2.2.6.1. Chương trình đào tạo nghề
a. Phương thức xây dựng chương trình đào tạo cho mỗi ngành học tại trường
Việc xây dựng chương trình cho qúa trình đào tạo nghề là một việc hết sức quan trọng, nó quyết định chất lượng đội ngũ công nhân. Chương trình đào tạo ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo, để thống nhất việc quản lý chương trình đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã có quyết định số 212/LĐTBXH quy định nguyên tắc xây dựng chương trình khung trong ĐTN.
Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên các mục tiêu đã đặt ra. Hiện nay, trường xây dựng nội dung chương trình dạy nghề cho các bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề dựa trên chương trình khung của Bộ (Quy định về chương trình khung trình
độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo QĐ01/2007/QĐ-BLĐTBXH, nay kèm theo thông tư 15/2009/TT-BLĐTBXH ngày 20/5/2009 và Thông tư 6/2009/TT- BLĐTBXH), đồng thời tham khảo, học tập một số chương trình khung của các trường trong nước đã xây dựng và cụ thể hoá khoảng 20% mềm hóa cho phù hợp với thực tiễn và qui mô đào tạo cho từng nghề.
Nhà trường đã lập hội đồng khoa học để tiến hành xây dựng chương trình, phân công về cho các khoa chuyên ngành, tổ bộ môn rà soát lại mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo của từng nghề theo hướng: Mục tiêu đào tạo phải sát với thực tiễn và đảm bảo tính cân đối về nội dung chương trình để liên thông đào tạo lên bậc cao hơn, học sinh sau khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Sau đó lập chương trình chi tiết môn học phục vụ giảng dạy.
b. Nội dung cơ bản của chương trình đào tạo cho mỗi ngành học: bao gồm:
- Mục tiêu: Mục tiêu đào tạo của trường được xây dựng trên cơ sở những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng mà thực tế cần ở người lao động; kiến thức cơ bản và những kỹ năng khác có liên quan đến công việc để đảm bảo cho học sinh vững vàng về kiến thức và kỹ năng để có thể tồn tại và phát triển trong các doanh nghiệp.
+ Nghiệp vụ lễ tân: sau khi học xong người học có thể làm lễ tân khách sạn, doanh nghiệp.
+ Nghiệp vụ lữ hành – hướng dẫn: sau khi học xong người học có thể làm việc tại các vị trí như: nhân viên đại lý lữ hành, nhân viên bán chương trình du lịch, nhân viên hướng dẫn cho các tour du lịch.
+ Nghiệp vụ khách sạn: sau khi học xong người học có thể làm công tác giám sát bộ phận lễ tân, bộ phận buồng, nhà hàng hoặc quản lý khách sạn.
+ Quản trị nhà hàng: sau khi học xong người học có thể đảm đương các vị trí trưởng nhóm, trưởng ca, quản lý và các vị trí khác trong nhà hàng.
+ Kế toán doanh nghiệp: sau khi học xong người học có thể làm công tác kế toán tại các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại – dịch vụ.
+ Quản trị khách sạn: sau khi học xong người học có thể làm công tác giám sát bộ phận lễ tân, bộ phận buồng, nhà hàng hoặc quản lý khách sạn.
+ Quản trị lữ hành: sau khi học xong người học có thể làm việc tại các vị trí như: nhân viên đại lý lữ hành, nhân viên bán chương trình du lịch, trợ lý điều hành du lịch...
+ Kỹ thuật chế biến món ăn: Sau khi học xong, người học có được các kỹ năng nghề nghiệp trong việc chế biến các món ăn tại các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh ăn uống khác;
- Chuẩn kiến thức: Trong mỗi chương trình đào tạo của mỗi nghề đều đưa ra các yêu cầu về kiến thức cơ bản, kiến thức nghề và những kiến thức bổ trợ cho nghề mà người học cần đạt được, phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất.
- Chuẩn kỹ năng: Trong mỗi chương trình đào tạo của mỗi nghề đều đưa ra các yêu cầu về kỹ năng nghề mà người học phải đạt được sau khi học xong khóa học.
- Phương pháp đánh giá kết quả học tập: Đánh giá cho cả quá trình học tập. Trong mỗi chương trình đào tạo của mỗi nghề đều quy định cách thức tổ chức kiểm tra, số lần kiểm tra, thời gian cho mỗi lần kiểm tra.
- Có thể thấy rõ những nội dung trên thông qua chương trình đào tạo cho ngành Kỹ thuật chế biến món ăn. (Xem Phụ lục 3)
Nhận xét:
Trong mỗi chương trình đào tạo của mỗi ngành học đều nêu rõ mục tiêu mà người học đạt được sau khi hoàn thành khóa học, quy định cụ thể chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng của nghề và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập.
Chương trình đào tạo được tiến hành rà soát và chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn sản xuất. Tuy nhiên, do đội ngũ giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy, kỹ năng nghề chưa cao lại tham gia xây dựng chương trình, do vậy chương trình đào tạo chưa đạt chất lượng để mang lại hiệu quả cho công tác đào tạo. Trong mỗi chương trình có một số môn học, ngành học chưa thật sự gắn với yêu cầu của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh nên chưa phát huy được tính chủ động, khả năng sáng tạo trong biên soạn và giảng dạy. Ví dụ như trong chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật chế biến món ăn có môn “Lý thuyết kế toán” với thời lượng 45 tiết nhưng nội dung lại quá nặng, chưa phù hợp với thực tiển.
2.2.6.2. Hệ thống giáo trình và tài liệu học tập
a. Hệ thống giáo trình và tài liệu học tập phục vụ cho đào tạo nghề tại trường hiện nay
Giáo trình mà nhà trường hiện có đa số phục vụ cho ngành du lịch, được dự án EU cung cấp, đạt tiêu chuẩn VTOS. Tuy nhiên, đa số giáo trình viết bằng tiếng Anh trong khi đó trình độ ngoại ngữ của giáo viên vẫn còn hạn chế. Do đó, chưa thể khai thác và sử dụng hiệu quả các giáo trình mà nhà trường cung cấp.
Dự án EU là Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Liên minh châu Âu, với tổng ngân sách là 16.5 triệu Euro, trong đó Liên minh châu Âu tài trợ 15 triệu Euro, do Bộ Công Thương điều hành và thực hiện. Mục tiêu tổng thể của Dự án là hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, ASEAN và hợp tác tiểu vùng, tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, tối đa hóa lợi ích của quá trình phát triển kinh tế, bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn diện và xóa đói giảm nghèo.
Nhà trường chưa đầu tư các đầu sách cho giáo viên và học sinh tham khảo. Hiện nay tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập của trường chủ yếu là do giáo viên tự biên soạn dựa theo nội dung chương trình khung của Bộ đề ra căn cứ vào các giáo trình của các trường, học viện, nhà xuất bản. Việc giáo viên tự tìm nguồn tài liệu phục vụ cho giảng dạy sẽ hạn chế việc thay đổi và bổ sung những kiến thức mới nhất vào bài giảng, vì mỗi giáo viên không đủ tài chính để trang bị cho mình tất cả các giáo trình mới nhất.
b. Tình hình biên soạn giáo trình và tài liệu học tập
Nhà trường chú trọng đến việc biên soạn một số giáo trình chuyên ngành phục vụ công tác giảng dạy, khuyến khích và phân công về cho các khoa biên soạn giáo trình cho các môn học chuyên ngành. Cụ thể:
- Trường đã biên soạn hai bộ giáo trình “Nghiệp vụ Đại lý lữ hành và Nghiệp vụ kế toán Du lịch” theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Biên soạn một bộ giáo trình “Tiếng Anh chuyên ngành Lễ tân” đã hoàn thành và nghiệm thu cấp Bộ.
- Biên soạn một bộ giáo trình trình độ trung cấp “Kế toán máy - kế toán doanh nghiệp” kinh phí ngân sách cấp đã hoàn thành và nghiệm thu cấp Bộ..
Hàng năm, trường dành một khoản kinh phí khoảng 500 riệu đồng từ chương trình mục tiêu để biên soạn, chỉnh sửa, hoàn thiện chương trình, giáo trình các hệ đào tạo trong nhà trường.
Nhà trường chưa tổ chức biên soạn đầy đủ toàn bộ giáo trình cho các môn học của từng ngành, mà mỗi giáo viên khi tham gia giảng dạy phải biên soạn bài giảng riêng dựa trên đề cương chi tiết. Do vậy chưa có sự thống nhất giữa các giáo viên.
c. Tình hình cập nhật bổ sung, đổi mới bài giảng hàng năm
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và đặc biệt là công nghệ thông tin, đòi hỏi phải có sự đổi mới, sự cập nhật thông tin mới, đổi mới nội
dung và phương pháp đào tạo. Nhìn chung, giáo viên của trường có đầu tư vào bài giảng, thường xuyên bổ sung, đổi mới bài giảng hàng năm. Nhà trường quy định khi giáo viên tham gia giảng dạy phải soạn giáo án, bài giảng môn mình dạy theo kỳ học. Phòng Đào tạo và khoa kiểm tra thường xuyên việc chuẩn bị hồ sơ giảng dạy của giao viên. Tuy nhiên, thông qua số lượng giáo trình và tài liệu học tập ít ỏi của trường hiện nay ta có thể thấy rằng việc đầu tư đổi mới bài giảng của giáo viên là chưa cao.