡ các phương châm của đối thoại và không sử dụng các kĩ thuật của lập luận, ẩn sau lập luận “ngụy biện” là chiến thuật xảo biện (sophistical tactics). Ở điểm này, Walton nhấn mạnh ngụy biện là cách dùng luận cứ nhằm cố tình lừa gạt người đối thoại, chứ ngụy biện không nằm ở bản thân luận cứ. Vì vậy, ngụy biện

9 Điều này ta thấy rõ trên báo chí, khi mà tác giả luôn viết cho các đại chúng, công chúng của mình; mà không phải một phe xác định nào đó.

xảy ra khi “sử dụng sai một kĩ thuật lập luận nhằm chống lại (ngăn chặn, chặn đứng, cản trở) việc đạt đến mục đích đối thoại, thứ phù hợp với ngữ cảnh hoặc bối cảnh chuẩn tắc, hoặc nguyên tắc cộng tác cho loại hội thoại đó”.

Tổng kết lại các điểm trên, Walton [3, 233] định nghĩa ngụy biện là (1) một luận cứ (2) không đạt được một (vài) tiêu chuẩn chuẩn tắc (về logic) (3) được sử dụng trong bối cảnh đối thoại (4) nhưng, vì vài lí do, có vẻ đúng trong bối cảnh của đối thoại (5) tạo ra trở ngại cho việc nhận ra được mục đích của đối thoại.

Định nghĩa trên cho thấy Walton chỉ ra rằng ngụy biện là một vấn đề có hai tầng. Tầng thứ nhất là thuộc về các cấu trúc chuẩn của logic và tầng thứ hai là luận cứ khi nằm trong đối thoại. Bằng quan điểm này, Walton đã kết hợp cả hai điểm mạnh của lối tiếp cận logic truyền thống và lối tiếp cận dụng hành tương thoại hiện đại.

Bằng định nghĩa trên, chúng ta cũng đã giải quyết được vấn đề (A1) (A2) đặt ở trên. Ngụy biện khác một lập luận yếu ở chỗ; tuy chúng cùng có thể mắc lỗi nào đó về logic, nhưng ngụy biện sẽ gây cản trở cho mục đích của đối thoại còn một lập luận yếu thì không. Để thấy được ngụy biện gây cản trở cho mục đích của đối thoại thế nào, chúng ta phải xác định được đối thoại đó là loại đối thoại nào – dựa vào bối cảnh của đối thoại, sau đó xem xét việc sử dụng luận cứ đã hướng đối thoại vào mục đích nào khác với mục đích ban đầu hay không. Để phân tích được ngụy biện, cần phải đặc biệt chú ý vào bối cảnh đối thoại, đặc biệt là mục đích đối thoại, vì nó quyết định việc một luận cứ có “tỏ ra” là hiệu lực hay không. Ngoài ra, để xem xét một luận cứ là yếu hay ngụy biện, chúng ta có thể sử dụng công cụ là câu hỏi phê phán (critical question).

Để làm rõ hơn khái niệm mục đích của đối thoại, chúng tôi trình bày về sáu loại đối thoại (sáu loại này chỉ dành cho các đối thoại mang tính lập luận, chứ không phải toàn bộ các đối thoại trong thường ngày), tương ứng với sáu mục đích đối thoại:

(a)Thảo luận phê phán:

Là loại hội thoại có mục đích giải quyết một xung đột giữa hai (các) bên. Từ “giải quyết” ở đây không chỉ có nghĩa là để kết thúc mối xung đột mà nhằm chỉ ra được một bên một bên được hỗ trợ bởi bằng chứng tốt hơn bên còn lại.

Có hai loại thảo luận phê phán: loại đơn giản, một phe có một giả thiết và muốn bảo vệ giả thiết đó, và bên còn lại đặt ra các câu hỏi phê phán thể hiện sự nghi ngờ giả thuyết đó. Loại phức tạp, trong đó, mỗi bên đều có một giả thiết và mục đích của mỗi bên đều là chứng minh bên mình là đúng.

(b) Đàm phán

Khác với thảo luận phê phán, với mục đích chứng minh rằng phe mình đúng bằng các bằng chứng được dẫn ra; hội thoại đàm phán có mục đích là đưa ra các đề nghị nhằm “có được một thỏa thuận tốt nhất”. Mục đích của loại hội thoại này là đi đến một thỏa thuận mà cả hai bên có thể chấp nhận dù không muốn đi nữa.

(c)Định hướng

Mục đích của hội thoại định hướng là nhằm chứng thực quan điểm của một phe là đúng, mặc dù nó chưa thể bao phủ hết các bằng chứng. Loại đối thoại này thường thấy khi các nhân viên chính phủ phải giải thích

về các vụ bê bối chính trị. Họ sẽ cố giải thích sao cho vừa lòng dân chúng và các chính trị gia đối lập, dù cách giải thích đó chưa hoàn toàn hợp lí.

(d) Tranh cãi

Hội thoại tranh cãi xảy ra khi hai bên không thể giữ phép “lịch sự” hay đảm bảo việc cộng tác trong hội thoại. Hội thoại tranh cãi nhằm đưa ra các vấn đề xung đột vẫn bị ẩn giấu (do lịch sự) nhằm tiếp tục đối thoại về chúng

(e)Tìm thông tin

Hội thoại tìm thông tin diễn ra trong tình huống một phe có thông tin còn phe kia cần hoặc muốn thông tin đó. Mục đích của hội thoại tìm thông tin là sự chuyển giao thông tin từ phe này sang phe khác.

(f) Cân nhắc

Hội thoại cân nhắc xảy ra khi có sự băn khoăn về việc thực hiện hành động như thế nào. Khi cùng tồn tại những phương thức hành động trái ngược nhau, và phải chọn ra một phương thức giữa các phương thức trên, thì cần phải có hội thoại cân nhắc. Mục đích của hội thoại cân nhắc là tìm kiếm một kết quả hoặc quyết định cho việc phải hành động khôn ngoan như thế nào.

Ngoài ra, cần chú ý khái niệm sự chuyển hội thoại (dialectical shift). Sự chuyển hội thoại diễn ra khi một hội thoại bị chuyển từ loại này sang loại khác. Không phải cứ diễn ra sự chuyển hội thoại thì ngụy biện xảy ra. Hai bên hội thoại có thể chuyển từ loại này sang loại khác, rồi sau đó có thể tiếp tục

quay lại loại hội thoại ban đầu. Ngụy biện chỉ xảy ra sau khi sự chuyển hội thoại diễn ra và hai bên không thể quay về loại hội thoại ban đầu được nữa.

Một trong những điểm đáng chú ý nữa của lí thuyết Walton về ngụy biện là việc phân chia các loại ngụy biện. Ông cho rằng việc phân chia ngụy biện thành hai loại: ngụy biện hình thức (formal fallacy) – có thể dùng các quy tắc của logic hình thức để chỉ ra “lỗi”, và ngụy biện phi hình thức (informal fallacy) – không chỉ sử dụng các quy tắc của logic hình thức để phát hiện lỗi mà còn phải xem các chiến thuật lập luận của người nói/viết; là không cần thiết và có nhiều bất cập. Vì ông nhấn mạnh rằng ngụy biện sinh ra từ việc sử dụng luận cứ chứ không phải ở bản thân luận cứ, nên các loại ngụy biện đều là ngụy biện phi hình thức. Trong luận văn này, chúng tôi sẽ đưa ra tám10 loại ngụy biện phổ biến và dễ dàng để phân tích mối quan hệ giữa ngụy biện và mạch lạc, rồi chia làm hai nhóm. Nhóm một là các loại ngụy biện dạng “viện dẫn” (ad) và nhóm hai là một số loại ngụy biện phi hình thức khác, không thuộc nhóm một.

Trong luận văn này, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề ngụy biện bằng quan điểm của Douglas Walton.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa mạch lạc và ngụy biện trong lập luận (trên tư liệu báo chí (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)