Tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 108 - 114)

Hiện nay các tội phạm ma túy nói chung và tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng không chỉ xảy ra trong phạm vi của một quốc gia mà còn có sự liên kết với các phần tử ở các quốc gia khác hoặc người phạm tội là người có quốc tịch nước ngoài, nhưng các đối tượng này thường khó phát hiện điều tra vì đã trốn về nước, việc đánh giá chứng cứ đối với các đối tượng còn lại cũng gặp nhiều khó khăn. Trong một số trường hợp việc kết án bị cáo là người nước ngoài còn phải cân nhắc đến hoạt động đối ngoại giữa Việt Nam với nước mà bị cáo mang quốc tịch vì đối với một số nước không có hình phạt tử hình đối với tội phạm ma túy. Do đó còn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ để đấu tranh, phát hiện tội phạm được kịp thời, nhanh chóng.

Để thực hiện điều đó, chúng ta phải tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, nhất là với tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Hiệp hội Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANPOL), các nước láng giếng, khu vực ASEAN và các nước có quan hệ truyền thống. Thực hiện có hiệu quả các hiệp định, hiệp ước tương trợ tư pháp về hình sự, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm đã ký kết với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm xuyên quốc gia, có tính quốc tế, tội phạm khủng bố, v.v..

Đào tạo đủ số lượng cán bộ tư pháp có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.

KẾT LUẬN

Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng chống ma túy là một vấn đề được đặt lên hàng đầu và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Ban, Ngành cũng như đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động. Bên cạnh việc ban hành hệ thống các văn bản pháp luật quy định về tội phạm ma túy như: Bộ luật hình sự năm 1999, Luật phòng chống ma túy, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã kịp thời ban hành các thông tư, chỉ thị, nghị quyết hướng dẫn việc thi hành pháp luật nói chung và biện pháp đấu tranh phòng, chống ma túy nói riêng nhằm từng bước ngăn chặn và đẩy lùi sự phát triển của loại tội phạm này, góp phần tích cực ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Các Ban, Ngành trong cơ quan bảo vệ pháp luật đã chú trọng phối hợp chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực hoạt động tư pháp, nhất là trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về ma túy và liên quan đến ma túy nên đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Các đề án xây dựng pháp luật, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống ma túy được thành lập và hoạt động tích cực, làm cho các phong trào đấu tranh chống tội phạm ma túy phát triển cả về bề dày và bề sâu.

Bởi vậy, để hưởng ứng lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế "Đoàn kết chống lại thảm họa hàng đầu của thế giới trong thập kỷ 21", cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy ở Việt Nam đã mang một khí thế mới, một sức mạnh mới. Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy như phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy trong từng giai đoạn, lấy tháng 6 hàng năm là "Tháng hành động phòng, chống ma túy" và ngày 26/6 là "Ngày toàn dân phòng chống ma túy". Đồng thời phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống ma túy, trong đó có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Mặt khác, tiến hành củng cố bộ

máy tổ chức như thành lập Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; thành lập Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy (C17) thuộc Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo sức mạnh đồng bộ trong cuộc đấu tranh chống tội phạm về ma túy, như hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, ký kết các hiệp định song phương với các nước trên thế giới về hợp tác phòng chống tội phạm ma túy như Myanma (1995), Hungari, Campuchia, Lào, Thái Lan, Nga (1998), Hoa Kỳ (2004),…

Thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm ma túy các năm 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010 và các chỉ thị, nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ và của Chính phủ về việc triển khai Chương trình hành động phòng chống ma túy, công tác phòng chống tội phạm ma túy nói chung và tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng đã có những thành công lớn. Các vụ án mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy lớn đã bị phát hiện, truy tố, xét xử như: vụ án Nguyễn Xuân Thủy ở Sơn La, vụ Dương Cao Sơn ở Hà Nội, vụ New century ở Hà Nội, vụ Bar 198V ở Bùi Thị Xuân, Hà Nội và vụ UFO ở Hải Phòng, v.v... Đặc biệt, các vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy năm 2010 đã giảm đáng kể, chỉ còn 14 vụ/17 bị cáo tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự là tội phạm có dấu hiệu "có tổ chức" là đặc điểm bắt buộc của hành vi phạm tội và ở cả phương thức thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội có hành vi tổ chức cho người khác thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác. Hành vi này thường do nhiều người thực hiện, dưới hình thức đồng phạm hoặc cũng có thể chỉ do một người thực hiện. Từ đó có thể rút ra định nghĩa khoa học của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như sau: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi cố ý của một hoặc nhiều người trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực

hiện, bao gồm: chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác hoặc chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ, dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng trái phép chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác một cách thuận lợi.

Tội tổ chức dùng chất ma túy lần đầu tiên được quy định trong Luật, tại Điều 203 Bộ luật hình sự năm 1985 - cũng là điều luật duy nhất quy định về tội phạm ma túy. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, ngày 21/12/1998, Bộ luật hình sự năm 1999 ra đời quy định tội phạm ma túy gồm 10 tội, trong đó tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Đến ngày 19/6/2009, Quốc hội khóa 12 tại kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, có hiệu lực từ 1/1/2010, trong đó tại khoản 4 Điều 197 tội "tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" đã bỏ hình phạt tử hình, quy định mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Như vậy, căn cứ pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự một người về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là Bộ luật hình sự 1999 hiện hành và Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP (thay thế Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2/1/1998 và Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 05/8/1998). Tuy nhiên, việc áp dụng các văn bản này vào thực tiễn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc không chỉ trên phương diện lập pháp hình sự, mà cả thực tiễn xét xử, mà những nội dung này chúng tôi đã phân tích, đồng thời chỉ ra nguyên nhân cơ bản của thực trạng đó. Pháp luật chỉ đi vào cuộc sống khi các quy định của nó phù hợp thực tiễn. Thực tiễn xét xử là sự kiểm nghiệm tính đúng đắn của các quy phạm pháp luật và nó cũng là cơ sở để xây dựng xã hội thực hiện pháp luật. Do đó, chúng tôi đã xây dựng mô hình lý luận của tội phạm này với việc sửa đổi, bổ sung Điều 197 Bộ luật hình

sự năm 1999 cho phù hợp hơn. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này đòi hỏi cần có những giải pháp sau:

1) Tăng cường công tác hướng dẫn, giải thích các quy định của Bộ luật hình sự trong tương quan với các văn bản pháp luật khác về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

2) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

3) Phối hợp các cơ quan, tổ chức với các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án để phòng ngừa, ngăn chặn và xét xử nghiêm minh tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

4) Giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm và tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác điều tra, truy tố, xét xử và cán bộ làm công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy

5) Tăng cường, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp.

6) Tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp.

Các giải pháp này có ý nghĩa rất quan trọng không những trên phương diện xã hội - pháp lý hình sự mà còn cả trên phương diện tội phạm học, để nhằm mục đích phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả hơn đối với các hành vi phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, qua đó đảm bảo xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội, tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, đồng thời còn có tác dụng răn đe, giáo dục người khác không phạm tội, xây dựng một xã hội lành mạnh, bài trừ tệ nạn ma túy và hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đây chính là yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội trong phòng ngừa tội phạm, tiến tới thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2011-2015) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam:

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại [14, tr. 207].

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 108 - 114)