Tính tất yếu khách quan và những yêu cầu

Một phần của tài liệu Xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước ở Tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay (Trang 35)

Công cuộc cải cách hành chính đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo

đảm quốc phòng - an ninh. Cải cách hành chính đã được triển khai đồng bộ trên 4 lĩnh vực chủ yếu: thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công, từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy hành chính, hỗ trợ tích cực và thúc đẩy quá trình cải cách, đổi mới toàn diện của đất nước.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và chủ động hội nhập quốc tế thì cải cách hành chính còn chậm, hiệu quả thấp; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước còn nhiều hạn chế. Đội ngũ công chức hành chính chưa ổn định, chuyên nghiệp. Trình độ và năng lực của đội ngũ công chức tuy đã được nâng lên một mức nhưng chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, còn nhiều bất cập, hạn chế về một số mặt: tri thức và năng lực quản lý nhà nước về xã hội, kinh tế thị trường, pháp luật, hành chính, kỹ năng thực thi công vụ cũng như khả năng vận dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác quản lý.

Tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận công chức còn yếu, phong cách làm việc chậm đổi mới; tinh thần phục vụ nhân dân chưa cao; tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu chưa được ngăn chặn gây nên sự trì trệ, trở ngại lớn cho công cuộc cải cách, làm giảm hiệu lực của bộ máy nhà nước.

Số lượng, cơ cấu đội ngũ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài; tình trạng hẫng hụt các thế hệ công chức trong mỗi cơ quan, đơn vị còn phổ biến; thiếu đội ngũ công chức nòng cốt kế cận có trình độ chuyên môn cao và các chuyên gia hoạch định chính sách ở các cấp. Đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và miền núi, hải đảo, đại bộ phận công chức yếu về năng lực, trình độ chuyên môn, thiếu nguồn nhân lực bổ sung vào bộ máy hành chính nhà nước.

Những hạn chế nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước có số lượng, chất lượng, cơ cấu ngạch, bậc, lứa

tuổi, vùng miền, giới tính, thành phần dân tộc hợp lý, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới của nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại hóa.

- Về số lượng: xác định số lượng công chức hành chính nhà nước một

cách hợp lý so với dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Về cơ cấu: xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính

nhà nước cũng như của từng cấp hành chính, từng cơ quan, tổ chức hành chính trong những điều kiện mới để xây dựng cơ cấu công chức khoa học, hợp lý về trình độ, ngạch bậc, lứa tuổi, giới tính, dân tộc… trong cả đội ngũ và trong mỗi cơ quan, đơn vị.

- Về chất lượng: công chức hành chính nhà nước phải trung thành với

Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, biết bảo vệ danh dự và lợi ích quốc gia, có lối sống trong sạch, không tham nhũng và tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân. Công chức hành chính nhà nước phải có trình độ chính trị, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng hành chính, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh ngạch, bậc tương ứng với nhiệm vụ, yêu cầu công việc; đủ năng lực xây dựng chính sách, tổ chức điều hành và thực thi công vụ theo chức trách, nhiệm vụ một cách khoa học và hiệu quả; có đạo đức công vụ, văn hóa công vụ và phong cách làm việc văn minh, lịch sự đối với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, đối tác nước ngoài và với nhân dân. Cụ thể:

+ Yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức:

Phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị là yêu cầu quan trọng cơ bản nhất đối với đội ngũ công chức hành chính nhà nước. Phẩm chất chính trị là lòng nhiệt tình cách mạng, lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng của đảng, với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần tận tụy với công việc, hết lòng hết sức vì sự nghiệp của nhân dân, là bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đạo đức công vụ của người công chức hành chính gồm: đạo đức cách mạng, đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp; trong đó đạo đức cách mạng là nền tảng, là gốc, là sức mạnh của người công chức hành chính.

Đạo đức cách mạng của người cán bộ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm: nhân, trí, dũng, liêm. Đi kèm với các phẩm chất là các đức: Cần, kiệm, liêm, chính mà "thiếu một đức thì không thành người". Đạo đức cách mạng thể hiện ở: Tinh thần yêu nước nồng nàn, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Đạo đức cá nhân của người công chức hành chính nhà nước trước hết thể hiện ở ý thức, niềm tin vào định hướng xã hội chủ nghĩa, quyết tâm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Phẩm chất đạo đức của người công chức còn thể hiện ở tinh thần và ý thức biết tôn trọng, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, sống và làm việc theo pháp luật, có lối sống lành mạnh, không tham ô, lãng phí, có trách nhiệm cao trong thi hành công vụ, có lòng nhân ái vị tha, ứng xử đúng đắn trong quan hệ gia đình, bè bạn và trong xã hội, có tinh thần hướng thiện, hiếu học.

Xã hội càng dân chủ càng đòi hỏi đạo đức cá nhân của người công chức hành chính nhà nước phải được hoàn thiện, mẫu mực vì chính đội ngũ này là những người cầm cân nảy mực, giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, giữ gìn kỷ cương phép nước. Địa vị pháp lý của họ buộc họ phải luôn tự rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, tu dưỡng bản thân để không mắc phải các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Đạo đức nghề nghiệp của người công chức hành chính nhà nước thể hiện trước hết ở lòng say mê, cần mẫn, tinh thần trách nhiệm và đề cao kỷ luật

trong thi hành công vụ. Đó là ý thức luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, công vụ được giao, kể cả khi gặp những điều kiện khó khăn phức tạp. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi người công chức hành chính nhà nước phải biết tiết kiệm, không chỉ cho bản thân mình, mà quan trọng hơn là tiết kiệm thời gian, tiền của của nhân dân, tiết kiệm công sản, công quỹ, tiết kiệm tài nguyên của đất nước, chống lãng phí trong cơ quan nhà nước.

Người công chức hành chính còn phải xử sự và giải quyết công vụ công bằng, chính trực và công tâm, chỉ thực thi công vụ theo pháp luật. Dù ở bất cứ vị trí nào trong bộ máy nhà nước, người cán bộ, công chức phải luôn đề cao đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp.

+ Yêu cầu về văn hóa

Văn hóa của người công chức hành chính là sự ứng xử văn minh, khoa học, nhân ái và dân chủ trong mọi mối quan hệ. Văn hóa là cơ sở để hình thành tác phong, phong cách và lối sống của người công chức; văn hóa là nền tảng tạo nên tư chất, cốt cách của người công chức. Nhờ có văn hóa người công chức biết cư xử đúng mực, dân chủ và văn minh hơn trong thực thi công vụ; đấu tranh chống lại các hiện tượng chuyên quyền độc đoán, máy móc trong giải quyết công việc và thực thi công vụ.

Cán bộ, công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực rõ ràng, mạch lạc; công chức phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư khách quan khi nhận xét, đánh giá; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ. Khi thi hành công vụ có tác phong lịch sự, giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp. Công chức phải gần gũi với nhân dân; nghiêm túc, khiêm tốn; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ [49, Điều 16, 17].

+ Yêu cầu về trí tuệ

Trong điều kiện mặt bằng dân trí của xã hội ngày càng được nâng cao, đòi hỏi công chức hành chính nhà nước phải có trình độ, kiến thức và năng lực tư duy khoa học, sáng tạo, nhạy bén, độc lập, trí tuệ. Trình độ học vấn phải cao hơn mức trung bình của xã hội và tỷ lệ những người có trình độ đại học, trên đại học càng phải nhiều hơn. Ở một số ngành, lĩnh vực và đối với ngạch chuyên viên trở lên thì trình độ đại học là bắt buộc và tối thiểu. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thông tin, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay người công chức hành chính nhà nước còn phải có trình độ ngoại ngữ, tin học nhất định để có thể tìm hiểu, cập nhật kiến thức, giải quyết các công việc thường xuyên của lĩnh vực quản lý hành chính.

Yêu cầu trí tuệ hóa đội ngũ công chức buộc người công chức hành chính nhà nước phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ kiến thức. Đồng thời Nhà nước cần phải có chế độ, chính sách và tạo điều kiện để người công chức được đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng bổ sung những tri thức mới của khoa học, công nghệ hiện đại để thực thi công vụ hiệu quả nhất.

+ Yêu cầu chuyên môn hóa, hiện đại hóa đội ngũ công chức hành chính nhà nước

Mục tiêu xây dựng nền hành chính chính quy, hiện đại đặt ra yêu cầu phải chuyên môn hóa, hiện đại hóa đội ngũ công chức hành chính nhà nước với tư cách là nòng cốt của nền hành chính. Chuyên môn hóa, hiện đại hóa là công chức hành chính nhà nước không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ban đầu, đáp ứng yêu cầu dự tuyển của cơ quan, đơn vị, mà trong quá trình làm việc, người công chức hành chính phải được đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và trình độ chuyên môn giỏi; chuyên môn hóa phải đi đôi với trí tuệ hóa, làm cho mỗi công chức phải có trình độ cao, có kiến thức, vừa có năng lực và chuyên môn sâu.

Hiệu lực của nền hành chính tùy thuộc phần lớn vào nhận thức và khả năng thực hiện luật pháp và công vụ, cũng như năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức hành chính nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp, về trí tuệ, văn hóa, trình độ và năng lực chuyên môn của người công chức hành chính rất cao. Muốn hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình, họ phải không ngừng phấn đấu, học tập và rèn luyện vươn lên. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ công chức hành chính phát huy khả năng phục vụ, cống hiến nhiều nhất cho đất nước.

Một phần của tài liệu Xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước ở Tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay (Trang 35)