Các dạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa xảy ra thƣờng xuyên đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Một phần của tài liệu Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam (Trang 71 - 75)

hàng hóa xảy ra thƣờng xuyên đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Như đã phân tích ở trên, do sự yếu kém trong nhận thức cũng như tính bị động trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài mà có rất nhiều hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn được lưu thông trên thị trường quốc tế mà nhãn hiệu hàng hóa chưa được các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký quốc tế. Điều này dẫn đến tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Nhìn chung, hiện nay có ba dạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam xảy ra thường xuyên trên thị trường thế giới là: chiếm đoạt nhãn hiệu hàng hóa, giả mạo, hàng nhái.

Thứ nhất: Chiếm đoạt nhãn hiệu hàng hóa có nghĩa là một doanh nghiệp khác đăng ký hay sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam mà nhãn hiệu đó chưa được doanh nghiệp Việt Nam đăng ký hay mất

hiệu lực sử dụng. Đây là một trong những vi phạm xảy ra thường xuyên và gây tổn thất lớn lao nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Điều đáng lo ngại là tình trạng này ngày càng gia tăng và thường xảy ra tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng hay những thị trường chủ chốt, nơi mà các hàng hóa Việt Nam đã có những uy tín nhất định. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay có hàng chục doanh nghiệp của Việt Nam bị mất nhãn hiệu hàng hóa tại các thị trường lớn. Những nhãn hiệu hàng hóa có tiếng tăm ở thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài như cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi, kẹo dừa Bến Tre… đều đã và đang vất vả giành lại quyền sở hữu đối với chính nhãn hiệu hàng hóa của mình. Rất nhiều doanh nghiệp không biết nhãn hiệu hàng hóa của mình đã được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho đến khi chính họ bị phía nước ngoài đệ đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại do "sử dụng nhãn hiệu trái phép" hoặc không được xuất khẩu vào thị trường đó vì nhãn hiệu đã thuộc quyền sở hữu của người khác.

Điển hình là trường hợp của nhãn hiệu cà phê "Trung Nguyên". Tháng 1 năm 2001, công ty cổ phần Trung Nguyên ký kết hợp đồng nhập khẩu và phân phối cà phê "Trung Nguyên" với tập đoàn Rice Field của Mỹ. Công việc làm ăn tiến triển giữa hai bên đưa đến cho Trung Nguyên những triển vọng phát triển tại thị trường Mỹ, do đó doanh nghiệp cũng nghĩ đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại đây. Bất ngờ thay là nhãn hiệu "Trung Nguyên" đã được chính nhà phân phối của công ty đăng ký tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ dưới tên của Rice Field chỉ 3 tháng sau lần tiếp xúc đầu tiên giữa hai bên. Hậu quả sau đó là cà phê "Trung Nguyên" bị Rice Field ngăn cấm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Và phải mất 2 năm ròng rã với những chi phí tốn kém lên đến hàng triệu USD, Trung Nguyên mới giành lại được nhãn hiệu của chính mình.

Hay một trường hợp khác mà hậu quả của việc chiếm đoạt nhãn hiệu hàng hóa đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm là nhãn hiệu thuốc lá

"VINATABA". Ngay từ năm 1990, nhãn hiệu thuốc lá "VINATABA" đã được Tổng công ty thuốc lá Việt Nam đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tuy nhiên, mãi đến năm 2000, tổng công ty mới nghĩ đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài.Đến lúc này, công ty mới biết rằng nhãn hiệu "VINATABA" đã bị công ty Sumatra (Indonesia) vốn từng là một đối tác của mình nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại 12 nước trong khu vực Châu Á. Cũng như các trường hợp bị chiếm đoạt nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khác, sự việc này ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển thị trường đối ngoại của doanh nghiệp vì trong thời gian chưa giành lại được nhãn hiệu của mình, không một sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu "VINATABA" do Việt Nam sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường này. Ngoài ra, một mối nguy hại lớn hơn mà Vinataba phải đối mặt khi các thị trường nước ngoài này lại bao gồm những quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc. Vì khi đó, các hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu "Vinataba" được phép sản xuất một cách hợp pháp do họ có quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa dễ dàng có cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam. Để giành lại được nhãn hiệu của chính mình, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng như các cơ quan Ngoại giao của Việt Nam tại các nước này, tổng công ty thuốc lá đã phải thuê luật sư mở các vụ kiện kéo dài mấy năm tốn rất nhiều mất mát về công sức, thời gian và tiền của.

Có thể nói, vi phạm chiếm đoạt nhãn hiệu hàng hóa là hành vi được thực hiện dựa trên nguyên tắc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và phần thua thiệt sẽ thuộc về những người thiếu hiểu biết hơn.

Thứ hai: Hành vi giả mạo là việc làm giả một sản phẩm, tạo ấn tượng đối với mọi người rằng đó là một sản phẩm chính hiệu. Hành vi này thường được áp dụng đối với các nhãn hiệu nổi tiếng, có uy tín trên thị trường thế giới. Những ví dụ điển hình và được biết đến một cách rộng rãi về hàng giả là

túi xách LOUIS VUITON giả, đồng hồ ROLEX, CARTIER, các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như PUMA, LEVIS, ADIDAS cũng là đối tượng được giả mạo rất nhiều. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, tình trạng hàng giả mạo nhiều nhất vẫn là trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài, sau khi chiếm đoạt được nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam thì tiến hành sản xuất hàng giả với chất lượng có thể kém hơn rất nhiều nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam.

Kẹo dừa "Bến Tre" là đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, nó không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước mà còn được đưa ra giới thiệu với thị trường quốc tế, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Tại đây, sản phẩm được đặt hàng và nhập khẩu thông qua một nhà phân phối địa phương. Hoạt động kinh doanh trên thị trường Trung Quốc đã lâu năm nhưng công ty không hề nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại đây. Lợi dụng thực tế đó, nhà phân phối tại Trung Quốc đã đem nhãn hiệu "Bến Tre" đi đăng ký dưới tên của mình và được Cục Nhãn hiệu Trung Quốc cấp Giấy chứng nhận độc quyền nhãn hiệu này. Ngay sau đó, nhà phân phối đã quay ra ngăn cấm kẹo dừa "Bến Tre" chính hiệu xuất khẩu vào Trung Quốc. Đồng thời, nhà phân phối này cũng thuê riêng một cơ sở ngay tại Trung Quốc sản xuất kẹo dừa và đàng hoàng gắn nhãn hiệu "Bến Tre" của Việt Nam để tiếp tục tiêu thụ trên thị trường này. Và cũng phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của, chủ nhãn hiệu thực sự mới giành lại được nhãn hiệu kẹo dừa "Bến Tre" của mình tại thị trường Trung Quốc.

Thứ ba: Bắt chước, làm nhái các hàng hóa nổi tiếng cũng là một hình thức vi phạm phổ biến hiện nay. Thông thường, các hàng hóa làm nhái hoặc bắt chước chính là sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp bị làm nhái. Thường các hàng hóa đó được thiết kế tương tự với thiết kế, kiểu dáng của các hàng hóa bị làm nhái. Đây là hành vi của những kẻ muốn trục lợi trên tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp khác. Thay vì đầu tư cho nhãn hiệu hàng hóa với hình ảnh của riêng mình, cho sản phẩm của riêng mình,

người bắt chước lại lợi dụng danh tiếng của các sản phẩm cạnh tranh đã có tiếng tăm trên thị trường.

Trên đây là những hình thức vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa hiện nay vẫn đang tồn tại và gây nguy hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Và biện pháp phòng tránh duy nhất mà các doanh nghiệp có thể áp dụng là kịp thời đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của hàng hóa trên thị trường nước ngoài cho dù đó là hàng hóa đã hay dự định xuất khẩu.

Một phần của tài liệu Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam (Trang 71 - 75)