Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 197 Bộ luật hình sự

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 67)

trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 197 Bộ luật hình sự

Theo khoản 4 Điều 197 Bộ luật hình sự, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:

* Gây tổn hại cho sức khỏe nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên: Thông tư số 17/2007/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA quy định: gây tổn hại cho sức khỏe nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên là trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên. Hậu quả có từ hai người trở lên bị tổn hại đến sức khỏe có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên phải đều do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gây ra thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 của điều luật.

Nếu có từ 3 người trở lên bị tổn hại đến sức khỏe, trong đó có một người có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên còn những người còn lại tuy tỷ lệ

thương tật của mỗi người chưa đến 61% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 61% trở lên thì theo ý kiến của chúng tôi, người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999.

* Gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: Tình

tiết "gây chết nhiều người" quy định tại khoản này cũng tương tự như tình tiết gây chết người quy định tại điểm a khoản 3 của điều luật, nhưng khác ở mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội là gây chết từ hai người trở lên.

Khi xác định trường hợp phạm tội này cần lưu ý chỉ khi có từ hai người chết do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp gây ra mới thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 điều luật. Tuy nhiên, nếu hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chưa gây ra hậu quả chết ngay cho người sử dụng chất ma túy mà sau đó một thời gian người sử dụng ma túy mới bị tử vong do chính hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản này. Ví dụ: N

tổ chức tiêm chích ma túy cho Th, H và B. Do dùng quá liều nên H và B bị sốc thuốc phải đưa vào viện cấp cứu, sau 10 ngày B chết và sau 15 ngày thì H cũng bị tử vong.

"Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác" do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gây ra được coi tương đương với hậu quả gây chết nhiều người, nên khi xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cũng cần phải đánh giá tương ứng với hậu quả gây chết từ hai người trở lên. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gây ra như gây dư luận đặc biệt xấu, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội hoặc làm cho bệnh dịch lây lan ở khu vực dân cư rộng lớn, v.v...

Như vậy, hình phạt đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại khoản 4 Điều 197 Bộ luật hình sự hiện hành (theo Nghị quyết số 33/2009/NQ-QH12 ngày 19/06/2009 của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa

đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999) có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 đã hủy bỏ hình phạt tử hình mà đưa ra mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Đây là điểm mới của Bộ luật hình sự hiện hành, thể hiện chủ trương cải cách tư pháp, chủ trương nhân đạo hóa của Đảng và Nhà nước ta.

Trong giai đoạn hiện nay, việc bãi bỏ, duy trì hay khôi phục hình phạt tử hình đang được Đảng và Nhà nước, xã hội và các nhà luật học đặc biệt quan tâm. Đây không chỉ là vấn đề pháp lý hình sự mà còn liên quan đến các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, đạo đức và dư luận xã hội, v.v... Vì vậy, việc duy trì hay bãi bỏ hình phạt tử hình không nên phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà làm luật mà phải cân nhắc thận trọng các yếu tố trên. Tại Việt Nam, căn cứ vào tình hình thực tế của nước ta, việc giữ lại hình phạt tử hình là có cơ sở. Lịch sử đất nước đã trải qua bao cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm mới giành được độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn luôn tìm mọi cách chống phá những thành quả mà cách mạng mang lại. Đảng, Nhà nước và toàn dân ta phải đấu tranh không ngừng. Trong cuộc đấu tranh mới này, pháp luật hình sự được xem là công cụ sắc bén, hữu hiệu nhất. Hiện nay, Nhà nước ta đã và đang xây dựng nền kinh tế thị trường với chính sách mở cửa giao lưu quốc tế, bởi vậy một số tội phạm vốn dĩ đã nguy hiểm, nay có điều kiện càng nâng cao tính nguy hiểm và gây nguy hại nghiêm trọng cho xã hội, chẳng hạn nhóm tội phạm về tham nhũng, ma túy, xâm hại tình dục trẻ em,… Để đấu tranh phòng ngừa và chống hữu hiệu các loại tội phạm này, cần thiết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất. Chính vì những lý do trên, ở nước ta, việc bãi bỏ hình phạt tử hình trong luật hình sự hiện nay là không thể áp dụng và chỉ là hạn chế bớt việc áp dụng hình phạt này trong một số tội phạm cụ thể sau khi xem xét tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đó.

Trong nội dung Nghị quyết 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng nêu rõ định hướng chính sách hình sự của Đảng và

Nhà nước ta là duy trì hình phạt tử hình nhưng hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Theo đó, lại mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện của nước ta và xu hướng giảm dần, tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình trên thế giới.

Việc hủy bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh trên và tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không có nghĩa là nhà làm luật chỉ dựa trên cơ sở đánh giá các tội phạm đó không nguy hiểm đến mức phải chịu hình phạt tử hình mà chính là thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước, xét thấy người phạm tội vẫn có khả năng cải tạo nên đã tạo cơ hội cho người phạm tội có điều kiện cải tạo và sửa chữa sai lầm, nâng cao và tôn trọng quyền sống của con người. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nâng cao tác dụng phòng ngừa của hình phạt ở cả hai phương diện: phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung. Phòng ngừa riêng thế hiện: với mức án cao nhất là tù chung thân, hình phạt này đã đủ để dạy cho người phạm tội một bài học là đừng lặp lại hành vi phạm tội. Đồng thời, hình phạt cũng nhằm mục đích tạo cơ hội cho người phạm tội cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật. Đối với phòng ngừa chung, hình phạt vẫn đủ để khiến người khác (không phải người phạm tội) sợ phải gánh chịu hậu quả tương tự như người phạm tội, do đó ngăn ngừa họ phạm tội. Nếu vẫn áp dụng hình phạt tử hình trong trường hợp này hoặc một số tội danh khác mà xét thấy người phạm tội vẫn có khả năng cải tạo thì sẽ triệt tiêu đi phần quan trọng của tác dụng phòng ngừa riêng của hình phạt. Đối với các tội phạm mà mức độ nguy hiểm của hành vi quá lớn, xét thấy người phạm tội không thể có khả năng cải tạo như tội giết người (khoản 1 Điều 93), tội hiếp dâm trẻ em (khoản 4 Điều 112), tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (khoản 4 Điều 194), … thì việc duy trì hình phạt tử hình là hoàn toàn

đúng đắn, là biện pháp để bảo vệ lợi ích và quyền được sống của các công dân khác trong xã hội.

Tóm lại, đường lối xử lý đối với người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 được chia thành nhiều khung hình phạt khác nhau, căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Hình phạt thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là hình phạt tù chung thân.

Ngoài hình phạt chính, theo khoản 5 của Điều 197, người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. So với hình phạt bổ sung quy định tại Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào mức tiền phạt thì khoản 5 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn vì mức tiền phạt quy định tại Điều 185 (o) là từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên việc áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại Điều 185(o) là bắt buộc, còn hình phạt bổ sung quy định tại Điều 197 thì tùy từng trường hợp có thể áp dụng hoặc không áp dụng. Trên thực tế cho thấy, người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thường bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, còn hình phạt quản chế và cấm cư trú rất ít được áp dụng. Điều này đã thể hiện tinh thần trừng trị nghiêm khắc của Đảng và Nhà nước đối với tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)