Một là, nâng cao nhận thức của chính doanh nghiệp về tầm quan trọng
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài thực sự có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì, bảo vệ và phát triển hoạt động kinh doanh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vi phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý từ phía nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung và đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nói riêng ở nước ngoài để có những biện pháp kịp thời và cần thiết. Khác với hoạt động đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở trong nước, khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, doanh nghiệp cần loại bỏ ngay tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước hoặc cơ quan quản lý. Lý do bởi tại thị trường xuất khẩu, các vấn đề về sở hữu trí tuệ đều được giải quyết bằng pháp luật nước sở tại mà không thể trông chờ có sự can thiệp của các cơ quan trong nước. Chính vì thế, doanh nghiệp cần chủ động trong kế hoạch hành động của mình nhằm đạt được kết quả cao nhất.
Việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp phần lớn phải do các doanh nghiệp chủ động tiếp thu thông tin. Hàng năm, Cục sở hữu trí tuệ vẫn kết hợp với Sở Khoa học - Công nghệ các địa phương tổ chức các cuộc hội thảo, các khóa học ngắn hạn tuyên truyền và phổ biến, cập nhật các kiến thức hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài và các thủ tục cần thiết. Cơ hội tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp là hoàn toàn rộng mở, vấn đề là doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các thông tin đó chứ không nên ỷ lại hay thụ động để trở thành người thiếu hiểu biết trên thị trường thế giới.
Mặt khác, hiện nay, hệ thống các công ty tư vấn luật trên cả nước đã phát triển tương đối cả về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ. Xu hướng lựa chọn các nhà tư vấn luật trong hoạt động kinh doanh của mình không còn lạ lẫm gì đối với các doanh nghiệp. Đây là một trong những cánh cửa hữu hiệu giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với hệ thống pháp luật quốc tế về sở hữu trí
tuệ và các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp chỉ chú tâm vào kinh doanh mà thiếu sự hiểu biết về pháp luật thì việc lựa chọn các văn phòng luật chính là giải pháp tốt nhất. Với kiến thức chuyên môn của các chuyên gia về luật pháp, các văn phòng luật sư hay các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp không chỉ có thể tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc thực thi chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ mà còn có thể đại diện cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi pháp luật của mình. Vì vậy, việc chủ động mời các văn phòng luật sư tư vấn cũng chính là cách thức để doanh nghiệp có cơ hội nâng cao hiểu biết của mình, từ đó nâng tầm nhận thức và ý thức của họ đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài.
Thực tế, khi quan tâm đến hoạt động xuất khẩu chung của các doanh nghiệp Việt Nam, mọi chủ thể đểu có thể nhận thấy rằng, tình trạng bị chiếm đoạt nhãn hiệu do không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài của của doanh nghiệp đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vậy, tại sao doanh nghiệp lại không tự bảo vệ mình trước khi bị tấn công, để rồi phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của có khi vẫn không giành lại được quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa của chính mình?
Hai là, xây dựng chiến lược bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nhằm đạt hiệu
quả cao trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài không phải là một việc đơn giản. Không phải mọi đơn đăng ký bảo hộ của mọi nhãn hiệu đều được chấp nhận. Vì vậy, khi tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài, doanh nghiệp cần có chiến lược bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa một cách cụ thể nhằm đạt được hiệu quả tối đa, nhằm tránh những thiệt hại không đáng có. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị những phương án giải quyết kịp thời trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa của mình.
a.Xác định thị trường xuất khẩu tiềm năng, tạo nhãn hiệu phù hợp với thị trường xuất khẩu và có khả năng bảo hộ mạnh
Ngay khi có dự định xuất khẩu hàng hóa vào một khu vực thị trường nào đó, doanh nghiệp cần phải rà soát ngay kế hoạch hoặc chiến lược xuất khẩu cho thị trường đó. Khi đó, những mặt hàng nào chưa có nhãn hiệu hoặc chưa được đăng ký nhãn hiệu ở thị trường đó thì cần xúc tiến thực hiện ngay việc xây dựng nhãn hiệu và làm thủ tục đăng ký bảo hộ tại nước mà hàng hoá dự định xuất khẩu.Việc xây dựng nhãn hiệu lúc này cần được xây dựng cẩn trọng. Mục đích của việc xây dựng nhãn hiệu là nhằm tạo ra một nhãn hiệu ngày càng có giá trị mà đầu tiên là phải đáp ứng được các yêu cầu bảo hộ, tạo cơ sở pháp lý cho sự tồn tại và phát triển của nhãn hiệu. Theo đó, nhãn hiệu tự phải đủ khả năng phân biệt để có thể chấp nhận bảo hộ, có thể được bảo vệ một cách hợp pháp trên cơ sở quốc tế và có thể bảo vệ triệt để nhãn hiệu hàng hóa khỏi sự xâm phạm cạnh tranh trái phép.
Việc xác định thị trường xuất khẩu tiềm năng rất quan trọng vì thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa khá tốn kém và phức tạp, doanh nghiệp không nên đăng ký tràn lan tránh sự lãng phí. Xác định thị trường xuất khẩu cũng là để tìm hiểu chắc chắn hơn về pháp luật đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa để đạt được hiệu quả tối đa. Hơn nữa, việc xác định thị trường chính là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng một nhãn hiệu hoặc lựa chọn nhãn hiệu để đăng ký phù hợp với văn hóa và ngôn ngữ tại quốc gia đó. Trong một số trường hợp, tên nhãn hiệu lại đi ngược với ý nghĩa ban đầu của nó do thị trường mà nó thâm nhập có ngôn ngữ hoàn toàn khác và dễ dàng bị loại khỏi danh sách được bảo hộ cũng như ít được người tiêu dùng ưa thích. Ví dụ như xe Chevy Nova không nên lưu hành vào thị trường Tây Ban Nha vì "Nova" có nghĩa là "Nó không chạy", hay kẹp uốn tóc của Clairol mang nhãn hiệu "Mist stick" lại không tồn tại được lâu ở thị trường Đức vì "Mist" theo tiếng lóng Đức dùng để chỉ "phân".
Về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa khi đã xây dựng được nhãn hiệu phù hợp và có khả năng bảo hộ cao tại thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp nên tìm đến sự tư vấn của các văn phòng luật để có được những kiến thức chắc chắn và những kinh nghiệm quý báu, không nên tự mò mẫm để tránh tình trạng tổn thất không đáng có về chi phí và tính hiệu quả trong việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở quốc gia đó.
b.Xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường Việt Nam Mặc dù hiện nay Việt Nam đã gia nhập Nghị định thư Madrid, theo đó, nhãn hiệu có thể được đăng ký ở nước ngoài mà không cần có văn bằng chứng nhận đã đăng ký ở Việt Nam nhưng đây vẫn là một thủ tục cần thiết và nên làm. Thứ nhất, hội nhập thế giới đang diễn ra sôi động, sự trao đổi hàng hóa không chỉ diễn ra một chiều là chỉ có hàng hóa Việt Nam xuất đi nước ngoài mà còn có cả sự du nhập ào ạt của các loại hàng hóa khắp trên thế giới về Việt Nam. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không nên chỉ chú trọng mảng thị trường xuất khẩu mà cần bảo vệ chính mình tại thị trường nước nhà, nơi hàng hóa nhập có chất lượng tốt với giá cả hợp lý vẫn tiếp tục tràn vào. Nếu doanh nghiệp bỏ qua việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ngay ở trong nước, có thể họ sẽ bị thất bại ngay tại nước nhà.
c. Lựa chọn thủ tục đăng ký phù hợp với thị trường xuất khẩu
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ra nước ngoài có thể thực hiện theo ba cách thức khác nhau: đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia theo Công ước Paris, đăng ký theo Thỏa ước và Nghị định thư Madrid và đăng ký tại Cộng đồng chung Châu Âu.
Có thể nhận thấy thủ tục và chi phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo Nghị định thư Madrid là cách thức đơn giản và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, doanh nghiệp không vì thế mà luôn luôn lựa chọn cách thức này để đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa tại mọi thị trường xuất khẩu của mình. Nguyên
nhân là bởi không phải mọi quốc gia đều tham gia Liên minh Madrid để các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng quy định của Nghị định thư trong mọi trường hợp.
Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ càng về thị trường dự định đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, xem quốc gia đó có tham gia Công ước hay Thỏa ước quốc tế nào hay không? Từ đó, doanh nghiệp mới lựa chọn cho mình hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa hiệu quả nhất, tránh tình trạng do không tìm hiểu kỹ nên doanh nghiệp phải tốn kém để thực hiện đăng ký nhãn hiệu trực tiếp tại các quốc gia này trong khi quốc gia đó đã là thành viên của Thỏa ước Madrid.
Trong trường hợp phải đăng ký trực tiếp tại các quốc gia thì doanh nghiệp nên tìm hiểu rõ quy định của từng quốc gia để có quy trình thực hiện giản tiện nhất và đạt hiệu quả cao nhất. Ở đây, xin nhấn mạnh lại vai trò quan trọng của các công ty tư vấn luật trong việc hỗ trợ doanh nghiệp những tư vấn xác đáng và thiết thực nhất về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài.
d. Tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện các nhãn hiệu hàng hóa tương tự của các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường
Khi có kế hoạch phát triển nhãn hiệu ra thị trường thế giới, doanh nghiệp nên song song thực hiện các biện pháp bảo vệ nhãn hiệu trên thị trường thế giới. Cụ thể, khi đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại các thị trường này, doanh nghiệp không nên phó mặc sự tồn tại của nhãn hiệu tại đây cho dù đã có sự bảo hộ của pháp luật, mà nên thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của nhãn hiệu (về uy tín, độ tin cậy mà nhãn hiệu tạo dựng được trên thị trường quốc tế), giám sát và phát hiện kịp thời những nhãn hiệu tương tự của các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường. Thực tế là, khi một hàng hóa với nhãn hiệu có tiếng, dành được sự tin cậy của người tiêu dùng sẽ luôn có nguy cơ bị làm nhái, làm giả từ những kẻ cạnh tranh không lành mạnh.
Không ít doanh nghiệp Việt Nam đã tạo được những nhãn hiệu thực sự mạnh trên thị trường xuất khẩu và rồi thị trường đó cũng nhanh chóng tràn ngập những hàng nhái, hàng giả hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam. Khi đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa quốc tế, doanh nghiệp sẽ được bảo vệ về mặt pháp luật khi có tình trạng xâm phạm bất hợp pháp của bên thứ ba. Tuy nhiên, trong thời gian hàng nhái, hàng giả tràn vào thị trường với chất lượng không đảm bảo, nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam đương nhiên sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực như sự phản đối, mất lòng tin của khách hàng. Ngoài ra, để giành lại được độc quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ của mình, doanh nghiệp lại phải tốn kém thời gian và tiền của vào các vụ kiện cáo quốc tế cho dù phần thắng có thuộc về mình. Vì vậy, việc ngăn chặn kịp thời sẽ hạn chế tối đa cho doanh nghiệp những tổn thất không đáng có. Khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, doanh nghiệp nên luôn ở tư thế sẵn sàng và chủ động để giành thế thắng lợi hơn là bị động để chịu thua thiệt.
Một số biện pháp giải quyết khi xảy ra tranh chấp về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài
Mặc dù Việt Nam đã được tạo thuận lợi rất nhiều trong thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài khi là thành viên đầy đủ của hệ thống đăng ký nhãn hiệu hàng hóa quốc tế theo Thỏa ước Madrid nhưng trên thực tế, tình trạng đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn rất yếu kém. Do đó, tình trạng tranh chấp về quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa do chậm đăng ký bảo hộ quốc tế vẫn diễn ra trên các thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bị chiếm đoạt nhãn hiệu hàng hóa không có nghĩa là doanh nghiệp bó tay chịu mất nhãn hiệu đó. Có nhiều cách để đòi lại nhãn hiệu, nhất là khi Việt Nam đã chính thức tham gia Nghị định thư Madrid. Vấn đề là doanh nghiệp cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn phương án hành động phù hợp theo từng trường hợp cụ thể.
Khi doanh nghiệp có nhãn hiệu bị người khác đăng ký trước, có thể giải quyết theo các hướng sau:
- Trường hợp nhãn hiệu bị chiếm đoạt chỉ mới ở dạng Đơn xin đăng ký nộp tại cơ quan sở hữu trí tuệ nước sở tại thì doanh nghiệp cần phải thực hiện mọi biện pháp để phản đối việc cấp đăng ký cho đơn đó. Hiện nay, hầu hết các cơ quan chức năng quản lý việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của các nước đều đã có hệ thống kiểm tra nhãn hiệu đã và đang đăng ký bảo hộ tại quốc gia đó. Vì vậy, doanh nghiệp nên chủ động trong việc tìm hiểu các hệ thống đăng ký nhãn hiệu của các quốc gia để kịp thời đối phó. Trường hợp của PetroVietnam là một ví dụ điển hình cho việc thành công đòi lại độc quyền đối với nhãn hiệu khi có doanh nghiệp đăng ký trước (nhưng chưa được cấp bằng chứng nhận).
- Trong trường hợp nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tại các quốc gia thì doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong các cách giải quyết sau:
Thứ nhất, mở vụ kiện để hủy bỏ đăng ký của người kia. Biện pháp này tương đối khả thi vì luật pháp các nước đều có điều khoản chống hành vi đăng ký nhãn hiệu để trục lợi hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, để thành công, phía Việt Nam phải có những bằng chứng xác đáng và thuyết phục. Đây là một cách giải quyết khá phổ biến của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi (kiểu dáng công nghiệp)... Tuy nhiên, đây cũng là cách thức gây thiệt hại nhiều nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, doanh nghiệp có thể dàn xếp, thương lượng với người đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa để nhượng lại quyền sở hữu nhãn hiệu. Trường hợp này chỉ xảy ra khi người đăng ký chỉ có mục đích tạo thuận lợi trong kinh doanh chứ không có ý định cạnh tranh không lành mạnh với chủ
nhãn hiệu thực sự. Trung Nguyên bị đối tác đăng ký ở Nhật nhưng đã thương lượng để lấy lại được nhãn hiệu cũng do đối tác không có ý đồ xấu.