Công tác đánh giá công chức hành chính nhà nước

Một phần của tài liệu Xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước ở Tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay (Trang 65)

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Nội vụ, việc tổ chức đánh giá công chức hành chính nhà nước được các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện,

thị, thành phố thực hiện hàng năm, trước khi bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái. Quy trình đánh giá được các cơ quan, đơn vị thực hiện tương đối nghiêm túc. Theo đó, hằng năm công chức hành chính được tập thể cơ quan, đơn vị đánh giá nhận xét theo các tiêu chí: chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; thái độ phục vụ nhân dân (đối với một số đơn vị, bộ phận thường xuyên tiếp xúc giải quyết công việc với người dân). Ngoài ra, công chức lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị còn được đánh giá theo các nội dung: kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; năng lực lãnh đạo, quản lý; năng lực tập hợp, đoàn kết công chức.

Căn cứ vào kết quả đánh giá, công chức hành chính nhà nước được phân loại đánh giá theo các mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả phân loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ công chức và thông báo đến công chức được đánh giá. Việc đánh giá công chức đã góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, giúp cho thủ trưởng đơn vị và các cơ quan quản lý cán bộ, công chức hành chính có cơ sở để sử dụng cán bộ, công chức hiệu quả.

Tuy nhiên, việc đánh giá công chức hành chính ở nhiều nơi còn tiến

hành hình thức, tính dân chủ chưa cao, công chức thường còn tư tưởng e ngại, nể nang, không dám thẳng thắn phê bình, đóng góp ý kiến cho đồng nghiệp, nhất là đối với lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Việc nhận xét, đánh giá công chức hành chính nhà nước vẫn chưa thực sự đạt được độ chính xác cần thiết, chưa tạo động lực trong hoạt động thực thi nhiệm vụ và nâng cao năng lực, trình độ của công chức.

Nhìn chung, chưa có đơn vị, địa phương nào thực hiện được quy định công chức 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác. Công chức 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc như quy định trong Luật Cán bộ, công chức.

Việc đánh giá để làm căn cứ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo ở một số đơn vị chưa đúng quy trình; thiếu dân chủ, công khai trong quá trình thực hiện, do đó, nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, độ tuổi, điều kiện hồ sơ thủ tục vẫn thực hiện bổ nhiệm; có huyện, ngành bổ nhiệm quá số lượng cấp phó của các phòng, ban chuyên môn, cơ quan, đơn vị trực thuộc so với quy định trong cơ cấu tổ chức bộ máy.

Một phần của tài liệu Xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước ở Tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay (Trang 65)