Công tác tuyển dụng và thi nâng ngạch

Một phần của tài liệu Xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước ở Tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay (Trang 56)

Theo quy định pháp luật hiện hành, thẩm quyền ban hành chủ trương, biên chế, kế hoạch tuyển dụng công chức hành chính thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh. Kế hoạch tuyển dụng được lập từ dưới lên theo ngạch công chức. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập hội đồng tuyển dụng để tổ chức tuyển dụng công chức và căn cứ kết quả thi tuyển, xét tuyển để quyết định phân công công chức hành chính về các sở, ngành và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Riêng đối với công chức cấp xã, việc tuyển dụng căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác, tiêu chuẩn và số lượng của các chức danh cần tuyển dụng, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, tổ chức việc tuyển dụng theo quy chế tuyển dụng công chức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Khi hết thời hạn tập sự, nếu đủ tiêu chuẩn thì đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, tuyển dụng.

Có thể khẳng định, việc tuyển dụng công chức hành chính ở Thanh Hóa đã đem lại kết quả tích cực trong việc lựa chọn người có năng lực vào bộ máy hành chính. Hàng năm tỉnh đã tuyển dụng được hàng trăm người có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công tác tại các cơ quan, đơn vị ở các cấp, đội ngũ công chức hành chính nhà nước của tỉnh không ngừng được củng cố về mặt số lượng và chất lượng.

Trong công tác tuyển dụng hàng năm, tỉnh chủ trương tuyển những người có đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu ngạch công chức cần tuyển, phù hợp

với yêu cầu công việc ở mỗi cơ quan, đơn vị. Công tác thi tuyển và thi nâng ngạch được tổ chức hàng năm theo quy định, Sở Nội vụ có vai trò chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng tuyển dụng công chức, Hội đồng xét chuyển loại cán bộ, viên chức; Hội đồng sơ tuyển thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp và tương đương. Nhìn chung, quá trình tổ chức thi tuyển đã căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi tuyển để triển khai, tuân thủ các quy định về quy trình, thủ tục, nội dung, hình thức thi một cách chặt chẽ; trong đó nguyên tắc công khai, khách quan được tuân thủ, thông báo trên Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa để mọi người biết và đăng ký tham gia.

Trong 4 năm (từ tháng 3/2007 đến tháng 12/2010), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã chuyển ngạch chuyên viên sang thanh tra viên 30 người, bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính và tương đương cho 113 người (không qua thi cho 38 người); tổ chức 2 kỳ thi tuyển công chức dự bị với 1.044 thí sinh để tuyển 465 công chức dự bị và công chức còn thiếu của các huyện, thị, thành phố; quyết định nâng lương thường xuyên và phụ cấp thâm niên vượt khung cho 382 người, chuyển loại công chức, viên chức cho 7.017 người, giải quyết chế độ hưu trí cho 45 người. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, giám đốc sở đã tuyển dụng, tiếp nhận 1.015/3.901 công chức hành chính, chiếm tỷ lệ khoảng 26,2%; trong đó tuyển dụng mới 619 công chức qua các kỳ thi công chức dự bị hằng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh (các ngành cấp tỉnh tuyển dụng 340 người; Ủy ban nhân dân cấp huyện tuyển dụng 259 người); tiếp nhận 216 công chức (cấp tỉnh tiếp nhận 78 người; Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận 138 người) [57].

Bên cạnh đó, còn có những hạn chế:

- Ở một số nơi, vẫn còn tình trạng tuyển dụng công chức thiếu công khai, dân chủ; không đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn theo quy định; không đúng quy trình, thủ tục; tuyển dụng quá số biên chế được cấp có thẩm quyền giao; thừa biên chế nhưng vẫn tuyển; tuyển công chức dự bị không đúng quy

định hiện hành của Chính phủ và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh (như tại Sở Thương mại cũ, Chi cục Di dân và phát triển kinh tế mới nay là Chi cục Phát triển Nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các huyện Mường Lát, Quảng Xương, Quan Sơn,...)

Việc tiếp nhận, bổ nhiệm ngạch công chức từ tỉnh ngoài về và giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh; các doanh nghiệp nhà nước sang cơ quan quản lý nhà nước thiếu chặt chẽ về hồ sơ thủ tục, không đảm bảo quy trình, điều kiện chuẩn theo quy định, tùy tiện, không theo yêu cầu nhiệm vụ và không đúng cơ cấu, chủng loại cần thiết theo yêu cầu.

- Việc thi tuyển công chức hành chính ở tỉnh Thanh Hóa chủ yếu được áp dụng đối với các vị trí, chức danh ở ngạch thấp mà chưa áp dụng đối với các vị trí, chức danh ở ngạch cao hoặc các chức danh lãnh đạo đòi hỏi phải có những năng lực riêng. Mặt khác, thực trạng tuyển dụng vẫn chưa xác định được nội dung, yêu cầu thống nhất cho việc thi tuyển phù hợp cho từng loại đối tượng. Nội dung thi tuyển chưa sát với chuyên ngành hẹp của vị trí dự tuyển, nặng về lý thuyết, ít chú trọng tới thực hành và sự kiểm nghiệm các kỹ năng của ứng viên.

Đa số các cơ quan hành chính nhà nước chưa có các bảng mô tả công việc ở từng vị trí việc làm nên việc tuyển dụng công chức hành chính có tính chất lấy cho đủ chỉ tiêu biên chế được giao; thông thường mỗi năm tỉnh chỉ tổ chức thi tuyển 01 lần cho tất cả các cơ quan, đơn vị ở các ngành khác nhau. Các quy định về tiêu chuẩn tuyển dụng công chức chú trọng nhiều về nhân thân, lý lịch, bằng cấp mà chưa có sự chú ý đúng mức tới kinh nghiệm, năng lực thực thi của người dự tuyển.

- Vấn đề thi nâng ngạch còn phụ thuộc vào thâm niên công tác, chưa căn cứ vào nhu cầu, vị trí công tác hay trình độ, năng lực của công chức; số đông công chức vẫn cho rằng thi nâng ngạch chỉ là để giải quyết việc nâng lương. Hàng năm số công chức hành chính được xét và thi nâng ngạch của tỉnh còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Một phần của tài liệu Xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước ở Tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay (Trang 56)