Mặt chủ quan của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 57 - 59)

Tội phạm là một thể thống nhất giữa các yếu tố khách quan và chủ quan. Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của sự xâm hại nguy hiểm

đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi, động cơ, mục đích.

Đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, lỗi của người phạm tội luôn là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội tổ chức thấy rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước khả năng xảy ra hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn thực hiện.

Mục đích của người phạm tội tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là nhằm đưa chất ma túy vào cơ thể người khác trái phép. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội là nhằm đưa chất ma túy vào cơ thể người khác thì không phải là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy trường hợp cụ thể người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy hoặc tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy hoặc tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Bởi vậy, trong nhiều tội phạm, dấu hiệu mục đích được quy định là dấu hiệu tùy nghi nhưng đối với tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì dấu hiệu mục đích lại là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm.

Người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có nhiều động cơ khác nhau nhưng chủ yếu là vì vụ lợi. Do ma túy là mặt hàng mang lại lợi nhuận rất cao, nhưng cũng có thể do nhiều động cơ khác rất nguy hiểm như thù hằn cá nhân, động cơ đê hèn nên muốn đưa chất ma túy vào cơ thể người khác để gây nghiện, v.v. Động cơ có thể được xác định là dấu hiệu tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội phạm này như "Phạm tội vì động cơ đê hèn" (điểm đ khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự hiện hành).

Việc phân tích động cơ, mục đích phạm tội của các tội phạm về ma túy chỉ có thể dừng ở các nội dung biểu hiện mà khó có thể tách bạch nội dung biểu

hiện nào là động cơ, nội dung biểu hiện nào là mục đích phạm tội vì ở những chủ thể phạm tội khác nhau, những trường hợp phạm tội khác nhau, cùng một nội dung biểu hiện lại được đánh giá khác nhau là nhu cầu, động cơ hay mục đích phạm tội; có trường hợp lại có nhiều động cơ, mục đích phạm tội.

Động cơ, mục đích phạm tội của người phạm tội về ma túy nói chung và người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng đa số thu lợi được coi là mục đích phạm tội.

Có tới 76,5% các trường hợp phạm tội về ma túy được nghiên cứu và kết luận là nhằm thu lợi nhuận qua việc phạm tội về ma túy nhưng mục đích kiếm tiền đó lại lại xuất phát từ những động cơ phạm tội cụ thể rất khác nhau như có tiền để thỏa mãn nhu cầu nghiện ma túy của mình hoặc của người thân, có tiền để ăn chơi, sống hưởng thụ, có tiền để nuôi con, kiếm sống, …[29, tr. 31].

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 57 - 59)