Công tác đào tạo, bồi dưỡng

Một phần của tài liệu Xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước ở Tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay (Trang 59)

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung, trong đó có đội ngũ công chức hành chính nói riêng được cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ở Thanh Hóa quan tâm thực hiện, đem lại kết quả tích cực. Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức hành chỉnh của tỉnh là nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ; góp phần xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại, tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh và từng địa phương, đơn vị.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI, XVII, đều đã đề ra chương trình đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực là một trong các chương trình trọng tâm của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, ngày 28/7/2006, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 45/2006/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài tại Trường Đại học Hồng Đức. Mục tiêu trong 10 năm từ 2006 đến 2015 sẽ đào tạo 500 cán bộ có trình độ đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ cho các cơ quan nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh đang có nhu cầu và các ngành nghề mới phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa chương trình đào tạo, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học và công nghệ của Trường Đại học Hồng Đức.

Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn của ngạch công chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, công khai, dân chủ trong việc cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, đề cao vai trò tự học và quyền của công chức trong việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm. Cụ thể như: Ngày 19/5/2005,

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 20/CT-CT về việc triển khai chương trình đào tạo tin học ứng dụng cho cán bộ, công chức hành chính; Ngày 20/3/2006, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 746/2006/QĐ-UBND về việc Quy định chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; Ngày 21/9/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBND về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, thị trấn các huyện miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2007 - 2010;...

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng công chức của tỉnh Thanh Hóa bao gồm đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và thực hiện Đề án liên kết đào tạo ở nước ngoài. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước bao gồm: lý luận chính trị; chuyên môn, nghiệp vụ; kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành; tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc. Nội dung đào tạo ở nước ngoài gồm nhiều chuyên ngành khác nhau trên các lĩnh vực như: quản lý hành chính công, công nghệ thông tin,....

Vì vậy, đội ngũ công chức hành chính nhà nước của tỉnh từng bước nâng cao về trình độ mọi mặt, hạn chế tình trạng "nợ" tiêu chuẩn về trình độ. Thống kê giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh Thanh Hóa đã đào tạo, bồi dưỡng và cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước số lượng lớn công chức hành chính nhà nước, đạt khoảng 83% so với kế hoạch mà tỉnh đã đề ra; với tổng kinh phí 63.841 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương đảm bảo 24.800 triệu đồng, ngân sách tỉnh 25.735 triệu đồng, nguồn khác 13.306 triệu đồng (Phụ lục số 1).

Về chuyên môn, nghiệp vụ:

- Đã đào tạo trình độ sau đại học cho 237 công chức hành chính nhà nước. - Đào tạo trình độ đại học, cao đẳng cho 902 công chức (gồm cả công chức cấp xã).

- Đào tạo trình độ trung cấp cho 1.512 công chức (trong đó gồm có các chuyên ngành quản lý nhà nước, quản lý văn hóa, nông lâm, pháp lý, văn phòng - thống kê, địa chính)

- Đào tạo trưởng công an xã 5 lớp 572 học viên; xã đội trưởng 5 lớp 585 học viên, vì vậy, 100% trưởng công an xã, chỉ huy trưởng quân sự xã trong độ tuổi thuộc các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã được đào tạo đạt chuẩn [54].

Về lý luận chính trị:

- Đào tạo trình độ sau đại học cho 136 người. - Đào tạo cử nhân chính trị cho 104 người.

- Đào tạo cao cấp cho 988 người (trong đó hệ tập trung 278 người, hệ tại chức 720 người).

- Đào tạo trình độ trung cấp cho 1.210 công chức cấp xã [56]

Về bồi dưỡng:

- Đã cử 46 cán bộ đi học bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp, 25 công chức bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính tại Học viện Hành chính. Mở 01 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính cho 102 cán bộ, công chức hành chính; 8 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cho 855 cán bộ, công chức hành chính; 3 lớp học tiếng dân tộc Mông với 150 học viên cho cán bộ, công chức các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa và chiến sĩ các đồn biên phòng thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; 14 lớp bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã với 1.983 học viên; 2 lớp đào tạo nguồn học viên tiếng Anh 70 học viên; đồng thời, mở hàng chục lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho 12.240 lượt người (ở các lĩnh vực: Pháp luật, Tin học, Văn thư - lưu trữ, Tôn giáo, an ninh biên giới ở cấp xã…) [56].

Về cử công chức hành chính đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài

Trong thời gian từ năm 2006 đến 2010, tỉnh đã cử 527 lượt công chức hành chính đi nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, quản lý nhà nước, quản trị nguồn nhân lực, ngoại ngữ,...(chủ yếu là trong thời gian

dưới 3 tháng) với tổng số kinh phí 130 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 100 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng. Sau 4 năm thực hiện Đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài (như đã nêu ở trên); tỉnh Thanh Hóa đã cử 85 học viên gồm sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, giáo viên Trường Đại học Hồng Đức, cán bộ, công chức ở các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố, trong đó có 6 công chức hành chính nhà nước, đào tạo tại 42 trường có đẳng cấp và uy tín trên thế giới của 16 nước; với tổng kinh phí trên 2 triệu USD [56].

Về chính sách thu hút nguồn nhân lực

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ 20, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chủ trương, chính sách thu hút những người có trình độ Tiến sĩ về công tác tại Thanh Hóa, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, chính sách này không đem lại hiệu quả. Sau nhiều năm tổ chức thực hiện, tỉnh Thanh Hóa thay vì thu hút nguồn nhân lực về tỉnh công tác đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức các cấp và thực hiện thu hút nguồn nhân lực về công tác tại cấp xã, phường, thị trấn. Ngày 11/3/2010, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 798/2010/QĐ-UBND về chính sách thu hút người có trình độ đại học trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn và chính sách hỗ trợ đối với công chức cấp xã chưa đạt chuẩn ở 11 huyện miền núi. Thời gian thực hiện từ năm 2010 đến tháng 12/2012. Trong đó, ban hành cụ thể một số chính sách đối với thu hút người có trình độ đại học trở lên về công tác tại cấp xã ở các huyện miền núi Thanh Hóa như: hỗ trợ 36 tháng tiền thuê nhà (300.000 đồng/người/tháng); hỗ trợ mức ban đầu đối với đối tượng này 10.000.000 đồng/người; chính sách đối với công chức cấp xã chưa đạt chuẩn có nguyện vọng đi học để chuyển đổi nghề nghiệp; chính sách đối với công chức cấp xã chưa đạt chuẩn nghỉ việc [36].

Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính ở Thanh Hóa còn bộc lộ những hạn chế đó là:

- Một số sở, ngành, địa phương chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, thu hút và phát triển nguồn nhân lực. Nhiều đơn vị chỉ mới quan tâm đến việc đào tạo chuẩn hóa đội ngũ công chức theo chuẩn ngạch và chức danh quy hoạch, nhằm hợp thức hóa bằng cấp hoặc phục vụ công tác chuyên môn trước mắt, dẫn đến chất lượng không cao.

- Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở các sở, ngành cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện, xã còn bị động, lúng túng, chưa sát với thực tế, còn mang tính hình thức (một số huyện xây dựng kế hoạch đơn giản, sơ sài, có huyện không xây dựng kế hoạch…). Chưa gắn kết công tác đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sắp xếp sau đào tạo, bồi dưỡng dẫn đến tình trạng một số người được đào tạo nhưng không được bố trí sử dụng theo chuyên môn đã được học, việc chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh công chức tiến độ còn chậm.

- Một số đơn vị (huyện, xã) chọn cử người đi học chưa sát, đúng với yêu cầu của địa phương hoặc khi đăng ký danh sách đi học thì nhiều nhưng khi tổ chức mở lớp thì số người đi học còn ít, đôi khi cử người đi học tràn lan dẫn đến không có người giải quyết công việc thường xuyên ở cơ quan, đơn vị, nhất là ở cấp xã.

- Năng lực thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp tỉnh; trung tâm bồi dưỡng chính trị, trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề các huyện miền núi trong thời gian qua tuy được nâng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học; chương trình, tài liệu chậm được bổ sung, cập nhật, còn nặng về lý thuyết, ít đề cập đến kỹ năng tác nghiệp cụ thể; năng lực, trình độ đội ngũ giáo viên ở một số bộ môn của các cơ sở đào tạo chưa đồng đều, hạn chế cả về trình độ chuyên môn, lý luận và thực tiễn.

- Nội dung đào tạo còn trùng lắp, không cần thiết, người có trình độ cử nhân hành chính, cử nhân luật chuyên ngành hành chính vẫn phải học

chương trình chuyên viên, chuyên viên chính. Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa công tác quy hoạch với đào tạo, nhiều trường hợp vừa học xong trung cấp chính trị lại tiếp tục học cao cấp chính trị. Trình độ ngoại ngữ, tin học và kỹ năng chuyên môn của một số công chức hành chính chưa phù hợp để đáp ứng yêu cầu quan hệ công tác.

- Thanh Hóa vẫn là tỉnh nghèo, nguồn kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu là dựa vào nguồn kinh phí do Trung ương cấp (chiếm gần 50%), vì vậy hạn chế đến việc mở rộng quy mô đào tạo. Các huyện miền núi tuy đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhưng do khó khăn về kinh phí cho nên hầu hết các đơn vị còn trông chờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp trên.

- Cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng chưa đồng bộ, chậm được bổ sung điều chỉnh; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng riêng cho miền núi chưa được xây dựng, ban hành do đó chưa phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực trong xã hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng.

- Sự phối hợp thực hiện giữa các đơn vị được giao chỉ tiêu đào tạo với các cơ sở đào tạo trong tỉnh chưa chặt chẽ, dẫn đến tiến độ triển khai chậm và số lượng học viên ở một số lớp đạt thấp so với chỉ tiêu giao, học viên đi học không đều.

Một phần của tài liệu Xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước ở Tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)