Mặt khách quan của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 44 - 57)

Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự, tức là sự thể hiện cách xử sự có tính chất tội phạm trong thực tế khách quan.

* Hành vi khách quan của tội phạm

Trong mặt khách quan của tội phạm, hành vi khách quan là biểu hiện cơ bản, là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Khi nghiên cứu hành vi tổ chức sử

dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt với tình tiết phạm tội có tổ chức (đồng phạm có tổ chức) và người tổ chức trong vụ án có đồng phạm.

Như đã phân tích trong mục 1.1 của luận văn, dấu hiệu tổ chức trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định là hành vi phạm tội, là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm. Dấu hiệu phạm tội có tổ chức hay đồng phạm có tổ chức (ở 78 điều luật của Phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự) là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt (điểm a khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự hiện hành). Phạm tội có tổ chức (khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự hiện hành) là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Vì vậy, phạm tội có tổ chức nhất thiết phải có từ hai người trở lên, là một hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm, có quan hệ chỉ huy - phục tùng giữa những người cùng thực hiện tội phạm, phương hướng hoạt động, phải lâu dài, bền vững. Người tổ chức trong vụ án có đồng phạm là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Như vậy trong vụ án đồng phạm có người tổ chức thì bắt buộc phải có người thực hành, nghĩa là cũng phải có từ hai người trở lên cùng thực hiện tội phạm còn đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có thể do một người thực hiện tội phạm hoặc có thể tội phạm được thực hiện dưới hình thức đồng phạm. Trên thực tế, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thường do nhiều người thực hiện.

Tóm lại, theo ý kiến của chúng tôi, hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 197của Bộ luật hình sự hiện hành là tội phạm có dấu hiệu "có tổ chức" là đặc điểm bắt buộc của hành vi phạm tội và ở cả phương thức thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội có hành vi tổ chức cho người khác thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác.

Theo Thông tư số 17/2007/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ban hành ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của Bộ luật hình sự năm 1999 thì hành vi của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi tổ chức sử dụng các chất ma túy trái với quy định của Nhà nước, gồm một trong các hành vi sau đây:

- Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác

Theo Từ điển Tiếng Việt do Trung tâm Từ điển học phát hành: "Chỉ huy" là điều khiển sự hoạt động của một lực lượng, một tập thể có tổ chức. "Điều hành" là hướng dẫn cho mọi hoạt động chung diễn ra theo một đường lối, chủ trương nhất định. "Phân công" là giao cho làm một phần việc nhất định nào đó.

Trường hợp này, người phạm tội thực hiện hành vi của mình như người tổ chức trong vụ án có tổ chức và việc chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động nhằm để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác. Để chỉ huy, phân công và điều hành được các hoạt động đưa chất ma túy vào cơ thể người khác thì người phạm tội phải có một vai trò và quyền uy nhất định.

Tuy nhiên hành vi chỉ huy, phân công, điều hành hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác có thể do một người thực hiện. Ví dụ: Nguyễn Văn A tự chuẩn bị địa điểm là nhà ở của mình, sửa lại cho thuận lợi trong việc theo dõi công an và trốn chạy khi bị phát hiện như gia cố tường bao quanh nhà, v.v.. Đồng thời tự A đi tìm nguồn ma túy đem về tiêm chích cho một số đối tượng bạn bè, anh em…với hi vọng tạo ra tụ điểm thu hút các đối tượng nghiện hút để sau đó A sẽ sử dụng nhà ở làm nơi vừa tiêu thụ, bán ma túy kiếm lợi, vừa là nơi sử dụng an toàn cho các con nghiện. Hành vi của A tiến hành sau một tháng đã có hơn chục con nghiện ra vào thường xuyên và đã bị công an phát hiện, bắt giữ. Trong trường hợp này, A phải bị coi là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Nhưng trên thực tế các vụ án cho thấy, hành vi này thường do nhiều người thực hiện và có tổ chức chặt chẽ. Trong đó có sự phân công người canh gác, người chuyên dẫn dắt các con nghiện đến địa điểm sử dụng trái phép chất ma túy, người điều hành việc pha chế ma túy, người chuẩn bị phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, người trực tiếp tiêm chích ma túy cho con nghiện,...

Người phạm tội trong trường hợp này không chỉ chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác mà còn cung cấp ma túy, phương tiện, dụng cụ cho đồng bọn để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác. Do đó khi xem xét trách nhiệm hình sự của người phạm tội cần chú ý xem xét cả hành vi phạm tội khác đối với họ như: hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoặc phương tiện dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác là hoạt động đưa chất ma túy vào cơ thể người khác trái với quy định quản lý và sử dụng chất ma túy của Nhà nước bằng mọi cách như: trực tiếp tiêm, chích, v.v... vào cơ thể người khác. Hành vi của các con nghiện tự mình hoặc nhờ người khác

đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể mình dưới bất kỳ hình thức nào (như hút, hít, uống, tiêm, chích…) nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng chất ma túy không được coi là hành vi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong trường hợp này cũng cần phân biệt với hành vi của hai, ba con nghiện tụ tập nhau lại, có bàn bạc thỏa thuận địa điểm, góp tiền, phân công một con nghiện đi mua ma túy, v.v... về để chính họ sử dụng hoặc tiêm chích cho nhau thì cũng không được coi là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị xử lý hành chính về hành vi "sử dụng trái phép chất ma túy" hoặc "tội tàng trữ trái phép chất ma túy".

Hành vi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác có thể vì mục đích vụ lợi hay mục đích cá nhân khác. Thông tư liên ngành số

01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 2/1/1998 hướng dẫn rằng chỉ coi là phạm tội khi đưa ma túy vào cơ thể người khác có mục đích vụ lợi. Tuy nhiên, trong thực tiễn, chúng tôi thấy người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn có thể thực hiện hành vi phạm tội với bất kỳ động cơ, mục đích nào như do thù hằn cá nhân nên đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác để gây nghiện cho họ, v.v... và tất nhiên chủ yếu vẫn là do vụ lợi.

- Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị cung cấp chất ma túy,

địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy

Đây là các hành vi nhằm mục đích đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác nhưng không phải chỉ huy, phân công, điều hành hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác một cách trực tiếp mà thông qua các hành vi sau:

+ Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất, …) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác

Hành vi chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị chất ma túy là hành vi có chủ định trước của người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thể hiện dưới nhiều hình thức như: phân công nhiệm vụ đi tìm nguồn ma túy, phân công việc chia các liều ma túy thành các gói nhỏ để cung cấp cho các đối tượng nghiện, phân công việc đóng gói ma túy, phân công việc pha trộn các chất độn để giảm giá thành, v.v... nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác. Người thực hiện các hành vi nêu trên theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Hành vi chuẩn bị chất ma túy có thể nhằm mục đích tự sử dụng để thỏa mãn cơn nghiện hoặc để bán. Vì vậy đối với trường hợp chuẩn bị ma túy cấu thành tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì phải xác định được

người chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị ma túy để nhằm mục đích đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác. Người chuẩn bị chất ma túy có thể tự đưa chất ma túy vào cơ thể người khác, nhưng cũng có thể do chính người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc người khác thực hiện hành vi đưa chất ma túy vào cơ thể người mà họ mong muốn.

+ Chỉ huy, phân công, điều hành việc cung cấp chất ma túy (trừ hành

vi bán trái phép chất ma túy) dưới bất kỳ hình thức nào cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy

Đây là trường hợp người phạm tội có chất ma túy dưới bất kỳ nguồn nào (như mua được, xin được, được cho, được gửi giữ, nhặt được, v.v...) rồi đem chất ma túy đó cung cấp cho người người khác để họ sử dụng. Hành vi cung cấp này có thể là tặng, cho… và mang tính chất thường xuyên, nhiều lần. Nếu bán chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Hành vi chỉ huy, phân công, điều hành việc cung cấp chất ma túy thể hiện dưới nhiều hình thức như: phân công người đi tìm nguồn ma túy, chỉ huy người khác đem chất ma túy cho một số đối tượng nhằm lôi kéo họ đến sử dụng ma túy, phân công người thưởng liều ma túy cho các con nghiện dụ dỗ được người khác đến tụ điểm sử dụng ma túy, v.v... Người thực hiện các hành vi cung cấp ma túy nêu trên theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người tổ chức được coi là người đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Nhưng nếu chỉ có một người mà cung cấp chất ma túy cho người khác sử dụng trái phép thường xuyên, nhiều lần thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Khác với hành vi chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị chất ma túy nhằm mục đích đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác, hành vi cung cấp chất ma túy không cần xác định mục đích, chỉ cần cung cấp ma túy cho người khác sử dụng (trừ hành vi bán ma túy) thì được coi là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Hiện nay, bọn tội phạm dùng mọi thủ đoạn để mở rộng mạng lưới tiêu thụ ma túy như thưởng liều ma túy (sử dụng miễn phí) cho các đối tượng nghiện dẫn dắt được nhiều con nghiện mới; dụ dỗ, cho sử dụng ma túy không thu tiền, đến khi nghiện thì khống chế, ép buộc thanh toán tiền số ma túy đã sử dụng, hoặc bán giá cao hơn để thu hồi vốn, v.v... Không những thế chúng còn cung cấp ma túy cho con cái các gia đình giàu có hoặc con cái những người có mối thù hằn cá nhân v.v... Nguy hiểm hơn các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy lấy hàng chất lượng thấp, không quan tâm đến tác hại của các chất pha trộn, cố gắng giảm giá thuốc xuống thấp nhất để kích cầu. Do vậy, với giá thuốc thấp, dễ sử dụng, thuốc lắc còn được coi như là món quà sành điệu để giới trẻ tặng nhau trong các ngày lễ, dịp sinh nhật, v.v...

Khi xem xét hành vi này cần phân biệt hành vi này với hành vi các con nghiện có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy ở đâu mà có) cung cấp cho người nghiện ma túy khác để cùng sử dụng. Vấn đề này đã được Thông tư số 17/2007/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA hướng dẫn cụ thể như sau: Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy. dụ: A và B đều là những con nghiện nhưng chơi thân với nhau. A và B tới vũ

trường chơi. Tại đây A đã bỏ tiền mua hai viên thuốc lắc cho mình và B cùng sử dụng để lắc theo nhạc mạnh. Trường hợp này A không bị coi là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mà phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy.

+ Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm,

mượn địa điểm, sử dụng địa điểm) thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác

Hành vi chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị địa điểm là hành vi chỉ huy, phân công người đi tìm địa điểm, thuê địa điểm, mượn địa điểm;

phân công người sửa sang lại địa điểm, gia cố địa điểm, v.v... để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác.

Thuê địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác là dùng tiền hoặc tài sản để trả cho người có địa điểm để họ đồng ý cho người phạm tội dùng địa điểm đó để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác.

Mượn địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác là bằng lời nói, cử chỉ hoặc bằng những thủ đoạn khác mà không phải dùng tiền hoặc tài sản để người khác đồng ý cho sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của họ, để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác.

Sử dụng địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác là trường hợp người phạm tội sử dụng chính nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học, khách sạn, nhà hàng, v.v.. hoặc trên các phương tiện giao thông như máy bay, tàu thủy, tàu hỏa, ô tô, thuyền bè, v.v. thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác.

Việc chuẩn bị địa điểm (thuê, mượn, sử dụng) thường đi kèm với hành vi xây dựng, sửa sang địa điểm đó cho phù hợp với việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như lắp đặt hệ thống báo động từ xa, có vị trí quan sát, có

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 44 - 57)