Giai đoạn từ sau khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 27 - 31)

đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999

Sau khi đất nước thống nhất, do yêu cầu về sử dụng dược liệu từ thuốc phiện nên Nhà nước đã khoanh vùng phát triển cây thuốc phiện ở 12/13 tỉnh miền núi phía Bắc để thu mua thuốc phiện. Năm 1985-1986 là năm có diện tích trồng cây thuốc phiện lớn nhất, lên tới 19000 ha. Việc trồng cây thuốc phiện đã vượt quá yêu cầu thu mua và tiêu thụ của ngành Y tế, dẫn đến hậu quả tất yếu là số lượng người buôn bán, nghiện hút thuốc phiện tăng lên rõ rệt, không chỉ dừng ở các vùng miền núi cao, thôn bản mà đã tràn xuống các thành phố, thị xã. Đến những năm 80, tình hình tái trồng cây thuốc phiện, hút, tiêm chích thuốc phiện ngày càng gia tăng, đặc biệt đã xuất hiện một số chất ma túy mới như heroin, cần sa…

Ngày 27/6/1985, Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, lần đầu tiên "Tội tổ chức dùng chất ma túy" được quy định trong luật, tại Điều 203 Bộ luật hình sự năm 1985:

1- Người nào tổ chức dùng chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm [38].

Bộ luật hình sự năm 1985 ra đời là một bước ngoặt quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách hình sự của Nhà nước ta. Lần đầu tiên tội "tổ chức dùng chất ma túy" được quy định trong luật, đồng thời cũng là điều luật duy nhất quy định về tội phạm ma túy. Các hành vi khác như sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy chưa được quy định thành một điều luật cụ thể mà mới truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội "buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" (Điều 97) hoặc tội "buôn bán hàng cấm" (Điều 166).

Như vậy, Bộ luật hình sự năm 1985 lần đầu tiên quy định tội "tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm ngăn chặn tệ nạn ma túy. Ngay từ thời kỳ này, Đảng và Nhà nước đã nhận định rõ tính chất nguy hiểm của hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy so với các hành vi phạm tội về ma túy khác. Bởi mức độ ảnh hưởng, tính phức tạp và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của loại tội phạm này. Đồng thời những hành vi của bọn phạm tội như lôi kéo, rủ rê, tạo thành những tụ điểm phức tạp về ma túy còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các loại tội phạm khác. Những quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985 thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh chống các tội phạm về ma túy của Đảng và Nhà nước ta.

Bộ luật hình sự năm 1985 mới chỉ quy định tội "tổ chức dùng chất ma túy", các tội phạm khác chưa được quy định cụ thể nên dẫn đến thiếu sự đồng bộ, do đó việc sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1985 là một đòi hỏi khách quan. Ngày 28/12/1989 Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1985, trong đó tách một số hành vi liên quan đến ma túy thành tội phạm độc lập và quy định trong một điều luật riêng. Như vậy đến thời điểm này, tội phạm ma túy được quy định thành hai tội, ở hai chương khác nhau: "Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy" (Điều 96a) quy định tại Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và "tội tổ chức dùng chất ma túy" (Điều 203) quy định tại Chương các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính (Mục B).

Nội dung hành vi tổ chức dùng chất ma túy được Thông tư liên ngành số 09/TTLN ngày 10/10/1996 của Bộ Nội Vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, giải thích cụ thể: là hành vi rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo môi giới, mua chuộc, khống chế, chứa chấp, tạo địa điểm, phương tiện để tiến hành đưa ma túy vào cơ thể người khác hoặc giúp người khác sử dụng chất ma túy trái với quy định của Nhà nước. Như vậy, hành vi tổ chức dùng chất ma túy được hiểu bao gồm nhiều loại hành vi cụ thể khác nhau.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, ngày 10/5/1997 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1985 lần thứ IV trong đó đã xóa bỏ Điều 203 và quy định một số hành vi hành vi cụ thể thành các tội phạm độc lập bao gồm:

- Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 185k)

- Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 185m). - Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 185i).

Đặc biệt Luật sửa đổi, bổ sung lần thứ IV đã thể hiện sự hoàn thiện trong kỹ thuật lập pháp hình sự: tội danh "Tổ chức dùng chất ma túy" (Điều 203) được sửa đổi thành tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" (Điều 185i) với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Như vậy đã có sự phân biệt giữa hành vi sử dụng ma túy "trái phép" và hành vi sử dụng ma túy "hợp pháp" theo quy định của Nhà nước như trong lĩnh vực y tế và nghiên cứu khoa học. Chỉ những trường hợp tổ chức sử dụng "trái phép" chất ma túy không theo quy định của pháp luật mới bị coi là phạm tội.

Để hiểu rõ nội dung của tội "tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", tránh sự nhầm lẫn trong việc điều tra, truy tố, xét xử với các loại tội phạm khác về ma túy, ngày 2/1/1998, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên ngành số 01/TTLN giải thích: Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 185i là hành vi chuẩn bị địa điểm (như thuê địa điểm, mượn địa điểm) cho việc sử

dụng ma túy trái phép, hành vi chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ cho việc sử dụng trái phép chất ma túy, hành vi đưa chất ma túy vào cơ thể người khác với mục đích vụ lợi…

Thông tư số 01/TTLN năm 1998 đã đưa ra cơ sở phân biệt tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với một số tội phạm khác về ma túy. Tuy nhiên sau khi Thông tư này ban hành vẫn còn nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình xét xử, đòi hỏi phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa về các hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Bởi vậy, Thông tư liên tịch số 02/TTLN-TANDTC-VKSNDTC-BCA ban hành ngày 5/8/1998 đã có sự hướng dẫn cụ thể hơn về các hành vi được coi là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như sau: Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý cũng như tìm địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy (trừ hành vi bán trái phép chất ma túy) để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất, v.v.) nhằm dùng chúng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy cho người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ; chuẩn bị phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất, v.v...) nhằm dùng chúng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; các hành vi khác nhằm giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy (như cho người khác tiền, cho người khác vay tiền để người đó mua chất ma túy sử dụng trái phép; v.v...).

Tóm lại, trong Luật sửa đổi bổ sung lần thứ IV, tội phạm ma túy được quy định thành một chương riêng (Chương VIIa), gồm 14 điều, quy định 13 tội danh. Lý do của việc sửa đổi này là xuất phát từ thực tiễn tội phạm ma túy xảy ra ngày càng nhiều với tính chất ngày càng nghiêm trọng nên Bộ luật hình

sự sửa đổi đã quy định tội phạm ma túy thành một chương riêng thể hiện chính sách hình sự mới của Nhà nước ta là xử lý nghiêm khắc tội phạm về ma túy. Cùng với những quy định tại Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT, đây thực sự là những điểm mới quan trọng trong chính sách hình sự của Nhà nước ta về tội phạm ma túy nói chung và tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng. Đồng thời là những căn cứ vô cùng cần thiết cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 27 - 31)