Khách thể của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 41 - 44)

Ma túy là loại độc dược gây nghiện nguy hiểm. Theo quy định của Nhà nước, chỉ một số cơ quan nhà nước mới được phép sản xuất ma túy nhằm mục đích phục vụ cho y học và nghiên cứu khoa học. Sự thống nhất quản lý của Nhà nước về chất ma túy nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng ma túy, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và ngăn ngừa các tội phạm về ma túy.

Hiện nay, việc sản xuất một số chất ma túy chủ yếu được tiến hành trong lĩnh vực y tế nhằm mục đích chữa bệnh. Hoạt động này được quy định chặt chẽ từ khâu quản lý, sản xuất đến khâu buôn bán và sử dụng.

Như vậy, khách thể loại của các tội phạm về ma túy là chế độ quản lý các chất ma túy của Nhà nước ở tất cả các khâu của quá trình quản lý. Khách thể trực tiếp của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là chế độ độc quyền quản lý của Nhà nước về việc sử dụng các chất ma túy. Ngoài ra, hành vi phạm tội còn xâm hại đến các quan hệ xã hội khác như: ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe cộng đồng và lan tràn tệ nạn nghiện hút ma túy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Do ma túy là một loại độc dược nguy hiểm có khả năng gây nghiện rất nhanh cho người sử dụng các chất này. Khi không đáp ứng được nhu cầu, họ sẽ lên cơn vật vã, đau đớn về thể xác, tinh thần... và có thể làm tất cả những gì, kể cả tội ác mà họ cho là cần thiết nhằm giải tỏa cơn nghiện. Bởi vậy, tội phạm ma túy có mối liên hệ mật thiết, là nguồn gốc của các tội phạm tham nhũng, mafia và các tội phạm khác như cướp giật, giết người,… "Qua thống kê thực tế 85% số người nghiện ma túy có tiến án tiền sự liên quan đến tội phạm hình sự; 40% các vụ trọng án là do người nghiện hút ma túy gây ra" [27, tr. 52]. Không những thế, sự lạm dụng ma túy còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác, đặc biệt là sự hủy hoại sức khỏe của bản thân người nghiện ma túy, suy kiệt về thể chất làm cho họ dễ mắc các bệnh nguy hiểm khác như bệnh lao, viêm gan B, nhất là HIV/AIDS.

Tác hại của ma túy là rất lớn, vì vậy Nhà nước độc quyền quản lý với quy định kiểm soát nghiêm ngặt, vì một số lý do khách quan và chủ quan khác nhau, ví dụ như nhằm phục vụ cho các nhu cầu y tế, sản xuất công nghiệp và nghiện cứu khoa học trong nước, v.v.. Theo Điều 17 Luật phòng chống ma túy 2000 quy định: "Việc tồn trữ, bảo quản, kê đơn và bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh tại các cơ sở y tế phải thực hiện theo quy định của Bộ Y tế" [42]. Ngoài ra Điều 19 Luật phòng, chống ma túy cũng chỉ rõ: "Chỉ cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện do Chính phủ quy định mới được phép nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện,

thuốc hướng thần" [42]. Như vậy, mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý và sử dụng các chất ma túy của Nhà nước đều bị coi là tội phạm.

Đối tượng tác động của tội phạm:

Đối tượng tác động của các tội phạm về ma túy nói chung là các chất ma túy và các vật dụng phục vụ sản xuất và sử dụng chất ma túy. Đối tượng tác động chính của tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là chất ma túy. Qua đó hành vi phạm tội xâm hại đến chính sách quản lý và sử dụng các chất ma túy của Nhà nước.

Hiện nay ở Việt Nam, ngoài các chất ma túy thường gặp như thuốc phiện, morphine, hêroin, nhựa cần sa, côcain, methamphetamin, LSD, MDMA,... thì mới đây, theo báo cáo chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát - Viện khoa học hình sự thì các chất ma túy kích thích thần kinh mới trước đây chưa gặp, nay đã xuất hiện ở nước ta như Amphetamine, chất Buprenophine, viên lắc có chứa MDA (trước đây chỉ là chất MDMA). Tại nhiều tỉnh, từ đầu năm 2007 đến nay (đặc biệt là tại vũ trường New Century - Hà Nội ngày 28/4/2007, C21 đã gửi thông báo tới Công An toàn quốc), đã xuất hiện chất ma túy tổng hợp mới được điều chế trên thế giới cuối thế kỷ XX và lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam: chất 2C - B (4 - bromo - 2,5 - dimethoxyphenethylamine). Dự đoán trong thời gian tới sẽ có nhiều chất khác trong nhóm này vào Việt Nam, làm cho tình hình ma túy trong thời gian tới sẽ càng phức tạp hơn.

Ngoài ra, có nhiều chất ma túy được pha trộn với nhau (Amphetamine được trộn với Methamphetamine, MDMA được trộn với MDA,…) làm cho công tác điều tra, giám định càng khó khăn, phức tạp. Không những thế một số tiền chất như Ephedrin, tinh dầu xá xị (degu)... được trộn với một số chất hướng thần như Diazepam (Seduxen), Nimetazepam.... để nhằm làm giả loại ma túy có lợi nhuận cao và gây nhiều khó khăn cho việc xác định các hợp phần trong đó. Thủ đoạn nguy hiểm hơn là trộn bánh heroin với các chất giảm đau như Paracetamol, Cafein, Antipyrine,... hoặc được làm giả hoàn toàn.

Bánh heroin cũng như bao gói các loại ma túy khác được bôi thêm mỡ để tránh sự phát hiện của chó nghiệp vụ. Đồng thời đã xuất hiện nhiều viên ma túy giả như viên hồng phiến giả, viên thuốc lắc giả, thành phần rất phức tạp (đặc biệt ở các tỉnh biên giới như Sơn La, Điện Biên, Quảng Ninh…), không loại trừ một số chất mới mà ta chưa có điều kiện xác định. Theo thông tin từ Ủy ban phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) và Hải quan Châu Á- Thái Bình Dương, các viên thuốc lắc tăng lên rất nhanh ở một số tỉnh của các nước có biên giới giáp các tỉnh phía bắc nước ta..

Theo quan điểm của chúng tôi, người sử dụng chất ma túy cũng là đối

tượng tác động của tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy vì nếu

không có người sử dụng chất ma túy thì không thể có người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Người sử dụng ma túy trong trường hợp này chính là người bị hại - bị người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đưa hoặc mong muốn đưa chất ma túy vào cơ thể. Người sử dụng chất ma túy là đối tượng tác động của tội phạm nhằm mục đích vụ lợi hoặc các mục đích khác, qua đó không chỉ xâm hại đến chế độ quản lý và sử dụng các chất ma túy của Nhà nước mà còn xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người và xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Không những thế, các đặc điểm của người sử dụng chất ma túy - người bị hại có thể được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (phạm tội đối với phụ nữ có thai, trẻ em, người đang cai nghiện, v.v..).

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 41 - 44)