Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng tám năm 1945 cho đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 25 - 27)

trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhà nước non trẻ của chúng ta đã phải đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", vừa phải đối phó với giặc đói, giặc dốt, vừa phải tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời Đảng và Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề xây dựng pháp luật nhằm ổn định tình hình chính trị đất nước. Đặc biệt là việc ngăn chặn thuốc phiện, giải quyết hậu quả nặng nề do chính sách cai trị của thực dân Pháp gây ra với chủ trương xóa bỏ triệt để việc sử dụng thuốc phiện. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp Chính phủ bàn về "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.

Tiếp sau đó, ngày 5/3/1952 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 150/TTg quy định việc xử lý đối với những hành vi vi phạm thể lệ quản lý thuốc phiện. Điều 1, 2, 3, 4 của Nghị định quy định khoanh vùng trồng cây thuốc phiện. Người trồng cây thuốc phiện có nghĩa vụ nộp thuế bằng hiện vật là một phần ba số thuốc phiện nhựa, phần còn lại phải bán toàn

bộ cho mậu dịch quốc doanh. Đồng thời Điều 5 quy định: "{Ngoài các cơ quan chuyên trách, không ai được tàng trữ và vận chuyển vận nhựa thuốc phiện đã nấu rồi" [51].

Trên cơ sở Nghị định 150/TTg, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiếp Nghị định 225/TTg ngày 22/12/1952 quy định những người có hành vi vi phạm thể lệ quản lý thuốc phiện của Nhà nước sẽ bị xử phạt như sau: "Tịch thu thuốc phiện tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép; phạt tiền từ 1 đến 5 lần trị giá số thuốc phiện lậu, người phạm tội còn có thể bị truy tố trước Tòa án nhân dân" [51, tr. 375].

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi. Ngay sau khi hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng hệ thống pháp luật mới, trong đó có công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc phiện. Ngày 15/9/1955 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 580/TTg bổ khuyết Nghị định 150/TTg quy định rõ những người vi phạm Nghị định 150/TTg ngày 5/3/1952 trong những trường hợp sau có thể bị đưa ra Tòa án nhân dân xét xử:

Buôn thuốc phiện lậu có nhiều người tham dự và có thủ đoạn để gian lận; tang vật trị giá trên một triệu đồng; buôn nhỏ hoặc làm môi giới nhưng có tính chất thường xuyên, đã thành chuyên môn hoặc đã bị phạt tiền nhiều lần; các vụ có liên quan đến nhân viên chính quyền hoặc bộ đội; không thi hành quyết định phạt tiền của cơ quan Thuế vụ hoặc Hải quan. Người có các hành vi phạm tội nêu trên sẽ bị phạt tù từ 3 đến 5 năm, phạt tiền từ một đến năm lần trị giá thuốc phiện lậu, tịch thu tang vật và các phương tiện dùng để phạm tội [51, tr 402]

Ngoài Nghị định số 580/TTg, Bộ Tư Pháp còn ban hành Thông tư 635-VHH/HS ngày 29/3/1958 quy định về đường lối truy tố đối với việc đặt tiền cọc mua thuốc phiện lậu và Thông tư số 33-VHH/HS ngày 5/7/1958 hướng dẫn đường lối truy tố, xét xử những vụ buôn lậu thuốc phiện.

Như vậy, nhìn chung trong thời kỳ này, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm quản lý việc sử dụng các chất gây nghiện. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy mới chỉ được thể hiện dưới hình thức Nghị định và có các thông tư để hướng dẫn áp dụng pháp luật, chưa có điều kiện ban hành một Bộ luật để quy định thống nhất các tội phạm về ma túy. Đối tượng của tội phạm thời kỳ này chủ yếu là thuốc phiện, hành vi phạm tội được đề cập mới chỉ là hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc phiện, còn tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy vẫn chưa được quy định.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)