Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 102 - 104)

Nhằm mục đích đảm bảo nguyên tắc pháp chế trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, không chỉ ở các vùng sâu, vùng xa, nhất là các vùng kinh tế - xã hội còn lạc hậu mà cả ở khu vực thành thị, vùng kinh tế phát triển, tội phạm ma túy ngày càng gia tăng. Thực tế cho thấy, tội phạm ma túy nói chung và tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng lại có chiều hướng phát triển tỷ lệ thuận với sự phát triển về kinh tế và đời sống của con người. Tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chủ yếu tập trung ở đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ăn chơi, đua đòi, có lối sống sa đọa, thích chứng tỏ bản thân bằng ma túy, thuốc lắc. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng này thường tìm thêm bạn, rủ rê tạo thành các nhóm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các địa điểm kín đáo, trá hình, khó phát hiện như nhà nghỉ, khách sạn, quán bar, vũ trường, karaoke hoặc ngay tại nhà riêng, trên xe taxi. Cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường, nền kinh tế có khởi sắc, nhu cầu giải trí của con người nâng cao thì càng nhiều nhà nghỉ, vũ trường, khách sạn, bar, v.v... mọc lên như nấm. Các cơ sở này vì mục đích siêu lợi nhuận đã trở thành các vỏ bọc, tạo điều kiện cho tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, làm cho các cơ quan chức năng khó phát hiện và bắt giữ.

Bởi vậy để giảm bớt các tội phạm về ma túy, đòi hỏi Nhà nước và xã hội phải thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục

pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân qua nhiều hình thức, cách thức khác nhau, nhất là tại các trường học, để cho tất cả người dân đều hiểu biết pháp luật, hiểu được tác hại của ma túy, một mặt tránh vi phạm pháp luật hay phạm tội, mặt khác cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trước nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn và bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết:

Một xã hội có kỷ cương, kỷ luật phải được xây dựng trên ý thức tuân thủ pháp luật ngày càng cao của mọi người, giáo dục mọi thành viên và các cộng đồng trong xã hội thói quen và nếp sống tuân thủ hiến pháp, pháp luật. Đó là một nội dung không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền [34, tr. 89].

Để làm tốt công việc này, theo chúng tôi cần thực hiện những nội dung cụ thể sau:

Một là, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến đường lối,

chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống tội phạm ma túy nói chung và tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng thông qua các câu lạc bộ pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật ở tất cả các cấp thôn, xóm, xã, huyện, tỉnh, trung ương, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như loa đài phát thanh của phường, xã, thôn, xóm, truyền hình địa phương và trung ương, báo chí, tờ rơi, …

Hai là, tăng cường xét xử lưu động, xét xử công khai các vụ án về ma

túy để nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Ba là, phát động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội

phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư, vận động người phạm tội ra tự thú, khai báo thành khẩn, truy bắt đối tượng phạm tội có lệnh truy nã; thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ khen thưởng, biểu dương kịp thời, hỗ trợ để khuyến khích, động viên tất cả quần chúng, nhân dân tham gia phong trào toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bốn là, đưa nội dung cơ bản về giáo dục phòng chống ma túy vào

chương trình giáo dục bắt buộc trong hệ thống nhà trường các cấp, phổ biến, giáo dục cho các em học sinh, sinh viên biết được tác hại và cách phòng tránh ma túy học đường.

Năm là, phát động các phong trào toàn dân xây dựng thôn xóm mới,

đường phố, cơ quan, đơn vị an toàn, xây dựng gia đình văn hóa, bài trừ tệ nạn ma túy. Tổ chức vận động toàn dân tham gia quản lý giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư, tổ chức hướng nghiệp, tạo việc làm, lôi cuốn họ cải tạo họ thành người lương thiện, tái hòa nhập cộng đồng, cai nghiện được ma túy, không tái nghiện và tái phạm tội.

Sáu là, mở rộng các trung tâm cai nghiện ma túy, trung tâm dạy nghề

sau cai nghiện, v.v... để giảm tỷ lệ tái nghiện.

Bảy là, chú ý đến việc giải quyết và đầu tư, xây dựng mới các khu vui

chơi, giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên, quản lý chặt chẽ các nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường, quán nhậu, quán internet, … Bên cạnh đó, cần chú ý đến việc quản lý thanh thiếu niên, trẻ em trong mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, các tổ chức và chính quyền địa phương, bởi đối tượng nghiện ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng trẻ hóa về độ tuổi.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 102 - 104)