Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 60)

trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự

Theo khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

* Phạm tội nhiều lần: Theo hướng dẫn tại khoản 2 Thông tư số 17/2007/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA thì tình tiết "phạm tội nhiều lần" được hiểu là có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy), mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật này, đồng thời trong số các lần phạm tội chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được coi là "phạm tội nhiều lần" nữa. Mặt khác, Thông tư số 17/2007/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA tại điểm 3 khoản 2 Mục I đã có quy định: người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy… đối với một người từ hai lần trở lên cũng bị coi là phạm tội nhiều lần.

* Đối với nhiều người: Phạm tội đối với nhiều người là phạm tội đối

với từ hai người trở lên. Thông tư số 17/2007/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BTP-BCA tại điểm 4 khoản 2 mục I hướng dẫn: "phạm tội đối với nhiều người" được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (ví dụ: Trong một lần phạm tội tổ chức cho từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy). Như vậy, nếu phạm tội đối với nhiều người nhưng trong các lần phạm tội khác nhau thì không thuộc trường hợp này. Ví dụ: A tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với hai

người nhưng mỗi lần chỉ tổ chức cho một người sử dụng.

* Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên: Trong luật hình

sự Việt Nam người chưa thành niên là đối tượng được bảo vệ đặc biệt do đây là đối tượng dễ bị kích động, lôi kéo, khả năng nhận thức chưa cao, bởi vậy hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cho người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên được quy định là tình tiết tăng nặng định khung.

Người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi. Khi áp dụng tình tiết này cần phân biệt với khái niệm người chưa thành niên với khái niệm trẻ em. Trẻ em cũng là người chưa thành niên, nhưng là người dưới 16 tuổi. Việc xác định tuổi của người sử dụng chất ma túy không căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mà căn cứ vào tuổi thật của người chưa thành niên, dựa trên giấy khai sinh và các tài liệu liên quan như hộ khẩu, hộ tịch của họ. Trong trường hợp không có các giấy tờ trên thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác minh, điều tra. Nếu sau khi xác minh vẫn không xác định được thì áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

* Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai: Đây là trường hợp người phạm tội biết rõ người mình tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là phụ nữ đang có thai. Bởi vậy hành vi phạm tội này phải thỏa mãn hai điều kiện: về yếu tố chủ quan, người phạm tội phải biết rõ người mình tổ chức cho sử dụng

trái phép chất ma túy đang có thai mà vẫn thực hiện hành vi phạm tội. Đồng thời, tình tiết có thai là dấu hiệu khách quan thuộc về người sử dụng trái phép chất ma túy, tức là người phụ nữ sử dụng trái phép chất ma túy phải có thai thật thì người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Tuy nhiên, trường hợp này tồn tại một số vấn đề: Hoặc là, nếu người phụ nữ sử dụng trái phép chất ma túy có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì sẽ không thuộc trường hợp phạm tội "Đối với phụ nữ biết là đang có thai" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 197, mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "Phạm tội đối với phụ nữ đang có thai" quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; Hoặc trong trường hợp người phụ nữ sử dụng trái phép chất ma túy không có thai nhưng người phạm tội tin lầm là có thai nên vẫn tổ chức cho họ sử dụng trái phép chất ma túy thì cũng không bị coi là phạm tội đối với phụ nữ mà biết là đang có thai vi thực tế không có dấu hiệu khách quan là người phụ nữ đang có thai.

Người phụ nữ đang có thai mà sử dụng ma túy thì có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng khó lường không chỉ đối với họ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi như nhiễm HIV/AIDS, sẩy thai,… Bởi vậy hành vi tổ chức cho người đang có thai sử dụng ma túy phải được xem là hành vi rất nguy hiểm, trái với quy định về sử dụng trái phép chất ma túy của Nhà nước. Theo điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự chỉ cần xác định người bị hại là phụ nữ đang có thai thì đủ căn cứ xác định là tình tiết tăng nặng, không cần phải xác định người phạm tội có biết hay không biết rõ người bị xâm hại là phụ nữ có thai hay không. "Phụ nữ có thai" được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đang có thai hay không hoặc

giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ có thai hay không phải căn cứ vào kết quả của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.

* Đối với người đang cai nghiện: Đây là trường hợp người phạm tội tổ chức cho người đang cai nghiện sử dụng trái phép chất ma túy. Người đang cai nghiện là người đã nghiện ma túy đang được cai nghiện trong trung tâm cai nghiện hoặc cai nghiện tại nơi ở theo sự chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn. "Đang cai nghiện" là người nghiện ma túy đã bắt đầu cai nghiện và đến thời điểm mà hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra vẫn chưa kết thúc thời gian cai nghiện. Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cho người đang cai nghiện chỉ phụ thuộc vào yếu tố khách quan là người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian cai nghiện chứ không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan là người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có biết người mà mình đưa chất ma túy vào cơ thể của họ là người đang cai nghiện hay không.

* Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%: Đây là trường hợp do tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nên đã làm cho người sử dụng ma túy bị tổn hại sức khỏe từ 31% đến 60%.

Tuy nhiên những tổn hại do sử dụng trái phép chất ma túy gây ra thường khó xác định được là mất bao nhiêu phần trăm (%) sức khỏe mà thường là do tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nên đã làm cho người sử dụng bị sốc thuốc, bị tai biến phải đưa đi cấp cứu dẫn đến tổn hại sức khỏe cho người sử dụng. Khi xác định trường hợp phạm tội này cần lưu ý đến mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Nếu hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không là nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn hại sức khỏe cho người khác thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: A tiêm chích ma túy cho B. Sau khi tiêm xong, A bảo B nằm nghỉ cho đỡ mệt rồi hãy về, nhưng B không nghe mà cứ lấy xe máy về. Khi đi trên đường B bị xe khác đâm, ngã gãy chân có tỷ lệ thương tật là 35%.

Nếu do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhưng không gây tổn hại cho sức khỏe người sử dụng mà gây tổn hại cho sức khỏe người khác thì người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Ví dụ: Đ pha chế ma túy để tiêm chích cho

con nghiện, nhưng do không thành thạo và không hiểu biết về hóa chất nên gây nổ làm bị thương cháu H (con của Đ) mới 6 tháng tuổi làm cháu A bị mù một mắt có tỷ lệ thương tật là 45%.

* Gây bệnh nguy hiểm cho người khác: Đây là trường hợp do tổ chức

sử dụng trái phép chất ma túy mà làm cho người nghiện ma túy hoặc người khác bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp phạm tội này cũng cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi "tổ chức" và hậu quả "gây bệnh nguy hiểm" cho người khác. Trường hợp phạm tội này không phải tình tiết thuộc mặt chủ quan mà là tình tiết thuộc mặt khách quan của tội phạm (tình tiết về hậu quả gây bệnh cho người khác) và hậu quả này người phạm tội không mong muốn nhưng có thể bỏ mặc hoặc có thể ngoài ý muốn chủ quan (không nhận thức được hậu quả).

Được coi là bệnh nguy hiểm là những bệnh không có khả năng cứu chữa, dễ dẫn đến tử vong hoặc tuy không dẫn đến tử vong nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe suốt đời như bệnh lao, viêm gan B, HIV/AIDS, v.v.. lây qua đường tiêm chích, hút, hít.

Trong số những người nghiện ma túy có 30% mắc bệnh da liễu, 50% mắc bệnh lao, 25% bị bệnh gan và khoảng 8% có các triệu chứng tâm thần. Đặc biệt, trong số hơn 28.000 người nhiễm HIV và mắc các bệnh AIDS ở Việt Nam thì có tới 70% là do tiêm chích ma túy bị lây nhiễm [27, tr. 51].

Khi xác định trường hợp phạm tội này, cần phân biệt với trường hợp "Lây truyền HIV cho người khác" (Điều 117 Bộ luật hình sự) và trường hợp "Cố ý truyền HIV cho người khác" (Điều 118 Bộ luật hình sự). Nếu

người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác bằng cách tiêm chích ma túy thì ngoài tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lây truyền HIV cho người khác" (Điều 117). Nếu người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy biết người khác bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho những người sử dụng trái phép chất ma túy bằng cách tiêm chích ma túy thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý truyền HIV cho người khác" (Điều 118).

Nếu cố ý gây bệnh cho người khác (không phải HIV) bằng cách tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì ngoài tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" (Điều 104 Bộ luật hình sự).

* Tái phạm nguy hiểm: Tình tiết "tái phạm nguy hiểm" là tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội, có ý nghĩa trong việc định tội, định khung và quyết định hình phạt. Được coi là "tái phạm nguy hiểm" trong trường hợp này là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 197, hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 197 Bộ luật hình sự.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 60)